Địa phương than phiền ngân sách giáo dục èo uột, Bộ Tài chính nói gì?
Xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực này đến 20% tổng chi hàng năm, đồng thời, ưu tiên hàng nghìn tỷ trong chương trình phục hồi nhưng cử tri nhiều địa phương cho rằng, nguồn lực đầu tư vẫn khá hạn chế...
Mới đây, thông qua Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, Hưng Yên… đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung nguồn lực tài chính để đầu tư cho giáo dục do nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực này còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu để phát triển giáo dục của cả nước.
Bên cạnh đó, liên quan đến gói hỗ trợ 800 tỷ cho người lao động và cơ sở mầm non tư thục Bộ Giáo dục và đào tạo trình Chính phủ, cử tri đề nghị đẩy nhanh việc thực hiện gói hỗ trợ này, vì đây là nội dung cấp thiết để các đơn vị giáo dục mầm non tư thục "xoay xở" duy trì hoạt động trong điều kiện thích ứng an toàn mới với công tác phòng dịch bệnh Covid-19.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo tại công văn số 19/BTC-HCSN ngày 05/01/2022 tham gia về dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do Covid-19.
Chính phủ giao Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì nội dung này tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo sớm phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trước đó, Chính phủ cũng kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách để hỗ trợ người lao động nói chung, trong đó, có người lao động trong ngành giáo dục - đào tạo, hỗ trợ học sinh, sinh viên, người lao động học nghề, hỗ trợ các cơ sở giáo dục - đào tạo gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Chẳng hạn, "chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước, từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó có người lao động trong các cơ sở giáo dục đào tạo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19", Bộ Tài chính chỉ rõ.
Đặc biệt, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng dành 5.400 tỷ đồng hỗ trợ cho hoạt động giáo dục đào tạo.
Theo đó, cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng.
Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng.
Trang bị máy tính bảng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả có tổng kinh phí tối đa là 1.000 tỷ đồng.
"Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn xác định giáo dục đào tạo là quốc sách, đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy, trong tổng thể đầu tư nguồn lực tài chính nhà nước cho phát triển đất nước dành ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, đây là một trong những lĩnh vực được đầu tư lớn nhất", Bộ Tài chính khẳng định.
Theo đó, Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách để tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu để phát triển giáo dục của cả nước.
Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 để điều chỉnh về đầu tư công, trong đó có đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách cụ thể ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đào tạo. Có thể kể đến việc sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ưu tiên cho các mục tiêu đầu tư phát triển, trong đó, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập và bổ sung thêm đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020.
Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; các chính sách về cấp học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê chỗ ở, hỗ trợ gạo... cho học sinh, sinh viên, trong đó ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là người các dân tộc ít người...
Tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho toàn ngành giáo dục, gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư là 299.325 tỷ đồng, giảm 4,7% so với dự toán năm 2020. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục năm 2021 là 17,3%. Trong cả giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ này đạt khoảng 17,4 -18,5%, thấp hơn so với mức quy định 20% của Luật Giáo dục.