Doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh nhờ thấu hiểu nhu cầu của người lao động
Theo các chuyên gia, mỗi phân khúc lao động sẽ có những nhu cầu và mong muốn khác nhau khi tìm kiếm công việc. Vì thế, khi doanh nghiệp thấu hiểu được những điều này, họ sẽ có chính sách tuyển dụng phù hợp, đảm bảo đánh giá người lao động công bằng dựa trên năng lực và kinh nghiệm làm việc...
Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến phải cắt giảm nhân sự. Theo các chuyên gia lao động, khi phải cắt giảm nhân sự, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động chân tay, trình độ thấp, hay còn được gọi là nhóm lao động phổ thông.
RÀO CẢN CỦA LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG
Lao động có trình độ cao thường được ưu tiên giữ lại, bởi họ có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc hơn. Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam (công ty cung ứng giải pháp nhân sự), cho biết để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao. Trong khi đó, thiếu kỹ năng hay bằng cấp là một trong những điểm yếu của lao động Việt Nam, đặc biệt là nhóm lao động phổ thông.
Theo báo cáo “Tìm kiếm việc làm có ý nghĩa”, của ManpowerGroup Việt Nam, những khó khăn của lao động Việt, bao gồm lao động phổ thông khi chuyển đổi sang một công việc có ý nghĩa hơn là thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc (13%), phải cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân và mong muốn nghề nghiệp (18%), hay thiếu thông tin và cơ hội tiếp xúc với các lĩnh vực việc làm xanh (12%).
“Một bộ phận người lao động chưa sẵn sàng đón nhận những cơ hội việc làm thời vụ, ngắn hạn. Trong khi đó, bản chất của đa phần các công việc lao động phổ thông hiện nay là phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, hoặc theo đơn hàng”, bà Nguyễn Thanh Hương nhìn nhận.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết theo quan sát và kinh nghiệm của ManpowerGroup Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã khiến người lao động phổ thông thay đổi về những mong muốn khi đi tìm việc.
Bên cạnh lương và phúc lợi, lao động phổ thông giờ đây quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, sức khỏe, sự an toàn, hay khả năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Ví dụ, số ngày nghỉ mỗi tháng, hay sự tiện lợi khi di chuyển tới chỗ làm…
Bên cạnh đó, một số lao động phổ thông chuyển sang làm các công việc có tính tự do và linh hoạt cao hơn như: Bán hàng online, shipper, kinh doanh tự do...
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần qua các năm.
Báo cáo tình hình lao động, việc làm 9 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, cho thấy số lao động có việc làm phi chính thức chung dù có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, song tỷ lệ này vẫn còn khá cao.
Tính chung 9 tháng năm nay, số lao động phi chính thức chung là 33,2
triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
QUAN TÂM ĐÀO TẠO NGHỀ, NÂNG CAO KỸ NĂNG
Từ góc độ đơn vị kết nối, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động thuộc nhiều phân khúc trình độ khác nhau, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết trong thời gian qua, đa phần người lao động mất việc là lao động có trình độ tay nghề thấp.
Vì thế, để họ quay trở lại thị trường lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ, thì vấn đề cần quan tâm lớn nhất hiện nay là đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Tuy nhiên, người lao động phổ thông thường thiếu các cơ hội đào tạo và phát triển kỹ năng. Lao động phổ thông thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội đào tạo và phát triển kỹ năng, do hạn chế về tài chính, thời gian và thông tin. Vì thế, các chương trình đào tạo nên được thiết kế linh hoạt và dễ tiếp cận hơn để phục vụ đối tượng lao động này.
Thực tế, nhiều lao động phổ thông không đủ khả năng tài chính để tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng, hoặc các chương trình đào tạo chuyên sâu. Trong khi hiện nay, mức chi hỗ trợ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được tham gia đào tạo nghề còn thấp và thời gian đào tạo cũng ngắn (thường dưới 3 tháng). Điều này khó thu hút người lao động tham gia chuyển đổi, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Do đó, chuyên gia cho rằng việc nâng chế độ hỗ trợ chi phí đào tạo nghề sẽ thu hút được người lao động tham gia học nghề, giảm chi phí, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.
Một khó khăn nữa khiến lao động phổ thông gặp rào cản khi tìm kiếm việc làm là họ thiếu thông tin về các cơ hội đào tạo, không nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng trong việc cải thiện thu nhập và cơ hội nghề nghiệp.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tăng cường công tác truyền thông và tư vần nghề nghiệp để nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin đầy đủ về các cơ hội đào tạo nghề cho các đối tượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Mặt khác, lao động phổ thông thường phải làm việc nhiều giờ và có trách nhiệm gia đình, khiến họ khó có thể tham gia các khóa đào tạo dài hạn hoặc ngoài giờ làm việc.
Theo số liệu Điều tra lao động việc làm năm 2023 của Tổng cục Thống kê, lao động phổ thông làm việc trung bình 47 giờ/tuần so với chỉ 43h/tuần của lao động đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ. Vì vậy, việc xây dựng các chương trình đào tạo nên được tổ chức theo hình thức linh hoạt, như học trực tuyến, học vào cuối tuần, hoặc học theo ca.
Hơn hết, vai trò của doanh nghiệp trong hỗ trợ lao động phổ thông cũng rất quan trọng. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể thiết lập các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động phổ thông, giúp họ cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho công việc.
Thúc đẩy môi trường làm việc đa dạng, trong đó lao động phổ thông được coi trọng và có cơ hội bình đẳng trong việc phát triển sự nghiệp. Điều này bao gồm việc đánh giá công bằng dựa trên năng lực và kinh nghiệm làm việc.
Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam Nguyễn Thanh Hương cũng cho rằng mỗi phân khúc lao động, sẽ có những nhu cầu và mong muốn khác nhau khi tìm kiếm công việc. Thấu hiểu được những điều này sẽ giúp doanh nghiệp có chính sách thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động phù hợp, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng.
“Để giúp người lao động Việt Nam tiếp cận những cơ hội việc làm tốt và ý nghĩa, ngay từ đầu khi làm việc với các đối tác doanh nghiệp, chúng tôi luôn tư vấn cho khách hàng xây dựng chế độ lương, thu nhập, phúc lợi công việc, tiêu chí tuyển dụng..., sao cho thỏa mãn những mong muốn, mục tiêu của người lao động, và sát với tình hình thị trường thực tế của từng ngành và từng địa bàn nhất”, Bà Nguyễn Thanh Hương nhấn mạnh.