16:56 23/09/2015

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng các vị thuốc dân gian

PV

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng các vị thuốc dân gian - Ảnh 1
Thận trọng với tỏi     Nhiều người tin rằng ăn nhiều tỏi sẽ giúp tăng sức đề kháng, ngừa bệnh tật nên sử dụng “ xả láng”. Nhưng chính việc dùng tỏi với số lượng nhiều có thể gây ra không ít tác hại cho sức khỏe. Theo lương y Đinh Công Bảy, Hội Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh, tỏi tươi có thể ăn sống hoặc dầm vào nước chấm. Mỗi ngày ăn khoảng 10g tỏi là hoàn toàn vô hại. Tỏi có tác dụng diệt khuẩn, phòng ngừa ung thư...Nhưng nếu ăn quá nhiều tỏi gây viêm loét dạ dày, thiếu máu, hại đến gan và mắt.  Ngoài ra những người mắc bệnh tim, huyết áp cao hay tiêu đường lại càng phải cẩn thận khi dùng tỏi. Đặc biệt là những người đang mắc chứng bệnh về máu. Phụ nữ cho con bú lưu ý không nên ăn tỏi. Vì hoạt chất của tỏi có thể được tiết qua sữa mẹ, làm cho trẻ sơ sinh có thể bị đau bụng. Mặt khác việc ăn quá nhiều tỏi có thể gây ra chứng khó tiêu. Bạn cũng không nên ăn tỏi lúc bụng đói, sẽ kích thích mạnh niêm mạc dạ dày, ruột, làm ợ nóng có thể gây viêm thực quản.  Không ăn quá nhiều tỏi thường xuyên ( tối đa không quá 15g/ngày), không nên ăn quá nhiều tỏi một lần, vì sẽ làm kích thích mắt, dễ gây ra viêm kết mạc mắt. Tỏi dễ gây bỏng, kích ứng niêm mạc miệng, lưỡi, đường tiêu hóa, phân tán mùi qua hơi thở và mồ hôi. Nếu ăn nhiều tỏi sống, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy hơi khó chịu trong bao tử, gây xót ruột, hoặc ói mửa và tiêu chảy.  Vì vậy lương y Công Bảy khuyên người tiêu dùng không nên dùng tỏi và các chế phẩm từ tỏi với liều cao và lâu dài. Sau khi dùng một thời gian dài, hãy dừng ít lâu mới dùng lại. 

