Tín hiệu u ám về kinh tế toàn cầu từ các nhà máy ở Trung Quốc
Nếu muốn tìm một căn cứ để đánh giá tâm trạng người tiêu dùng trên toàn cầu, nhà đầu tư chỉ cần nhìn vào tình hình các nhà máy ở Trung Quốc...
Theo hãng tin Bloomberg, nhà sản xuất ở Trung Quốc - từ các công ty chuyên về đồ trang trí Giáng sinh cho tới các hãng quần áo và lều bạt - đều cho biết lượng đơn hàng mà họ nhận được từ khách hàng nước ngoài đang ngày càng giảm.
“Hướng đi chung là tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm trong những tháng sắp tới, và có thể chuyển sang tăng trưởng âm vào cuối năm nay”.
Chuyên gia Larry Hu, Macquarie Group
Một số doanh nghiệp dự báo rằng trong kịch bản lạc quan nhất, lượng đơn hàng đi ngang so với năm ngoái. Những gì mà các nhà máy tại các trung tâm sản xuất lớn nhất của Trung Quốc tiết lộ với Bloomberg cho thấy rằng người tiêu dùng trên khắp thế giới - vốn đang "thắt lưng buộc bụng" để ứng phó với sự leo thang của giá cả sinh hoạt - có thể sẽ duy trì sự thận trọng trong thời gian dài hơn, từ đó đẩy cao hơn khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Người tiêu dùng đang không có tiền để tiêu trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh” và sự sụt giảm nhu cầu đã diễn ra đột ngột – bà Wendy Ma, giám đốc tiếp thị của một công ty phụ kiện hàng dệt may ở Ninh Ba - cho biết. Đơn hàng mà công ty nhận được cho những mặt hàng như khuy áo, khoá quần áo và chỉ may đã giảm khoảng 30% trong tháng 7 và tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu từ những thị trường lớn như Mỹ và châu Âu giảm sút.
Những thông tin này cho thấy một điều rằng sự vững vàng trong các số liệu xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ không duy trì được lâu. Điều đó có nghĩa là sự tăng trưởng bùng nổ của kim ngạch xuất khẩu có được một phần nhờ lạm phát giá cả, một phần nhờ các nhà sản xuất bù đắp các đơn hàng bị trì hoãn trong thời gian phong toả, và nhận được những đơn hàng sớm hơn thường lệ do tình trạng chuỗi cung ứng bị bóp méo.
“Hướng đi chung là tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm trong những tháng sắp tới, và có thể chuyển sang tăng trưởng âm vào cuối năm nay”, chuyên gia Larry Hu - trưởng bộ phận nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc thuộc Macquarie Group - nhận định. Tuy nhiên, sự suy giảm nhu cầu đối với hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc sẽ diễn ra từ từ thay vì “sập” một cách bất ngờ, theo ông Hu.
Những trở ngại đã dày lên trong những tháng gần đây. Ông Clark Feng là chủ Vita Leisure Co., một công ty chuyên thu mua các sản phẩm lều bạt và đồ nội thất từ các nhà sản xuất Trung Quốc để xuất khẩu ra nước ngoài. Ông cho biết lượng đơn hàng xuất khẩu mà công ty nhận được đã suy giảm kể từ tháng 3, và khách hàng châu Âu hiện chỉ mua với số lượng bằng khoảng 30-50% so với năm ngoái. Nhiều nhà máy cung cấp hàng cho ông Feng đã phải sa thải công nhân hoặc cho công nhân nghỉ việc tạm thời - điều mà ông chưa từng thấy trong suốt 1 thập kỷ kinh doanh trong lĩnh vực này.
Ông Feng cho biết khách hàng nước ngoài của ông đang muốn giảm lượng hàng tồn kho thay vì đặt thêm hàng mới. “Năm ngoái, sản phẩm của chúng tôi rất được ưa chuộng. Bây giờ, chúng tôi đã chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Nhu cầu thậm chí còn đang thấp hơn cả mức trước đại dịch. Đang có một cảm giác lo sợ trong tâm lý”, ông Feng nói.
