22:55 31/01/2024

Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại để xuất khẩu “vượt rào”

Vũ Khuê

Năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Do đó, cần tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới…

Hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường.
Hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường.

Chủ trì Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2024, ngày 31/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: "Công tác xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng trong cập nhật thị trường, các cơ hội phát triển xuất khẩu"…

VẪN ĐỐI DIỆN VỚI NHIỀU RỦI RO

Nhìn lại kết quả năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.

Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2024.
Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2024.

Có được kết quả này là sự nỗ lực của toàn ngành công thương, trong đó vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thực sự quan trọng. Các Thương vụ đã thực hiện tốt công tác thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, đổi mới hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tư vấn xuất khẩu, phối hợp tốt với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.

Đặc biệt, các Thương vụ đã làm việc với chính quyền nước sở tại nhằm tháo gỡ các rào cản, tranh chấp thương mại, cũng như tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường sở tại, qua đó phát triển thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết theo dự báo của các chuyên gia và tổ chức kinh tế quốc tế, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư không đồng đều, rủi ro gia tăng. Vì vậy công tác xúc tiến thương mại trong bối cảnh này là vô cùng quan trọng trong cập nhật thị trường, các cơ hội phát triển xuất khẩu…

Cùng nhận định trên, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng sang 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng lên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp.

Chính vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải thực sự chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường trực tiếp nhất.

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI QUY MÔ QUỐC TẾ

Để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong năm 2024, ông Vũ Bá Phú cho biết các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các định hướng cụ thể.

Thứ nhất: Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.

Thứ hai: Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Thứ ba: Chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công Thương ở trong nước và quốc tế.

Thứ tư: Tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Với định hướng đó, ông Phú đề nghị các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp trong triển khai, phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp về các hoạt động xúc tiến thương mại Bộ Công Thương chủ trì tổ chức.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan thương vụ phối hợp quảng bá các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước, quảng bá mời khách đối tác nước ngoài đến tham dự vào giao dịch tại sự kiện xúc tiến thương mại Bộ Công Thương chủ trì cũng như của các địa phương, hiệp hội tổ chức, như: Triển lãm Thương mại Quốc tế về May mặc, Dệt may và Công nghệ Dệt may (VIATT 2024); Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024); Vietnam Food Expo 2024; Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu; Hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp năm 2024…

Bên cạnh đó, quảng bá các sự kiện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài. Quảng bá và mời các nhà mua hàng thăm quan, giao dịch tại hội chợ, khu gian hàng Việt Nam tại các hội chợ lớn ở nước ngoài. Tuyên truyền quảng bá về Chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam ở nước ngoài.