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng các vị thuốc dân gian - Ảnh 2
Dùng nghệ phải đúng cách Theo các nghiên cứu khoa học, hoạt chất có tác dụng chính trong nghệ là Curcumin. Tuy nhiên hàm lượng Curcumin trong nghệ tươi rất ít, chỉ chiếm 0,3%, còn tinh bột nghệ cũng chỉ có 3% curcumin, nên để đạt hiệu quả điều trị, bệnh nhân phải ăn tới 2,4kg nghệ tươi hay uống 2 lạng bột nghệ mỗi ngày. Đó là liều quá cao, khó bệnh nhân nào có thể sử dụng thường xuyên và lâu dài, khiến việc sử dụng nghệ tươi, tinh bột nghệ không đem lại hiệu quả. Ngoài ra, tinh bột nghệ phần lớn được sản xuất thủ công ở các hộ gia đình nhỏ lẻ, không thể loại bỏ tạp chất có hại cho sức khỏe, lại dễ bị lẫn vi khuẩn, nấm mốc, nên bột nghệ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho đường tiêu hóa. Về việc dùng nghệ để chữa sẹo, theo lương y Vũ Quốc Trung, bôi nghệ vào vết thương ( vừa  mới bị) sẽ rất nguy hiểm, dễ gây dị ứng, có thể làm vết thương thêm trầm trọng; hoặc gây loét vùng da non tại vết thương. Khi vết thương chưa kịp kéo da non, nếu ta bôi nghệ vào sẽ khiến vết sẹo sau này đen bóng lại. Nguy cơ bị thâm bóng cũng rất cao khi vết thương vừa lên da non.  Còn chuyên gia da liễu, bác sĩ Võ Thị Bạch Dương thì thông tin, về mặt y học cổ truyền nghệ được sử dụng nhằm mục đích chính là hỗ trợ trị đau dạ dày, tăng giải độc cho gan, giúp thông mật và giải độc ngoài da. Trước đây, khi chưa có các loại kháng sinh bôi ngoài da, việc bôi nghệ tươi giúp diệt một số vi khuẩn trên da. Khi không bị nhiễm trùng, vết thương sẽ kéo miệng và lành từ từ. Nhưng cần lưu ý nếu mài nghệ không sạch ( cách dân gian hay mài khi thoa nghệ lên vết thương) sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương. Cũng như một số chất, nghệ cũng có thể gây dị ứng cho một số người.  Theo lương y Huỳnh Văn Quang, nghệ có tính sát trùng, làm lành sẹo, nhưng không được thoa nghệ khi vết thương hở ( chưa lành) mà nên thoa nghệ khi vết thương đã kéo da non ( cảm giác ngứa ở vết thương). Và nên dùng nghệ xà cừ ( loại nghệ khi cắt lát có ánh sáng chiếu vào thấy lấp lánh giống xà cừ) cho vết thương thì tốt hơn. Rửa sạch củ nghệ tươi, dùng dao sạch cắt lát, áp vào vết thương, không cần giã hay mài.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng các vị thuốc dân gian - Ảnh 3
Những ai không được dùng mật ong?     Trẻ dưới một tuổi: Mật ong trong quá trình pha chế, vận chuyển dễ bị ô nhiễm botulinum. Các bào tử Clostridium botulinum vẫn thích nghi và có thể tồn tại trong nhiệt độ 100 độ C. Chức năng tiêu hóa của trẻ sơ sinh yếu, chức năng giải độc gan cũng chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng, botilinum dễ dàng xâm nhập vào thành ruột, kết hợp với một số chất tạo ra độc tố, gây ngộ độc. Bệnh nhân tiểu đường: Trong 100g carbohydrate mật ong có chứa: khoảng 35g, 40g đường fructose, khoảng 2g sucrose và khoảng 1g dextrin. Glucose và fructose là loại đường đơn giản, có thể được hấp thu trực tiếp vào máu. Trong khi đó đường sucrose và dextrin sau khi thủy phân có thể được hấp thụ vào trong ruột dễ dàng mà không cần tiêu hóa. Do đó những người có bệnh tiểu đường tuyệt đối không dùng mật ong làm gia tăng lượng đường trong máu. Bệnh nhân xơ gan: Nói chung bệnh viêm gan B rất thích hợp để uống mật ong, vì monosaccharide trong mật ong có thể làm giảm gánh nặng cho gan, nhưng ở bệnh nhân xơ gan không uống rượu mật ong, bởi vì nó sẽ làm trầm trọng các triệu trứng của bệnh này.  Người vừa mới phẫu thuật: Người mới phẫu thuật mất máu nhiều, cơ thể rất yếu, nếu hấp thụ quá nhiều chất bổ, dễ làm cho gan chướng, nghẽn khí, gây chảy máu ngũ quan. Người rối loạn chức năng ruột: Mật ong có thể làm cho đường ruột co thắt mạnh, dẫn đến rối loạn chức năng đường ruột, gây ra các chứng như đi ngoài, táo bón...

