11:53 18/04/2022

Doanh nghiệp chưa “mặn mà” nhận hỗ trợ đào tạo nghề từ gói 26.000 tỷ

Nhật Dương

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động theo gói 26.000 tỷ đồng sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2022, nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân rất thấp, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI chưa thực sự quan tâm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, tính đến hết tháng 3/2022, mới có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng.

Trong đó, 48 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 lao động với tổng số kinh phí dự kiến là gần 70 tỷ đồng.

Vùng Đông Nam Bộ có số lượng người lao động được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất (trên 5.000 lao động được người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ), 2 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để nộp đề nghị hỗ trợ với tổng số lao động gần 50.000 người. Vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên hiện chưa có người sử dụng lao động nào nộp hồ sơ.

Trong quá trình theo dõi, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Chẳng hạn, thời điểm triển khai khi Nghị quyết 68, Quyết định 23 được duyệt trong cuối quý 3 và quý 4/2021, thời điểm các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, nên các hoạt động triển khai đào tạo không thực hiện được.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI chưa thực sự quan tâm đến việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, hoặc ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm. Một số nơi việc xác nhận bảo hiểm thất nghiệp còn khó khăn do cách hiểu khác nhau về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chính sách trên chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân rất thấp, sự vào cuộc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.

Bộ trưởng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên, như sự vào cuộc của các cơ quan, một số địa phương, kể cả trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chưa thực sự tốt khi còn tồn tại tư tưởng “cái gì dễ thì làm, khó thì bỏ, rủi ro thì né tránh”.

Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động chưa đầy đủ, chưa thấy được tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề. “Đào tạo nghề vừa để chống thất nghiệp, vừa để chuyển đổi công việc, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa giữ chân người lao động. Tinh thần là như thế, chứ không phải đơn thuần là chuyển đổi công việc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ngoài ra, nguyên nhân một phần vì quá trình triển khai chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước. Một phần vì còn tồn tại tâm lý e ngại, sợ thanh tra, kiểm tra của chính các doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trước mắt cần tập trung, làm thật tốt, phê duyệt tất cả các hồ sơ từ nay cho đến 30/6. Nơi nào đã nhận hồ sơ cần rà soát lại, phê duyệt ngay để doanh nghiệp, người sử dụng lao động triển khai ngay.

Đối với những tỉnh chưa triển khai, Bộ trưởng cho rằng, cần xác định đây là một trong những công việc quan trọng trong hai tháng tới. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp cần coi đây là một cơ hội để đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Các trường nghề chủ động phối hợp với doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cùng với doanh nghiệp lập hồ sơ, phối hợp đào tạo bồi dưỡng, phối hợp thanh quyết toán. Đặc biệt, chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách.

 

Nghị quyết 68 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.