06:00 31/08/2021

Đám cưới trực tuyến có thể sẽ thành mốt?

Tường Bách

Lễ cưới “online" là một xu hướng thích nghi với đại dịch Covid, có thể không sang trọng, náo nhiệt nhưng vẫn trang trọng, đầm ấm và hạnh phúc. Hơn thế, đây sẽ là một lễ cưới giản dị và tiết kiệm phù hợp với tình hình mới...

Tình hình dịch bệnh kéo dài khiến nhiều kế hoạch, dự định phải hoãn hủy. Trên khắp thế giới, những đôi uyên ương đã ấp ủ về một đám cưới trong mơ nhưng đành khoanh tay trước dịch bệnh. Có những cặp đôi đã lựa chọn tin và chờ vào ngày hết dịch, nhưng cũng có cặp đôi không chấp nhận "khoanh tay chịu trói" và vẫn thực hiện đám cưới theo cách "chưa từng có".

MẢNH ĐẤT MỚI CỦA CÔNG TY KHỞI NGHIỆP

Cô dâu chú rể vẫn khoác lên mình trang phục cưới, vẫn thực hiện những nghi lễ cần có và được sự chứng kiến của gia đình, họ hàng và bạn bè nhưng... thông qua màn hình trực tuyến. Ý tưởng sáng tạo về một đám cưới online đã mang lại niềm tin và động lực cho nhiều cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Nếu giờ đây chúng ta tìm kiếm hashtag #onlinewedding trên nền tảng Instagram, sẽ nhận được hơn 10 nghìn kết quả gồm những hình ảnh, video về những lễ cưới ảo này đến từ khắp nơi trên thế giới.

Kể từ tháng 4/2020, Mauricette Rodriguez - quản lý dịch vụ của khách sạn Four Seasons Hotel Austin (Texas, Mỹ) thực hiện khoảng hai buổi giới thiệu cho mỗi tuần để giúp các khách hàng có ý định tổ chức đám cưới tham quan khách sạn thông qua tour thực tế ảo. Hiện khách sạn đang nhận được nhiều yêu cầu hơn bao giờ hết cho những đám cưới kiểu “bỏ trốn” (chỉ gồm có cô dâu và chú rể), sau đó kết nối với khách mời qua màn hình trực tuyến. “Tôi đã chứng kiến nhiều khách dự đám cưới qua màn hình iPad đã mua rượu sâm banh và bánh để chúc mừng các cặp đôi từ xa,” ông Rodriguez nói.

Bên cạnh chi phí, tận dụng giải pháp online là một ý tưởng hay cho các cặp đôi muốn tổ chức đám cưới trong thời điểm dịch bệnh.
Bên cạnh chi phí, tận dụng giải pháp online là một ý tưởng hay cho các cặp đôi muốn tổ chức đám cưới trong thời điểm dịch bệnh.

Tương tự, lễ cưới của chú rể Jigen đáng lý sẽ tổ chức tại khách sạn ở Thượng Hải nhưng dịch bệnh diễn ra khiến anh phải tạm dừng tổ chức và chờ đến lúc tình hình được kiểm soát. Trong khi chờ đợi, anh và vợ quyết định tổ chức lễ cưới trong game trực tuyến Final Fantasy XIV với hơn 30 người bạn tham dự, mà phần lớn trong số đó chưa từng biết đến game trực tuyến. Chi phí đám cưới là khoảng 350 USD, rẻ hơn rất nhiều lần so với việc tổ chức một đám cưới truyền thống ở Trung Quốc.

Ngay cả tại Ấn Độ - đất nước nổi tiếng với những đám cưới xa hoa kéo dài nhiều ngày – vẫn có những cặp đôi như Sushen Dang và Keerti Narang lựa chọn thay đổi nghi thức truyền thống. Nhờ thầy cúng chọn ngày lành, họ tổ chức đám cưới qua Internet. "Chúng tôi không ngờ rằng đám cưới trực tuyến của mình lại hoành tráng như thế," chú rể 26 tuổi, nhà phân tích dữ liệu, nói trong đám cưới hôm 19/6. "Một trăm khách đã tham dự qua ứng dụng. Chúng tôi cũng phát trực tiếp qua Facebook và được hơn 16.000 người theo dõi".

 
Trong thời điểm bình thường, tiệc cưới là ngành kinh doanh lớn. Trên toàn thế giới, ngành công nghiệp này được ước tính trị giá 300 tỷ USD một năm. Chưa rõ khi nào ngành công nghiệp tiệc cưới toàn cầu sẽ trở lại như xưa, trong lúc chờ đợi, xu hướng kết hôn đã phải tự thay đổi để thích nghi. 

Bên cạnh chi phí, tận dụng giải pháp online là một ý tưởng hay cho các cặp đôi muốn tổ chức đám cưới trong thời điểm dịch bệnh. Điều này đã làm thị trường tổ chức lễ cưới ảo trở nên sôi động hơn bao giờ hết, các công ty thi nhau đưa nhiều chức năng tương tác vào một lễ cưới ảo để thu hút các cặp đôi. Như LoveStream, đơn vị này cung cấp một website tùy chỉnh bao gồm cuộc trò chuyện trực tiếp, sổ lưu bút ảo, danh sách phát Spotify... với chi phí từ  350 - 1.350 USD. Hay như Wedfuly, với 1.200 USD, công ty này sẽ cung cấp một điều phối viên điều phối sự kiện ảo, các trang thiết bị cần thiết cho buổi phát trực tiếp. 