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng các vị thuốc dân gian - Ảnh 4
6 không với nước chè xanh Không uống chè xanh quá nóng: Khi uống chè xanh quá nóng trên 60 độ C sẽ gây tổn thương vách trong của dạ dày, dẫn đến đau loét dạ dày. Mặc dù một ấm chè xanh ngon phải được ủ từ nước đun thật sôi nhưng nhiệt độ lý tưởng để bạn uống trà xanh khoảng từ 45- 50 độ C là vừa. Không uống chè xanh lúc đói: Chè xanh có khả năng kích thích dạ dày tiết ra nhiều chất chua, vị chua sẽ làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể hấp thu thức ăn kém đi. Hơn nữa trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống chè xanh, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị. Lúc đó bạn sẽ thấy cồn cào, nôn nao trong người, chóng mặt, hoa mắt, rất khó chịu mà chúng ta gọi là “say chè”. Không uống ngay sau bữa ăn: Trong chè xanh có chứa tanin, nếu sau khi ăn uống chà xanh thì chất sắt và protein trong thức ăn sẽ kết hợp với chất tanin, từ đó làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Được biết, chất tanin có tác dụng “ khử” chất sắt, vì thế cơ thể sẽ hạn chế hấp thu chất sắt. Tốt nhất là hãy chờ khoảng 15-20 phút sau khi ăn rồi mới uống.  Không uống vào buổi tối trước khi đi ngủ: Nước chè xanh chứa hàm lượng cafein khá cao, khi uống vào gây kích thích thần kinh, làm cho thần kinh hưng phấn, từ đó gây khó ngủ. Vì thế vào buổi tối, nên uống chè xanh trước giờ đi ngủ từ 1 đến 2 giờ. Không uống nước chè xanh để qua đêm: Lý do là vì khi để lâu như vậy, nước chè xanh sẽ bị xỉn màu, thành phần vitamin B, C trong nước chè xanh sẽ bị phân hủy. Vì vậy, tốt hơn hết, buổi sáng khởi đầu cho một ngày, bạn nên hãm ấm chè xanh mới và chỉ thưởng thức chúng trong ngày mà thôi. Không dùng nước chè xanh để uống thuốc: Các chất có trong chè xanh khi gặp các hoạt chất trong thuốc sẽ  tạo ra những phản ứng hóa học làm cho thuốc giảm tác dụng và cơ thể khó hấp thu, từ đó bệnh sẽ lâu khỏi.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng các vị thuốc dân gian - Ảnh 5
Uống nước chanh...không dễ     Trong quả chanh tươi có một lượng lớn axit citric, cao tới mức có thể đạt tới 8% khối lượng khô trong quả của chúng. Vì thế lưu ý quan trọng nhất để giữ an toàn cho dạ dày của bạn là tuyệt đối không uống trực tiếp nước cốt chanh đậm đặc. Hàm lượng axit trong chanh cao có thể làm suy giảm chức năng của dạ dày. Thường xuyên uống nước chanh với lượng lớn sẽ khiến bạn gánh phải bệnh tật về sau. Có điều quan trọng mà hầu hết những người thích uống nước chanh lại không biết, đó là: nước lạnh pha với chanh có thể gây sốc cho cơ thể, nhưng nước đạt mức quá ấm sẽ phá vỡ các enzym có lợi cho cơ thể. Bởi vậy nước ấm vừa đủ, bằng với thân nhiệt của cơ thể mới phát huy được tác dụng cung cấp vitamin của nước chanh mà không ảnh hưởng đế dạ dày. Tuyệt đối không uống nước chanh khi đang đói, nên uống sau bữa ăn khoảng 30 phút để tránh sốc cho cơ thể. 

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng các vị thuốc dân gian - Ảnh 6
Tác dụng phụ của khổ qua     Với vị đắng đặc trưng, khổ qua được nhiều người yêu thích vì công dụng làm mát, giải nhiệt cơ thể. Không chỉ có lợi cho người bị tiểu đường, loại rau này còn được dùng để chữa đau dạ dày, chán ăn, sốt, hạ huyết áp...Tuy nhiên nếu dùng quá nhiều, khổ qua có thể gây ra một số tác động tiêu cực sau: Kích thích sẩy thai: Quan niệm kiêng ăn khổ qua khi mang thai có nguồn gốc từ xa xưa. Nhiều kết quả nghiên cứu hiện nay đã khẳng định tình trạng xảy thai có thể xảy ra nếu thai phụ ăn nhiều khổ qua. Loại rau này có chứa một số thành phần tương tự như thuốc gây sẩy thai và thuốc điều kinh. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo thai phụ và những người đang trong kỳ kinh nguyệt không nên ăn khổ qua. Tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản: Nếu đang mong có con, bạn cần loại khổ qua khỏi thực đơn hàng ngày. Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, loại rau được nhiều người yêu thích này có thể làm giảm khả năng sinh sản. Ăn nhiều khổ qua sẽ làm một số loại hormone “ tình yêu” gia tăng quá mức cần thiết, tạo ra những thành phần độc tố gây hại trong cơ thể. Không thích hợp cho những người bị bệnh gan và thận: Người bị bệnh gan và thận cần tránh ăn khổ qua vì chúng rất khó tiêu hóa, có thể gây đầy hơi. Những người bị thiếu men G6PD ( loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) cũng nên tránh xa loại rau có vị đắng này. Hôn mê do hạ đường huyết : Tình trạng hôn mê do hạ glucose huyết là một trong những tác dụng phụ phổ biến do ăn nhiều khổ qua. Đây là một rối loạn bệnh lý xảy ra khi nồng độ glucose huyết thanh giảm ( mức đường huyết giảm nghiêm trọng) gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng, buộc các tế bào não phải tìm kiếm năng lượng từ nhiều nguồn khác nhau. Để loại trừ tình trạng này, bạn cần tập thể dục thường xuyên và kiêng ăn khổ qua.

Hoài Phương