Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 1
Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 2

Xin Bộ trưởng đánh giá tổng quan về những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2023?

Năm 2023, ngành Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, bám sát tình hình quốc tế, trong nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả nhiệm vụ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, nổi bật là:

Thương mại trong nước tăng trưởng tích cực, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh (25%), giữ vững vị trí nhóm các nước đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, trở thành phương thức phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Sản xuất công nghiệp và xuất, nhập khẩu đang có xu hướng phục hồi tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; đặc biệt, cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm trước trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Ngành năng lượng tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (nhất là ngành điện) nhưng đã kịp thời được khắc phục, cơ bản bảo đảm cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống dân sinh.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 3

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu mang tính thực chất. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời nâng cao vị thế của đất nước. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả cụ thể?

Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ trì tham mưu cho Chính phủ hoàn thành đàm phán ký kết FTA với Israel và kết thúc đàm phán, tiến tới ký kết FTA với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), mở ra cánh cửa vào thị trường các nước Trung Đông với quy mô GDP khoảng 2.000 tỷ USD. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết thành công 16 FTA, với hơn 60 đối tác phủ khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

Việc triển khai các FTA đã ký kết đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất, cung ứng toàn cầu. Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Trong năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hợp tác đa phương thường niên với phương châm chủ động, tích cực để khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, khu vực và diễn đàn hợp tác đa phương.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 4

Thưa Bộ trưởng, năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ có những chuyển biến lớn, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Điều này tác động như thế nào đến sự phát triển của ngành công thương nói chung và của hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu nói riêng?

Năm 2024, các ngành công nghiệp trong nước dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, kinh tế toàn cầu được dự báo hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm. Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, tổng cầu thế giới sụt giảm, gây khó khăn đối với hoạt động ngoại thương cho các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Nước ta đang là nền kinh tế có độ mở lớn, ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, do vậy đối mặt với những rủi ro, thách thức càng lớn.

Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024, vấn đề hàng tồn kho cao tại Mỹ đang dần được khắc phục có thể giúp tổng cầu được phục hồi trong thời gian tới.

Với những kết quả đạt được trong năm 2023, cùng những nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua, Bộ Công Thương kỳ vọng xuất, nhập khẩu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn năm 2023, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 5

Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6,0 – 6,5%. Xin Bộ trưởng cho biết ngành công thương sẽ triển khai những giải pháp cụ thể như thế nào để góp phần hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra?

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025), tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Để góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; nhất là các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đồng thời chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Thứ hai, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Thứ ba, đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả...; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới… nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia; tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng nhiều ở khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ,… tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Thứ năm, sắp xếp lại bộ máy, nhân sự, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; chấn chỉnh, sốc lại kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước giao cho.

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 6

VnEconomy 10/02/2024 16:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 7