Giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ Chính phủ
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ chỉ đạo rà soát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Chính phủ ban hành vừa Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
TẬP TRUNG ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
Theo Nghị quyết 143/NQ-CP, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm đưa ra giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh trong trung, dài hạn.
Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.
Tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền, ổn định thị trường tiền tệ, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.
Trước đó không lâu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tiếp có hai công điện, trong đó chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cam kết giữ ổn định thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi đây là hai kênh dẫn vốn quan trọng bậc nhất của doanh nghiệp cùng với kênh vay ngân hàng. Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là bảo vệ các nhà đầu tư, củng cố hệ thống thể chế pháp luật theo hướng minh bạch.
BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI NHÀ ĐẦU TƯ
Được xếp vào nhóm những thị trường đem đến tỷ suất sinh lời cao nhất trên thế giới, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước trên thị trường chứng khoán lên đến hơn 4,9 triệu tài khoản, xấp xỉ 5% dân số Việt Nam (sát mốc chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra). Và rủi ro trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán khi thị trường phát triển quá nhanh là điều không tránh khỏi.
Nhất là sau loạt sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp ở Tân Hoàng Minh, công ty An Đông,... đã gây nhiều hệ lụy, mất niềm tin và khiến cho đầu tư có cái nhìn khá tiêu cực về trái phiếu doanh nghiệp.
Để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài việc ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2029 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã lên tiếng đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.
Trong cuộc phỏng vấn báo chí mới đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng khẳng định: Việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư luôn được thực hiện một cách nghiêm túc. Vừa rồi có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự. Một số doanh nghiệp chứng khoán sai phạm trong cung cấp dịch vụ cũng bị xử lý.
“Một số công ty sai phạm chỉ là đơn lẻ và đã bị xử lý pháp luật để lành mạnh thị trường. Các công ty phát hành này đã cam kết trả đúng hạn trái phiếu đến hạn. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cụ thể, Chính phủ, Bộ Tài chính đang hành động khẩn trương để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư. Phong tỏa tài khoản tài khoản hàng trăm công ty để bảo vệ và thu hồi tiền trái phiếu cho nhà đầu tư, đảm bảo trả nợ cho nhà đầu tư chính là một trong những phương án khẩn trương mà Chính phủ đang triển khai để mang đến môi trường đầu tư lành mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại các cơ chế chính sách liên quan thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, hướng tới sự phát triển lành mạnh công khai, minh bạch cho các thị trường này.