10:41 18/01/2022

Phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới

Thanh Xuân

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Giai đoạn 2022-2025: Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (cơ sở đào tạo) phải cơ bản hoàn thành; năng lực hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được nâng cao.

Cụ thể, 100% cơ sở đào tạo hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong với mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch và các quy trình bảo đảm chất lượng cũng như hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước và nước ngoài;

Đồng thời 100% cơ sở đào tạo hoàn thành tự đánh giá, 95% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; 70% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ hai; có ít nhất 750 người được cấp thẻ kiểm định viên; 100% kiểm định viên được bồi dưỡng chuyên sâu về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trong đó có 5% kiểm định viên có chứng nhận và tham gia hoạt động kiểm định quốc tế…

Mục tiêu giai đoạn 2026-2030: Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; phát triển bền vững hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Trong đó, 100% cơ sở đào tạo phát triển hệ thống đảm chất lượng bên trong để thực thi hiệu quả mục tiêu chiến lược và văn hóa chất lượng của cơ sở đào tạo; 100% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các chu kỳ kiểm định phù hợp; 100% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tự đánh giá theo khung tiêu chuẩn đánh giá của khu vực ASEAN, trong đó 20% đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế.

Có ít nhất 1.500 người được cấp thẻ kiểm định viên; 100% công chức, viên chức, người lao động làm việc ở các vị trí trong cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục được bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu tham mưu xây dựng và thực thi chính sách, quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó 35% được tập huấn, đào tạo bởi chuyên gia quốc tế và khu vực.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Đáng chú ý là ban hành Khung bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm bảo đảm thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của khu vực và thế giới.

Cùng với đó, nâng cao năng lực của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở đào tạo.

Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó có việc mở rộng mạng lưới các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cho một số lĩnh vực chuyên sâu đặc thù, bảo đảm liên thông, liên kết, hợp tác hiệu quả... Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục...

Tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng chính sách về bảo đảm và kiểm định chất lượng; nâng cao chất lượng và bảo đảm về số lượng kiểm định viên đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Cuối cùng là tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia của các bên liên quan, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.