12:56 26/01/2022

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Không chỉ là chuyện mở cửa trường mà còn là tái thiết giáo dục sau dịch bệnh

Thanh Xuân

Các địa phương, các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường nhưng phải có kịch bản phù hợp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, quyết định cho học sinh trở lại trường học là vì quyền lợi các em. Rủi ro khi học sinh nghỉ học còn lớn hơn nhiều so với khi các em được đi học.

HỌC SINH HỌC TRỰC TIẾP SAU TẾT

Tính đến thời điểm này, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn; 35 tỉnh, thành dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình; 19 địa phương còn lại dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến ngày 7/2 sẽ có thêm 8 tỉnh, thành cho học sinh đi học trực tiếp.

Trong đó, UBND TP. Hà Nội đã thông báo học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 của thành phố được đi học trực tiếp từ ngày 8/2; học sinh tại các địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 thì tiếp tục học theo hình thức trực tuyến. Trong đó, học sinh cấp tiểu học và khối lớp 6 của cấp THCS học trực tuyến. Trẻ mầm non nghỉ học tại nhà.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, “Tỷ lệ tiêm vaccine cho cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh trên địa bàn TP. Hà Nội có thể nói là tạm thời yên tâm để duy trì việc học trong thời gian tới. Vì thực tế, tại Hà Nội có 99,6% giáo viên, nhân viên đã được tiêm vaccine mũi 1; mũi 2 đạt tỷ lệ 99,2%. Tỷ lệ tiêm vaccine cho học sinh cấp THPT là 99,6% mũi 1; số được tiêm mũi 2 đạt 97%. Tỷ lệ này với học sinh cấp THCS từ lớp 7 đến lớp 9 là 99,5% mũi 1 và 97,3% mũi 2.

Còn ở TP. HCM, việc đến trường được tiến hành từng bước, sau khi thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đi học trở lại vào đầu tháng 11/2021 thì từ ngày 13/12/2021, TP.HCM cũng triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12 và từ ngày 4/1/2022 thực hiện đối với khối 7, 8, 10, 11.

Qua thống kê từ quá trình này cho thấy tỷ lệ đến trường của học sinh đạt từ 92% - 96% tùy từng khối. Căn cứ tình hình thực tế đó, Sở GD&ĐT TP. HCM đã có tờ trình về dạy học trực tiếp trên địa bàn với đề xuất sau Tết Nguyên đán năm 2022, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đến trường bình thường. Song song đó thì các khối còn lại gồm mầm non, tiểu học và lớp 6 cũng chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh trở lại từ ngày 14/2/2022 trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh. Ngoài ra các trường đại học tại TP.HCM cũng lên kế hoạch cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp với thời điểm như trên.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM Dương Trí Dũng nhận định, “Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp của TP. HCM cao nhất và đối tượng mở rộng nhất so với 62 tỉnh, thành còn lại trên cả nước. Trong đó, quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại trường học đang triển khai khá tốt, chưa phát hiện ca lây nhiễm chéo. Nếu trước đó thành phố là địa phương bùng phát dịch mạnh nhất thì thời gian thí điểm đi học trực tiếp, chỉ có 130 ca mắc Covid-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Như vậy có thể khẳng định, nguy cơ lây nhiễm là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình.

ĐÂY LÀ THỜI ĐIỂM HỢP LÝ VÀ CẦN THIẾT

Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, đánh giá về vấn đề học sinh trở lại trường vào thời điểm này, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết:

“Đã có nhiều tiền đề quan trọng giúp Việt Nam có thể mở rộng cho học sinh đi học trực tiếp. Chúng ta đã tích lũy kinh nghiệm qua 2 năm phòng chống dịch; các điều kiện về chữa bệnh, phòng bệnh Covid-19 cũng đã tốt hơn. Ngoài ra ý thức và năng lực thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, cộng đồng của người dân nâng lên; tỷ lệ phủ vaccine tạo miễn dịch cộng đồng của Việt Nam thuộc nhóm 6 nước cao nhất thế giới…”.

Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội gần như hoàn toàn bình thường, học sinh đã theo bố mẹ đi chơi, đi ăn ngoài hàng quán thì không có lý gì để các em phải học trực tuyến. Hơn nữa cả nước hiện có hơn 6,5 triệu học sinh 12-17 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 đạt tỷ lệ 90,10%, mũi 2 là 72,24%. Ngoài ra tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 là 82%, mũi 3 là 28,2%. Vì vậy đây là thời điểm hết sức hợp lý và cần thiết để đưa học sinh trở lại trường. Nhưng điều này cũng cần sự quyết tâm của các địa phương, của toàn ngành giáo dục, toàn xã hội để đưa các em trở lại lớp.

Cũng tại hội nghị này, nhấn mạnh việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “sống chung với Covid”, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT Phạm Quang Hưng nêu quan điểm, khi tỷ lệ phủ vaccine đạt yêu cầu thì các quốc gia đều coi mở cửa trường học là điều tất yếu nhằm đảm bảo an toàn từ tâm lý, thể chất đến chất lượng học tập... cho học sinh.

Bổ sung thêm, PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội đã dẫn chứng rất cụ thể về sự ảnh hưởng nặng nề của việc học sinh không đến trường mà ở nhà học trực tuyến dài ngày. Đó là tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng vọt theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP. HCM cũng cho thấy 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

Còn với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, “Không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố và tái thiết giáo dục sau dịch bệnh. Do đó, các các địa phương cùng các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường. Dĩ nhiên phải có kịch bản phù hợp, kịp thời ngay từ lúc này để sau Tết các em trở lại trường hiệu quả, an toàn”.