“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - Triết lý điều hành của Thủ tướng - Ảnh 1
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - Triết lý điều hành của Thủ tướng - Ảnh 2

Ngày 26/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức. Thời điểm đó, Covid -19 vẫn đang bủa vây, gây sức ép dữ dội lên hầu hết các tỉnh thành, tác động tiêu cực tới mọi thành phần kinh tế, bào mòn sức chiến đấu, kháng cự của cả hệ thống y tế Việt Nam.

Nhiều địa phương lo lắng, bất an, doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”. Đổ vỡ kinh tế không còn là nguy cơ trong thời điểm đó nữa, thực tế, đã có hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa, những dòng người chạy trốn khỏi tâm dịch mỗi ngày một dài thêm và tâm dịch tiếp tục loang rộng. Sau hơn một năm chống chọi, các doanh nghiệp cạn kiệt cả về tinh thần và tài chính. Nhiều lá đơn kêu cứu, mong Chính phủ hỗ trợ, tìm giải pháp đã được gửi đi.

Tân Thủ tướng hiểu rõ những khó khăn đang đón đợi ông trong nhiệm kỳ “sóng gió” trước mắt. Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: “Đây là vinh dự đối với cá nhân tôi, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly”.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - Triết lý điều hành của Thủ tướng - Ảnh 3

Với tư tưởng chỉ đạo vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an toàn, an ninh của nhân dân, nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vaccine; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của nhân dân để chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay”.

Với tinh thần “xung trận” quyết liệt đó, 60 ngày sau khi nhậm chức, người đứng đầu Chính phủ đã đến những điểm nóng nhất của dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Tại những vùng tâm dịch, ông nhận thấy nhiều bất cập, những thiếu sót của không ít địa phương, ban ngành khi phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.

Tại khu nhà trọ Bình Quới A, sau khi trò chuyện với người dân, Thủ tướng yêu cầu một người trọ tại đây gọi vào các số điện thoại khẩn cấp hỗ trợ y tế, lương thực do địa phương cung cấp. Và ông biết ngay việc ở đây chưa ổn khi người này gọi 3 số điện thoại trong danh sách, nhưng số thì không liên lạc được, số khác máy bận.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - Triết lý điều hành của Thủ tướng - Ảnh 4

Từ những lần thực địa ở các vùng tâm dịch, những chỉ đạo, điều hành hợp lý, khoa học đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra. Những gì người dân cần, những gì lực lượng y tế đang thiếu, đang gặp khó khăn, những vướng mắc của các địa phương đang gặp phải đều nhanh chóng được giải quyết.

Nhưng song hành với sự vào cuộc quyết liệt đó, ông cũng yêu cầu các thành viên trong hệ thống chính trị, từ cấp xã, phường tới tỉnh, huyện, lãnh đạo các ban, ngành... cũng phải ra trận và chiến đấu với tinh thần như vậy. Một số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không nắm rõ tình hình chống dịch ở địa phương mình đều bị nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc.

Gần 120 ngày sau khi nhậm chức, cũng là khoảng thời gian đủ để Chính phủ, Thủ tướng nhìn nhận rõ hơn, việc chống dịch cần phải chuyển hướng sang một giai đoạn mới cần kíp hơn, đó là chuyển trạng thái từ “Zero Covid” sang “Thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh”, để vừa chống dịch nhưng vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh an toàn hiệu quả.

Ngày 11/10/2021, Nghị quyết 128 - quyết sách mang tính then chốt, thay đổi toàn bộ cục diện trận chiến với dịch bệnh đã được ban hành và thực thi. Chỉ khoảng một thời gian ngắn sau đó, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, với nhiều điểm sáng, củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về khả năng phục hồi của nền kinh tế.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - Triết lý điều hành của Thủ tướng - Ảnh 5

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, một doanh nghiệp đầu ngành của ngành dệt may Việt Nam chia sẻ, khi chưa có Nghị định 128, toàn bộ Tổng công ty luôn trong trạng thái bị động và chống đỡ theo kiểu chạy phía sau dịch bệnh.

Chính vì vậy những kế hoạch sản xuất thay đổi liên tục theo tuần, theo tháng nhưng cũng không thể đảm bảo ổn định để sản xuất. Chỉ cần một công nhân F0 thì toàn bộ nhà máy đóng cửa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

May 10 thường xuyên phải đối mặt với việc phải đền bù hợp đồng cho đối tác nước ngoài vì giao hàng chậm, không đảm bảo tiến độ. Nhưng khi có Nghị quyết 128, doanh nghiệp như được “cởi trói”. Không còn cảnh “ngăn sông cấm chợ”, không phong tỏa nhà máy dài ngày trên diện rộng, điều này giúp hàng vạn doanh nghiệp lớn nhỏ trụ vững và bước qua những ngày tháng khó khăn chưa từng có tiền lệ do Covid-19 gây ra.

Nhắc lại những ngày giãn cách căng thẳng nhất vừa qua khi đại dịch gây ra sự khủng hoảng chưa từng có, bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho rằng dịch bùng phát nhanh, nghiêm trọng nhưng Chính phủ đã làm mọi cách trong điều kiện có thể.

“Sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân. Đến nay, hình ảnh áo sơmi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững…”, bà Thái Hương chia sẻ.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - Triết lý điều hành của Thủ tướng - Ảnh 6

Trải qua những ngày cả đất nước đồng cam cộng khổ chống dịch đầy căng thẳng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng qua đại dịch đã khẳng định những kết quả đáng trân trọng trên các lĩnh vực mà đất nước ta đã đạt được, ngược lại cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập có tính hệ thống của nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng trong “nguy” có “cơ”, tạo ra áp lực và là động lực để các cấp, các ngành, các địa phương, người dân, doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động để thích ứng với tình hình mới.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta vận dụng phương châm và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Thủ tướng lý giải thêm, điều “bất biến” là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. “Ứng vạn biến” là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội phù hợp, hiệu quả. Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid -19.

Bước sang năm 2022, Việt Nam đang dần trở lại nhịp sống bình thường mới. Những hàng quán bắt đầu mở cửa trở lại, người dân có thể về quê đón Tết cùng gia đình sau những tháng ngày “bão dịch”, du khách nước ngoài đang quay trở lại để tận hưởng vẻ đẹp bất tận của Hạ Long, Sơn Đoòng, Phú Quốc, Nha Trang...

Trong bài trả lời chất vấn trước Quốc hội cuối năm 2021, khi nhắc đến tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc và niềm tin chiến thắng, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh rằng đây chính là yếu tố cốt lõi để Việt Nam chống dịch hiệu quả.

“Trong lúc khó khăn nhất của dịch bệnh, chúng ta luôn có niềm tin chiến thắng. Niềm tin ấy được thắp sáng bởi tinh thần đã đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa, đã thống nhất thì thống nhất hơn nữa trong nhận thức và hành động. Niềm tin ấy là động lực, là quyết tâm, là trách nhiệm của mỗi chúng ta để thực hiện thành công chủ trương vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Bước vào năm 2022, cũng là thời điểm Thủ tướng Phạm Minh Chính trải qua hơn 200 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Hơn 200 ngày là khoảng thời gian chưa thực sự dài, nhưng người đứng đầu Chính phủ đã cùng các thành viên Chính phủ để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dấu ấn trên hành trình chống dịch đầy khó khăn, thách thức.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - Triết lý điều hành của Thủ tướng - Ảnh 7

VnEconomy 01/02/2022 06:00