Hàng loạt dự án điện gió trước nguy cơ không kịp hưởng giá ưu đãi
Dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại khiến cho kế hoạch vận hành thương mại vào ngày 31/10/2021 của hàng loạt nhà máy điện gió đứng trước nguy cơ “sụp đổ”. Cho dù, các chủ đầu tư vẫn đang hết sức nỗ lực chạy đua để kịp tiến độ, nhưng có lẽ đây là nhiệm vụ bất khả thi, bởi thời hạn để được hưởng cơ chế giá ưu đãi cho các dự án điện gió theo Quyết định 39/2018/TTg còn lại chưa đầy 3 tháng...
Số liệu cập nhật mới nhất của Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) cho thấy, đến hết ngày 3/8/2021 đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại. Tuy nhiên, mới có 21 nhà máy điện gió đã vào vận hành thương mại.
COVID "BỊT ĐƯỜNG" CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
Theo Quyết định số 39/TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 8,5 Uscents/kWh).
Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 9,8 UScent/kWh).
Giá mua điện được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Căn cứ nội dung Thông tư số 02/ ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương về Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió, trước 90 ngày trước ngày vận hành thương mại, Bên bán điện có trách nhiệm gửi bên mua điện dự thảo quy trình chạy thử nghiệm thu của nhà máy điện phù hợp với các quy định hiện hành và các tiêu chuẩn công nghệ của nhà máy điện gió để hai bên thống nhất xác định ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của nhà máy điện.
Để có thể đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại trước thời điểm 31/10/2021 thì chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho bên mua điện (EVN) muộn nhất là ngày 3/8/2021.
Trong thời gian vừa qua, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 8.144,88 MW.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của EVN, đến hết ngày 3/8/2021 đã có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại theo đúng quy định trước 90 ngày.
Tuy nhiên, mới chỉ có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất 819 MW vào vận hành thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà máy còn lại chỉ đăng ký để đáp ứng yêu cầu thông tin cho EVN nhằm “giữ chỗ”, còn trên thực tế có khả năng sẽ không kịp phát điện một phần hoặc toàn bộ dự án theo kế hoạch.
Lý do chậm tiến độ đến từ nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, thiên tai, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Vì vậy, ảnh hưởng đến việc vận chuyển thiết bị, nhất là các tua bin gió. Đối với các chuyên gia nước ngoài khi nhập cảnh vào làm việc cũng khó khăn, đồng thời việc đi lại bị hạn chế, nhân lực khan hiếm.
Trước những trở ngại này, nhiều nhà đầu tư dự án điện gió từ khắp các tỉnh/thành trên cả nước như Bình Thuận, Gia Lai, Sóc Trăng, Trà Vinh, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Cà Mau… đang xoay xở mọi cách hoàn thành dự án để được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 39. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, thậm chí là bất khả thi.
XIN GIA HẠN ĐỂ TRÁNH PHÁ SẢN
Trước nguy cơ hàng loạt dự án điện gió không thể về đích đúng kế hoạch để được hưởng cơ chế giá ưu đãi, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, UBND các tỉnh có dự án điện gió đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và các bộ, ngành liên quan xem xét gia hạn thời điểm phát điện thương mại từ 3-6 tháng đối với những dự án điện gió đang thực hiện theo Quyết định 39, nhằm tránh việc hàng loạt chủ đầu tư dự án điện gió bị phá sản.
Trong công văn 198 của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN vào cuối tháng 7/2021 nêu rõ, mặc dù các chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thành dự án theo mục tiêu để phát điện thương mại hạn chót vào ngày 31/10/2021, nhưng do dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, trong đó có các dự án điện gió.
Cụ thể, một số nhà cung cấp thiết bị điện gió trên thế giới bị gián đoạn sản xuất, dẫn đến nguồn cung thiết bị của các dự án không về kịp theo đúng tiến độ đã cam kết làm ảnh hưởng rất lớn đối với các dự án điện gió đang triển khai. Bên cạnh đó, các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam đúng thời hạn.
Vận chuyển thiết bị đến công trường đang gặp rất nhiều trở ngại do phải thực các quy định để phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương. Ngoài ra, nguồn lao động đang thi công trên các công trường bị thiếu hụt rất trầm trọng, vì nhiều tỉnh thành đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16.
Việc nghiệm thu vận hành thương mại cũng tiềm ẩn nhiều trở ngại khi hàng loạt dự án cùng thực hiện công việc này vào tháng 9 và 10/2021, trong khi các địa phương quy định rất chặt chẽ về cách ly người từ nơi khác đến. Do vậy, EVN sẽ khó bố trí đủ lực lượng để hoàn thành công việc này.
Thời gian gần đây, UBND các tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng đồng loạt có văn bản đề xuất tới các cấp có thẩm quyền báo cáo về tình trạng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11 tới để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 UScent/kWh theo Quyết định 39 và nguyên nhân được đưa ra tương tự như trong văn bản của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam.
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, đến nay tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án điện gió với tổng công suất 570 MW. Qua theo dõi tình hình thực tế, cùng với đánh giá của các nhà đầu tư, thì khả năng nhiều dự án trễ hẹn vận hành thương mại vào trước 31/10/2021. Do đó, tỉnh Trà Vinh kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá ưu đãi với các dự án điện gió trên địa bàn tới hết tháng 4/2022.
Tại tỉnh Sóc Trăng, hiện có 20 dự án điện gió với tổng công suất 1.435 MW được duyệt vào quy hoạch phát triển điện gió của địa phương, cũng như Quy hoạch điện VII. Hiện tại, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đối với 16 dự án có tổng công suất khoảng 1.095 MW, trong đó 11 dự án đang thi công.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới tình trạng chậm tiến độ thi công, khó đảm bảo vận hành kịp thời hạn hưởng giá ưu đãi. Vì vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá ưu đãi đến hết 31/3/2022.
Đối tượng được hưởng gia hạn là các dự án điện gió đang triển khai thi công (đã có hợp đồng mua bán điện ký kết, hợp đồng mua sắm thiết bị, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật…).
UBND tỉnh Gia Lai là địa phương kiến nghị mốc lùi thời hạn ngắn nhất là đến hết 31/12/2021. Tính tới thời điểm hiện tại, địa phương này đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đưa vào quy hoạch 17 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 1.242 MW.