Bãi biển Cổ Thạch thuộc địa phận xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 90km. Có hai hướng để đến nơi đây, một là từ Phan Thiết xuôi theo quốc lộ 1 đến Cổ Thạch. Hướng thứ hai từ Mũi Né vòng ra quốc lộ 1 tại Lương Sơn. Độ dài đường đi giữa hai hướng chênh lệch không nhiều, và đều ôm gọn những cung đường biển tuyệt đẹp, hay bức tranh đồi cát bao la.
Cổ Thạchcó một ngôi chùa cổ hơn 100 năm tuổi. Đây một trong những danh thắng nổi tiếng lọt thỏm giữa những hang động trên một ngọn đồi đá cao 64 mét so với mặt nước biển. Lúc đầu, đó chỉ là một am nhỏ do thiền sư Bảo Tạng dựng nên vào khoảng giữa thế kỷ XIX, đặt tên là chùa Hang. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, chùa Hang ngày càng trở nên khang trang và thu hút nhiều sự thăm viếng của du khách thập phương.
Hướng Đông, đứng trên đỉnh chùa Hang, phóng tầm mắt xuống dưới đã thấy bờ bãi Cổ Thạch tồn lưu vẻ đẹp và những điều kỳ lạ vẫn chưa được giải mã trọn vẹn. Ven bờ bãi ở các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… đều có những bãi đá nguyên sinh nhưng được tiền nhân phong là "Cổ Thạch" chỉ có một. Dài 1,5km, lớp dày nhất trên 2m, theo ước tính của các nhà khoa học, trữ lượng của bãi đá Cổ Thạch lên đến 245.000 tấn.
Không như những viên sỏi dẹp, tròn, có màu xám, xanh như thường thấy, sỏi Cổ Thạch phong phú cấu hình như vuông, tam giác, lục giác, đa giác, hình thoi. Kỳ lạ hơn, mỗi viên sỏi đều có sắc màu khác nhau như trắng, đen, vàng, nâu, tím, xanh, lam…, lại có viên đỏ như máu, vàng như ánh mặt trời, xanh như màu xanh ngọc bích của nước biển. Không những thế, mỗi viên đều có đường vân, hoa văn do dòng chảy của ngàn năm bào thành. Ánh nắng chiếu thẳng vào bãi đá bảy màu làm hắt lên những gam màu kỳ lạ, huyền ảo như sắc cầu vồng. Nhiều nhà khoa học nghiên cứu về bãi đá suy định, những viên sỏi này được hình thành do dòng chảy nham thạch, qua hàng triệu năm được sóng biển, dòng chảy bào mòn và được thủy triều đẩy từ lòng biển lên bờ.
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng bãi thạch ngọc, bãi đá Cổ Thạch còn mê hoặc những đôi chân ưa khám phá bằng hình ảnh những khối đá to được bà mẹ thiên nhiên kiến tạo với muôn hình vạn trạng – như thể một mê trận thạch đồ nhô lên từ lòng biển. Tuy nhiên, cảnh tượng kỳ thú nhất trong năm khi giữa trung tuần tháng 3 là khi toàn bộ đá được bao phủ một lớp rêu xanh thật đẹp và độc nhất vô nhị. Khi đó, bãi đá Cổ Thạch thực sự giống như tiên cảnh.
Đặc sản biển nơi này độc đáo nhất là sò điệp bán ngay đường xuống biển hay khu chợ phía trên. Sau khi người bán làm sạch thì nướng chín bằng lửa than, quết mỡ hành, chấm muối tiêu chanh. Chợ biển ở đây thì khỏi chê luôn. Bạn chắc chắn sẽ say mê những món đặc sản ở đây, món nào cũng ngon hết.
Kinh nghiệm bỏ túi:- Nếu bạn đi bằng xe máy: Từ TP.HCM chạy theo QL1, tới ngã ba Liên Hương (Tuy Phong) thì quẹo phải chạy vào là tới (chú ý bảng chỉ dẫn hoặc có thể hỏi người dân địa phương). Hoặc bạn chạy theo QL1, tới ngã ba Duồm, xóm 7, Hội Tâm, Hòa Minh, Tuy Phong thì quẹo phải - đường này có đoạn đường chạy sát biển rất đẹp.- Nếu bạn chọn đường sắt: Tàu Thống nhất không có trạm dừng tại Tuy Phong vì vậy nếu muốn đi tàu bạn có thể đi tàu ra Phan Thiết rồi bắt xe đi tiếp ra Cổ Thạch. Hoặc bạn đi tàu ra Phan Rang rồi lại bắt xe đi ngược vô lại Cổ Thạch. Nói chung là đi tàu tới Cổ Thạch không phải là sự lựa chọn tốt nhất.- Nếu bạn đi xe khách: Xe chạy tuyến TP.HCM - Cổ Thạch (xe đi Tuy Phong) khởi hành hàng ngày tại bến xe miền Đông.