Theo thống kê của Zola (Mỹ), startup cung cấp dịch vụ liên quan đến lễ cưới được định giá 650 triệu USD, một khảo sát dựa trên 12.000 cặp đôi hồi cuối năm 2020 cho thấy hơn 1/3 số đó cân nhắc việc tổ chức lễ cưới ảo. Chi phí đám cưới trung bình của người Mỹ năm 2017 là hơn 33.000 USD, nhưng vẫn chiếm hơn nửa thu nhập trung bình hằng năm của một hộ gia đình ở nước này. Vì thế, đám cưới ảo với chi phí cạnh tranh hơn nhưng cung cấp các trải nghiệm mới lạ và dễ lan truyền hơn là niềm tin cho các startup ở Mỹ tìm chỗ đứng trong ngành công nghiệp lễ cưới.

NHỮNG ĐÁM CƯỚI ĐẶC BIỆT TẠI VIỆT NAM

Tại Việt Nam nhiều năm qua, dịch vụ tổ chức lễ cưới nuôi sống một chuỗi doanh nghiệp, từ nhà hàng, người cung cấp thực phẩm, nhiếp ảnh gia cho đến cửa hàng cung cấp hoa, váy cưới và các vũ đoàn. Riêng tại TP.HCM, theo số liệu từ Cục Điều tra Dân số, trong vòng vài năm trở lại đây, TP.HCM có trung bình hơn 40.000 cặp đôi đăng ký kết hôn mỗi năm.

Dịch bệnh đã làm ngành công nghiệp này tê liệt trong suốt 2 năm qua, ngăn cản những cặp đôi được chia vui với bạn bè, họ hàng trong ngày lễ trọng đại của cuộc đời. Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch thứ 4 hiện nay, tình trạng giãn cách xã hội kéo dài đã khiến nhiều cặp đôi mạnh dạn thử nghiệm hình thức đám cưới online, chủ yếu là dựa trên nền tảng Facebook hoặc ứng dụng họp trực tuyến.

"Covid-19 làm nhiều thứ bị đình trệ... nhưng hạnh phúc thì không thể trì hoãn," cô dâu Khánh Thi và chú rể Văn Quan (Quận 9, TP.HCM) viết trên trang cá nhân ngay sau đám cưới online của họ được tổ chức vào tháng 7 mới đây. Vẫn đầy đủ nghi thức, nghi lễ, trầu cau, quan viên 2 họ cũng quần dài áo đóng, nghiêm chỉnh… nhưng chỉ ngồi dự tiệc cưới qua qua máy tính, màn hình điện thoại. Anh trai của cô dâu làm chủ trì hôn lễ, cùng ba mẹ cô dâu, ba mẹ chú rể, chú dì, anh chị em… nô nức vui cười và lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc. Lễ cưới, giản dị nhưng đầy đủ tình yêu thương của mọi người.

Cô dâu Khánh Thi và chú rể Văn Quan (Quận 9, TP.HCM) trong lễ cưới online của mình. Ảnh: facebook nhân vật.
Cô dâu Khánh Thi và chú rể Văn Quan (Quận 9, TP.HCM) trong lễ cưới online của mình. Ảnh: facebook nhân vật.

Gia đình cô dâu chú rể cho biết, ngay khi cặp đôi thông báo đám cưới sẽ tổ chức đúng ngày và tổ chức “online”, gia đình hai bên cũng có trao đổi nhiều. Ban đầu, gia đình hai bên cũng có suy nghĩ khác nhưng về sau thấy cũng đây là một phương án hay, đặc biệt nhất trong tình hình dịch bệnh kéo dài. Số lượng người thân và bạn bè tham dự đám cưới khoảng 20 người, từ Huế, Đà Nẵng, Tiền Giang, Hà Nội và ở quận khác ngay tại Sài Gòn, ai cũng chuẩn bị trang phục trang trọng. Ngoài việc đường truyền có đôi lúc chập chờn còn mọi thứ đều diễn ra thuận lợi, đủ làm nên đám cưới đặc biệt, ấm áp và đáng nhớ.

Sau khi đám cưới diễn ra, rất nhiều người thân, bạn bè của cô dâu chú rể đã chia sẻ về đám cưới đặc biệt này. Và rồi, cũng có những cặp đôi khác cũng đã học theo, tổ chức ngày càng nhiều các đám cưới “online” ở khắp nơi tại Việt Nam. Đây biết đâu lại trở thành một xu hướng mới giúp các cặp đôi thích nghi khi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới chấm dứt. "Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã về chung một nhà và cùng cố gắng nhiều hơn cho tương lai. Đám cưới dù lớn hay nhỏ thì cùng chung ý nghĩa là hạnh phúc," cô dâu mới Khánh Thi chia sẻ.