08:02 06/11/2022

Cơ hội để thị trường trái phiếu chuyển dần sang “chất”, loại bỏ những "con sâu làm rầu nồi canh”

Ánh Tuyết

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện khá khiêm tốn và cách xa mục tiêu Chính phủ đề ra. Khởi nguồn từ “lượng”, thị trường đang chuyển dần sang "chất”, chính sách mới là cơ hội để thị trường "gạn đục, khơi trong" nhưng cần thời gian để thị trường làm quen và sàng lọc...

Nghị định 65 sẽ cần thời gian để thị trường làm quen nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính.
Nghị định 65 sẽ cần thời gian để thị trường làm quen nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính.

Trao đổi về định hướng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định rằng so với tiềm năng và tương quan với thị trường khu vực, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra. 

Hiện nay, dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1,204 triệu tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP. 

Lấy dẫn chứng quy mô một số quốc gia có thị trường vốn phát triển có dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều duy trì ở mức cao, Tư lệnh ngành Tài chính cho biết Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực như:  Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP)…

"Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP. Như vậy, chúng ta vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra", Bộ trưởng khẳng định.

TRUY DẤU TRÁCH NHIỆM CÁC CHỦ THỂ ĐỂ THỊ TRƯỜNG NÂNG CAO VỀ "CHẤT"

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đã hình thành khá lâu nhưng thực sự được thị trường quan tâm và phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây, nhất là 2 - 3 năm gần đây.

"Dù có sự tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển", Bộ trưởng chỉ rõ.

Trước tình trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã và đang bộc lộ một số rủi ro, Tư lệnh ngành Tài chính, cho rằng cần phải nhìn nhận chính xác, hợp lý, đúng mức độ để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển đúng hướng, an toàn, bền vững.

Theo đó, ở bất kỳ một thị trường nào, bên cạnh sự quản lý của Nhà nước thông qua khung khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm nghiêm minh, điều quan trọng hơn hết vẫn là nhận thức, trách nhiệm và tính tuân thủ của các đối tượng tham gia thị trường.

 

"Thị trường sẽ trải qua giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, khởi nguồn từ “lượng” và chuyển dần sang tăng về “chất”. Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp điều chỉnh, hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

"Chất lượng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành vi của các chủ thể tham gia thị trường", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chủ thể phát hành. 

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chủ yếu là niềm tin, là “chữ tình” với doanh nghiệp.

Để khuyến khích kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tương đối thông thoáng, hướng tới thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. 

Thống kê cho thấy, các ngân hàng đang nắm giữ tới 42% lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; kế đến là doanh nghiệp bất động sản với 29%. Riêng hai nhóm chủ thể phát hành này chiếm tới 71% lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. 

Khi các chủ thể phát hành tuân thủ pháp lý cao, đề cao tính minh bạch, công bố thông tin đầy đủ và giữ chữ tín với nhà đầu tư, thanh toán đầy đủ, đúng hạn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn; còn nhà đầu tư hiểu biết pháp luật, cẩn trọng xem xét thị trường khi mua trái phiếu doanh nghiệp…, chắc chắn chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được nâng lên.

Thứ hai, về nhà đầu tư tham gia, quy định pháp lý nêu rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được phép tham gia đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tuy nhiên, thực tế có thấy nhiều nhà đầu tư cố tình lách luật để mua trái phiếu doanh nghiệp, đề cao lãi suất cao mà phớt lờ việc đánh giá, thẩm định rủi ro trước khi mua. Chính vì vậy, nhà đầu tư sẽ chính là đối tượng cần được nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cũng như trang bị kiến thức… để tham gia thị trường an toàn, hiệu quả.

Thứ ba, trách nhiệm còn thuộc về các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. 

Thực tế cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, cũng như chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty kiểm toán.

RỘNG CỬA PHÁT HÀNH RA CÔNG CHÚNG, VỰC LẠI NIỀM TIN THỊ TRƯỜNG

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ thời gian qua chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

"Hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn kênh trái phiếu riêng lẻ, do yêu cầu đơn giản hơn. Ngược lại, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng không được doanh nghiệp chú trọng vì thủ tục, yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn", Bộ trưởng cho hay.

Chúng ta không cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, miễn là doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tuân thủ đúng quy định pháp lý và theo đúng tinh thần là tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, thời gian qua bộc lộ hạn chế như: lừa dối khách hàng, trái phiếu quá hạn không được thanh toán đầy đủ.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát pháp lý, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.

 

"Sẽ không có mục tiêu cụ thể là mở rộng hay thu hẹp thị trường nào nhưng rõ ràng việc ưu tiên phát triển các thị trường tập trung có sự quản lý hiệu quả của cơ quan nhà nước sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, an toàn và bền vững hơn",

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Cùng với đó, niềm tin là nền tảng quan trọng của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, với hàng loạt sự vụ bắt bớ đáng tiếc xảy ra, có vẻ như niềm tin về thị trường của nhà đầu tư, doanh nghiệp không còn trụ vững mà lung lay và hao mòn dần.

Dù không đại diện cho toàn thị trường nhưng những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian qua quả thật là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Về điều này, Bộ trưởng khẳng định: "Niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính đặc biệt và trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững, bởi cung vững - cầu chắc”.

"Việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Tài chính cũng tái khẳng định thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững.

CẦN THỜI GIAN ĐỂ THỊ TRƯỜNG "GẠN ĐỤC, KHƠI TRONG"

Để vừa củng cố "chất" của thị trường, vừa củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào kênh huy động hữu hiệu này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay vừa qua, Bộ Tài chính cũng tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia.

"Chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính", Bộ trưởng khẳng định.

Cùng với đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng đưa ra mốc thời gian cụ thể để khai mở vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư có thể giao dịch được trái phiếu doanh nghiệp khi có nhu cầu.

Bên cạnh đó, cũng có quy định để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và quy định chi tiết các trường hợp phải có xếp hạng mới được phát hành, giúp nhà đầu tư có tham chiếu khách quan và tin cậy hơn trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

 

Bộ Tài chính cũng đôn đốc các công ty phát hành, công ty chứng khoán thanh toán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp lừa dối khách hàng, không thanh toán trái phiếu đúng hạn.

Về mặt pháp lý, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán… gấp rút tổng rà soát các quy định pháp lý, điển hình là Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản có liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung.

Về kỷ cương, kỷ luật thị trường, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp phát hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, điển hình các công ty chứng khoán và các doanh nghiệp kiểm toán.

Nếu phát hiện sai phạm chắc chắn bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, thông tin tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh để các chủ thể phát hành, đặc biệt là nhà đầu tư, người dân hiểu rõ hơn về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để tham gia an toàn và chịu trách nhiệm.

"Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững là rất cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu được Chính phủ đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện", Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp duy trì trạng thái trầm lắng trong suốt 9 tháng đầu năm 2022. Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), có 411 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 244.191 tỷ đồng, giảm sâu 67,78% so với cùng kỳ.  Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong quý cuối năm khi phải chịu áp lực đáo hạn ngắn hạn 85.000 tỷ đồng trong quý 4 và xu hướng tăng lãi suất.