22:19 16/11/2022

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ thị trường tài sản

Minh Tú

Nhiều giải pháp đã được gấp rút kiến nghị lên các cơ quan quản lý nhằm xử lý, tháo gỡ cho thị trường tài chính, chứng khoán đang gặp khó khăn; trong đó nhấn mạnh kiến nghị không xử lý hình sự án kinh tế và thành lập Quỹ bảo lãnh cho Doanh nghiệp như Hàn Quốc và Trung Quốc đang làm…

Chia sẻ tại tọa đàm về “Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp” vào chiều ngày 15/11 tại TP.HCM, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GDP vào khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy, GDP danh nghĩa tăng khoảng 11%; trong khi cung tiền M2 chỉ tăng được 3%.

 

Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới ở quốc gia lạm phát thấp nhất thế giới. Ở châu Âu lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm chỉ 3%, trong khi lạm phát 10%. Mỹ cũng tương tự, lạm phát Mỹ khoảng 8,5-9%, trong khi lãi suất cho vay khoảng 2,5% - 3%/năm. Việt Nam, lạm phạm 3%, nhưng lãi suất hiện tại khoảng 10%/năm. 

Theo thống kê, cung tiền năm 2021 tăng 11%, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng khoảng 4,6%. Như vậy, có khoảng 6,4% tiền dư thừa từ năm 2021 được tiếp tục lưu hành trong các quý đầu năm 2022.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu suy kiệt. Do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang rất lớn dẫn tới lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tăng rất nhanh. Cụ thể, lạm phát ở Việt Nam hơn 3%, lãi suất hơn 10%, trong khi lạm phát của các nước phương Tây là 9% -10%, lãi suất có 2,5% - 3%.  

“Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới ở quốc gia lạm phát thấp nhất thế giới. Điều này cho thấy công cụ điều hành vĩ mô đang có vấn đề. Tỷ giá hối đoái có thể tăng (VNĐ có thể mất giá 10% hết quý 1/2023), nhưng lãi suất phải giảm, nếu không doanh nghiệp Việt Nam sẽ “chết hết””, ông Nghĩa phân tích.

Ông Nghĩa dùng từ “khô máu” để mô tả tình trạng hiện nay của nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này là tiền không có trong lưu thông. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước bán ra 26,5 tỷ USD, đồng nghĩa hút 600.000 tỷ đồng về. Đồng thời, 900.000 tỷ đồng đầu tư công, phát hành trái phiếu Chính phủ, được các ngân hàng mua hết, cũng đang bị đóng băng. Do đó, cần phải tìm cách “giải phóng” lượng tiền đầu tư công đang bị "đóng băng” tại hệ thống ngân hàng nói trên.

GIẢI PHÁP GỠ KHÓ CHO THỊ TRƯỜNG TÀI SẢN

Trước những thách thức trên, ông Nghĩa cho biết Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đang khẩn trương đề xuất các giải pháp để “cứu” thị trường tài sản. 

Cần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư để phục hồi thị trường chứng khoán.
Cần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư để phục hồi thị trường chứng khoán.

Theo đó, có thể dùng 300.000 tỷ đồng gửi vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn 1 năm. Đây là các ngân hàng lớn, không lo mất thanh khoản. Khi ngân sách cần, 4 ngân hàng này không khó huy động trả lại.

Sử dụng 500.000 tỷ đồng thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, tương tự như Chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc đang làm. Quỹ này dùng để mua lại trái phiếu, bảo lãnh hoặc tái bảo lãnh trái phiếu đáo hạn không còn khả năng xử lý.

Tiếp đến, nên xem xét kéo dài điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp của nghị định trước đó thêm 1 năm. Như vậy sẽ có thêm 1 năm để nhà đầu tư không chuyên tiếp tục đầu tư trái phiếu, sau đó, từ từ thu hẹp lại.

Ngoài ra, không hình sự hóa các vụ án (không xử lý hình sự án kinh tế) mà để tài sản nằm ở dân sự mới có thể bán, xử lý, khất nợ; chứ nếu phong tỏa thì tài sản nằm 1 chỗ không xử lý được nữa. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ như một ngân hàng thương mại, làm đề án tái cấu trúc nợ và công khai ra thị trường.

Với các giải pháp này, có thể dần dần giải quyết các vấn đề của nền kinh tế trong vòng 1 - 2 năm để dứt điểm các vấn đề về trái phiếu. Trong vòng 2 năm thì chứng khoán sẽ hồi phục. “Tiền sẽ được bơm, rủi ro từ kênh trái phiếu không còn nữa thì lãi suất sẽ giảm và tỷ giá hối đoái sẽ đi xuống”, ông Nghĩa phân tích.

CẦN CỦNG CỐ NIỀM TIN ĐỂ PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Chia sẻ về tình hình thị trường chứng khoán, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây chứng kiến niềm tin đổ vỡ. Cùng với đó là tình trạng bán giải chấp tăng mạnh, cứ mở sàn ra buổi sáng là giá cổ phiếu xuống, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Đây không chỉ phản ánh vấn đề của thị trường mà còn gây thiệt hại cho rất nhiều nhà đầu tư.

 

"Nhà đầu tư tạm bỏ qua những khó khăn ngắn hạn để có cái nhìn dài hạn hơn về triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam".

Ông Soon Su Long - Tổng giám đốc Maybank Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Soon Su Long - Tổng giám đốc Maybank Việt Nam, nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều tiềm năng trong dài hạn. Hiện tại, bối cảnh vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, dù lãi suất đang tăng cao nhưng cũng sẽ sớm hạ nhiệt. Đồng thời, hệ thống ngân hàng hiện vẫn vững mạnh, quản trị rủi ro tốt.

Do đó, Tổng Giám đốc Maybank cho rằng nhà đầu tư không nên hoảng loạn vì nhà điều hành đã nhìn nhận vấn đề và sẽ có giải pháp tháo gỡ. 

Dù được nhìn nhận có nhiều điểm sáng trong dài hạn, được các chuyên gia tài chính quốc tế đánh giá cao, nhưng theo Chủ tịch Chứng khoán VNDirect Phạm Minh Hương, Việt Nam đang đối mặt với các thách thức đến từ môi trường kinh tế lãi suất cao, khó giảm xuống trong thời gian gần. Trong đó, động thái tăng lãi suất của FED gây áp lực lên tỷ giá (tỷ giá USD/VND đã giảm 8,7% so với hồi đầu năm, tính đến ngày 11/11). 

Chưa kể, xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraine dẫn thiếu hụt năng lượng và giá cao, Trung Quốc kéo dài thời gian phong tỏa gây gián đoạn chuỗi cung ứng… Hệ quả, đơn hàng sản xuất giảm, khó kiểm soát được lạm phát khi giá năng lượng và hàng hóa tiếp tục leo thang trước áp lực của tỷ giá, nguy cơ giảm việc làm tại các hầu hết các lĩnh vực kinh tế lớn. Hơn nữa, rủi ro hệ thống của Thị trường tài chính khiến Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng kinh doanh.

Tuy nhiên, theo bà Hương, sự biến động của thị trường chứng khoán hiện tại chỉ là vấn đề niềm tin. “Khi niềm tin bị khủng hoảng dẫn đến sự tháo chạy của nhà đầu tư, chưa kể hầu hết các kênh đầu tư hiện nay dường như đều có vấn đề. Để thị trường chứng khoán hồi phục trở lại cần có niềm tin chung, điều này đòi hỏi mỗi cá nhân trên thị trường cùng hành động. Chúng ta phải đối diện vấn đề, phải đặt tên được và tìm cách khắc phục”, bà Hương nhấn mạnh.