Trong năm ngoái, giá trị hàng tồn kho tại các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và tiêu dùng không thiết yếu trong chỉ số S&P 500 tăng 93,5 tỷ USD, tương đương tăng 25% - theo dữ liệu của Bloomberg. Đó là do các công ty tăng cường đặt mua hàng hoá từ nhà sản xuất trong năm 2021 để ứng phó với tình trạng trì hoãn kéo dài về giao hàng, và nhiều công ty đã tích trữ sớm hàng hoá để chuẩn bị cho dịp Giáng sinh. Sự gia tăng lượng hàng tồn kho cũng diễn ra khi người tiêu dùng toàn cầu dịch chuyển chi tiêu từ tiêu vào hàng hoá sang tiêu vào dịch vụ, do nhu cầu đi lại gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Nhiều hãng bán lẻ lớn như Walmart và Target hiện đang giảm mạnh giá một số mặt hàng như quần áo và đồ gia dụng, trong khi tăng giá bán những mặt hàng khác do lạm phát ở Mỹ tăng cao.
Nhiều nhà bán lẻ cần đặt hàng sớm từ nhà sản xuất, đồng nghĩa rằng lượng đơn hàng suy giảm hiện nay là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng có thể yếu đi trong những tháng tới - một số doanh nghiệp cho hay.
Ông Joe Kwok, Tổng giám đốc công ty dệt may Hengda Printing & Dyeing ở Thượng Hải, cho biết từ tháng 6 đến nay, các khách hàng lớn nhất của ông đã giảm đơn hàng tới 30%. Ông dự báo nhu cầu sẽ ở mức thấp trong 1-2 năm tới.
Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc dựa vào thị trường trong nước để bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu ở thị trường nước ngoài. Chính sách chống dịch Zero Covid của Trung Quốc, bao gồm những đợt phong toả bất ngờ, xét nghiệm tức thì và hạn chế đi lại, đã gây sức ép lên tâm lý người tiêu dùng và đảo lộn ngành sản xuất.
Tình hình ở Nghĩa Ô, trung tâm sản xuất đồ trang trí Giáng sinh lớn nhất Trung Quốc, cho thấy hoạt động kinh doanh có thể trở nên u ám như thế nào. Cuối tuần vừa rồi, thành phố này gia hạn lệnh phong toả sau khi tổng số ca nhiễm Covid trong đợt bùng dịch bắt đầu từ đầu tháng này vượt mốc 630 ca. Nghĩa Ô đã từng phong toả vào tháng 4, nhưng đợt phong toả mới nhất đang đặt ra trở ngại lớn đối với các nhà sản xuất đúng vào mùa bận rộn nhất trong năm của họ.
“Môi trường kinh tế vĩ mô đang xấu đi. Chiến tranh, lạm phát và cuộc khủng hoảng sinh hoạt, không ai trong chúng ta có thể tránh được”.
Melissa Shu, quản lý doanh nghiệp ở Trấn Giang
Các nhà xuất khẩu đã rút ra bài học từ những lần gián đoạn trước, và đẩy nhanh việc tiến độ giao hàng lên trước 1 tháng hoặc hơn để phòng trường hợp có trở ngại - theo ông Cai Qinliang, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp sản phẩm Giáng sinh Nghĩa Ô. Hiệp hội này có 200 thành viên sở hữu 500-600 nhà máy.
Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng không đủ để tạo ra một sự phục hồi toàn diện. Ông Cai cho biết hoạt động sản xuất-kinh doanh liên quan đến Giáng sinh ở Nghĩa Ô đã giảm hơn một nửa so với năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch. Năm ngoái, doanh thu khởi sắc nhưng vẫn thấp hơn 20-30% so với trước đại dịch, và năm nay, mức doanh thu có thể giữ ở ngưỡng của năm ngoái thay vì tiếp tục phục hồi.
Ở Trấn Giang, thành phố cách Nghĩa Ô 250 dặm về phía Bắc, câu chuyện cũng tương tự. Bà Melissa Shu, quản lý tại một nhà máy sản xuất đèn LED cho ô tô ở Trấn Giang, cho biết vào năm ngoái, bà phải làm việc tăng ca vì lượng đơn hàng bị chậm lên tới ít nhất 1/3 do số lượng lớn. Năm nay, khách hàng “đang cực kỳ thận trọng” - bà Shu cho biết.
“Môi trường kinh tế vĩ mô đang xấu đi. Chiến tranh, lạm phát và cuộc khủng hoảng sinh hoạt, không ai trong chúng ta có thể tránh được”, bà nói.