Đảo Lý Sơn phát triển xanh, xứng danh “thiên đường” du lịch  - Ảnh 1
Đảo Lý Sơn phát triển xanh, xứng danh “thiên đường” du lịch  - Ảnh 2

Lý Sơn là huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ khoảng 30km, với diện tích gần 10km2 và dân số hơn 20.000 người. Địa phương này có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc như: lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền, lễ hội đình làng An Hải. Bên cạnh đó, huyện đảo có văn hóa ẩm thực đặc sắc với những sản phẩm nổi tiếng như tỏi, hành, hải sâm, rong biển. Năm 2019, Lý Sơn được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

Đảo Lý Sơn phát triển xanh, xứng danh “thiên đường” du lịch  - Ảnh 3

Sau hơn hai năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, từ cuối năm 2022 đến nay, khách du lịch đang quay trở lại Lý Sơn ngày càng đông. Sự “ sống lại” của du lịch Lý Sơn cho thấy tiềm năng, lợi thế của huyện đảo này, đồng thời nguồn khách du lịch ổn định cũng là cơ sở để Lý Sơn “cất cánh” trong tương lai gần, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 05 của tỉnh ủy Quảng Ngãi: “Đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, lấy Lý Sơn làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển du lịch của toàn tỉnh”.

Triển khai nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, huyện ủy Lý Sơn đã đề ra Chương trình hành động nhằm “Đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; đồng thời xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Lý Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết chính quyền huyện đảo đang tập trung khai thác các lợi thế để phát triển du lịch, coi đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để đưa địa phương phát triển theo hướng xanh bền vững.

Chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo huyện đảo là chú trọng bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa, di tích trên địa bàn gắn với truyền thống khai thác biển đảo lâu đời của người dân Lý Sơn. Đặc biệt, bảo tồn và phát huy các sản phẩm du lịch tâm linh, các di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh đã được công nhận cấp quốc gia; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng quyết tâm xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghiệp để giữ gìn môi trường không gian xanh vốn có của đảo.

Đảo Lý Sơn phát triển xanh, xứng danh “thiên đường” du lịch  - Ảnh 4

Những năm gần đây, kinh tế của Lý Sơn ngày càng phát triển tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững, thu ngân sách tăng vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Số liệu thống kê cập nhật đến thời điểm này cho thấy, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện năm 2022 ước đạt 2.061 tỷ đồng, tăng gấp 23,97 lần so với năm 1993. Cơ cấu các ngành kinh tế: nông nghiệp và thủy sản chiếm 46,18%; thương mại, dịch vụ - du lịch chiếm 46,08%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 37,5 triệu đồng/người/năm, tăng 192,3 lần so với khi mới thành lập huyện.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết đảo Lý Sơn trồng hai loại cây trồng truyền thống chủ lực là tỏi và hành, bình quân của 5 năm gần đây, mỗi năm thu hoạch khoảng 2.500 tấn tỏi và 9.450 tấn hành. Năm 2020, tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) công nhận cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Tỏi Lý Sơn; huyện đang thực hiện tốt chỉ dẫn này nhằm giữ vững thương hiệu Tỏi Lý Sơn trên thị trường.

Nghề trồng hành, tỏi của người dân Lý Sơn ngoài mang lại giá trị kinh tế cao, hai loại cây đặc sản này còn góp phần làm cho thảm thực vật xanh của đảo thêm phong phú và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai nhiều dự án trồng rừng với hơn 90 ha rừng và 4.000 cây cảnh quan các loại, rừng khép tán, độ che phủ rừng đạt 10,35%.

Đảo Lý Sơn phát triển xanh, xứng danh “thiên đường” du lịch  - Ảnh 5

Ngành thủy sản của Lý Sơn cũng đang phát triển mạnh, huyện có 549 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 81.373 CV, sản lượng thủy sản khai thác năm 2022 ước đạt 28.640 tấn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá, hiện Lý Sơn có 51 lồng, bè nuôi trồng thủy sản; sản lượng nuôi trồng năm 2022 ước đạt 43,482 tỷ đồng. Các cơ sở chế biến hải sản thương phẩm quy mô như chả cá, nước mắm từng bước được hình thành, đặc biệt là thương hiệu chả cá Lý Sơn đã được du khách ưa chuộng.

Sau quãng thời gian khó khăn do dịch bệnh gây ra, hiện nay, UBND huyện Lý Sơn tiếp tục xác định tiếp tục đầu tư mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ; từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Lý Sơn, làm hạt nhân cho phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi.

Lý Sơn đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, trọng tâm là đầu tư các tuyến đường giao thông, điện thắp sáng đến các điểm di tích, danh lam thắng cảnh; nâng cấp cầu Cảng giao thông; trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, quan tâm xử lý vấn đề vệ sinh, môi trường, công viên cây xanh. Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, lấy người dân là trung tâm của sự phát triển.

Đảo Lý Sơn phát triển xanh, xứng danh “thiên đường” du lịch  - Ảnh 6

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng đảo, ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết trong những năm gần đây, Lý Sơn đã được đầu tư rất lớn để từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ về du lịch. Nổi bật là đầu tư các tuyến đường giao thông, điện lưới cáp ngầm xuyên biển, cảng giao thông Bến Đình, nhà trưng bày bộ xương cá ông lớn nhất Việt Nam (Lăng Tân), quảng trường, công viên, cột cờ. Chính quyền huyện Lý Sơn cũng tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư các cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ phát triển du lịch. Hiện, toàn huyện có 135 cơ sở lưu trú từ khách sạn, nhà nghỉ, homestay, với hơn 1.000 phòng, đảm bảo phục vụ từ 3.000-4.000 khách/ngày.

Hoạt động vận tải biển có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ, hiện Lý Sơn có 7 tàu cao tốc phục vụ tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, 16 ca nô tuyến đảo Lớn – đảo Bé, rút ngắn đáng kể thời gian đi lại của người dân và du khách, từ đất liền ra đảo Lý Sơn chỉ mất 45 phút. Nhờ đó, số lượng khách du lịch đến Lý Sơn tăng nhanh theo từng năm, du lịch, dịch vụ thật sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đảo, chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện.

Công tác giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, xã hội ngày càng được nâng cao; giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo; an sinh xã hội được quan tâm đầy đủ. Lý Sơn đã được công nhận đô thị loại V, hiện nay, huyện đang tiếp tục thực hiện hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng đề án nâng đô thị từ loại V lên đô thị loại IV trong thời gian tới.

Đảo Lý Sơn phát triển xanh, xứng danh “thiên đường” du lịch  - Ảnh 7

VnEconomy 23/04/2023 11:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

 

Đảo Lý Sơn phát triển xanh, xứng danh “thiên đường” du lịch  - Ảnh 8