Dòng tiền chủ động tăng, phiên đáo hạn phái sinh thuận lợi
Yếu tố bán ít trong buổi sáng đã tạo lợi thế lớn cho bên Long phái sinh chiều nay, khi lực cầu bắt đầu đẩy giá dần lên. Mặc dù vẫn xuất hiện một chút rung lắc nhưng đóng cửa VN-Index vẫn chốt ở giá cao nhất ngày, tăng 0,56% với độ rộng thể hiện sự lan tỏa tăng giá tích cực...
Yếu tố bán ít trong buổi sáng đã tạo lợi thế lớn cho bên Long phái sinh chiều nay, khi lực cầu bắt đầu đẩy giá dần lên. Mặc dù vẫn xuất hiện một chút rung lắc nhưng đóng cửa VN-Index vẫn chốt ở giá cao nhất ngày, tăng 0,56% với độ rộng thể hiện sự lan tỏa tăng giá tích cực.
Chiều nay thanh khoản hai sàn niêm yết đã tăng 55% so với buổi sáng, đạt gần 8.064 tỷ đồng. Đây cũng là phiên chiều giao dịch lớn nhất kể từ đầu tuần. HoSE tăng giao dịch tới 57%, đạt 7.567 tỷ đồng, trong đó có đóng góp lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Mặc dù đã xuất hiện trạng thái lình xình ngay từ đầu tuần này nhưng cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh không nhiều. Thanh khoản ở nhóm này cũng đã xuống khá thấp so với các phiên đạt đỉnh cuối tuần trước, nhưng hiện đã ổn định trở lại. Hôm nay tổng giá trị khớp lệnh nhóm ngân hàng trên HoSE đạt 3.238 tỷ đồng, giảm khoảng 301 tỷ đồng so với hôm qua trong khi toàn sàn này khớp lệnh giảm 2.660 tỷ đồng.
Nói cách khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay lại có tác động hỗ trợ thanh khoản cho thị trường chung. Khá nhiều cổ phiếu ngoài nhóm này đã sụt giảm thanh khoản mới dẫn tới mức giao dịch chung suy yếu như vậy. Thậm chí, BID, CTG, VPB, LPB, TCB, MBB, VCB còn lọt vào top 10 cổ phiếu kéo điểm số tốt nhất. Rõ ràng vai trò của nhóm ngân hàng vẫn chưa thể kết thúc, đặc biệt là trong ngày đáo hạn phái sinh. Nhờ nhóm ngân hàng có trọng số lớn trong VN30-Index, chỉ số này kết phiên tăng 0,63%, mạnh nhất trong số các chỉ số, còn lại Midcap tăng 0,6%, Smallcap tăng 0,25%.
Dù có một số mã nổi bật hơn, tổng thể nhóm ngân hàng vẫn chỉ là phân hóa về sức mạnh. 15/27 mã nhóm này xanh lúc đóng cửa, nhưng chỉ 5 mã là mạnh: Dẫn đầu là LPB tăng 2,96%, BID tăng 1,39%, CTG tăng 1,12%, VPB tăng 1,04%, TCB tăng 1,03%, các mã còn lại là không đáng kể. Các mã ngân hàng này đem lại gần 3 điểm trong tổng mức tăng 6,53 điểm của VN-Index.
Trụ mạnh nhất hôm nay là VHM với mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm. VHM buổi sáng tăng 1,07% đã là trụ khỏe nhất, chiều nay tăng tiếp 2% nữa, đóng cửa tăng 3,01% so với tham chiếu đem lại 1,4 điểm cho VN-Index. Thanh khoản mã này đạt 382,7 tỷ đồng, lọt vào Top 10 mã giao dịch lớn nhất thị trường.
Với mức thanh khoản gia tăng đáng kể chiều nay, thị trường có được lực đẩy giá tốt. Chốt phiên sáng VN-Index ghi nhận 189 mã tăng/233 mã giảm nhưng thay đổi rất nhanh trong buổi chiều, chỉ sau 30 phút đầu tiên giao dịch trở lại đã là 249 mã tăng/199 mã giảm. Đến cuối phiên đà tăng còn rộng hơn, với 289 mã tăng/167 mã giảm. Như vậy phải có lực cầu nâng giá tích cực trên diện rộng mới có thể thay đổi chỉ báo này.
Hiệu ứng cầu chủ động cũng có thể nhìn thấy ở nhóm cổ phiếu tập trung thanh khoản cao nhất. HoSE đóng cửa với 35 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng – chiếm 69% tổng giá trị khớp lệnh của sàn – thì chỉ có 6 mã giảm giá, 27 mã tăng với 15 mã tăng trên 1%. Lợi thế ở nhóm vốn hóa trung bình là khá rõ khi biên độ tăng tốt nhất chỉ có VHM là thuộc nhóm trụ lớn nhất, còn lại là các mã như NLG, KDH, LPB, MWG, VCG, KBC, NKG, DXG.
Khối ngoại chiều nay cũng tăng mua vào đáng kể, tổng giá trị giải ngân thêm trên HoSE đạt 795,6 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần phiên sáng. Giá trị mua ròng khoảng 150,6 tỷ đồng trong khi buổi sáng còn bán ròng 91,4 tỷ. MWG vẫn được mua tốt nhất 121,4 tỷ đồng, tiếp đến là VHM +95,2 tỷ, VCG +36,3 tỷ, VCB +33,7 tỷ, VPB +33,2 tỷ, STB +20,2 tỷ. Bên bán có VRE -54,5 tỷ, GMD -32,5 tỷ, LPB -31,6 tỷ, PVD -29,8 tỷ, VND -25,7 tỷ.
VN-Index tăng 6,53 điểm hôm nay lên mức 1169,06 điểm, tiếp tục lập đỉnh cao mới sau 8 phiên lình xình. Mặc dù khả năng tăng trong phiên có thể là do hiệu ứng đáo hạn phái sinh, nhưng rõ ràng lực bán kiềm chế là yếu, khiến dòng tiền mua đẩy giá gặp thuận lợi.