Chứng khoán toàn cầu trượt dốc vì nỗi lo lãi suất cao hơn lâu hơn, giá dầu loay hoay tìm hướng
Áp lực bán tháo cổ phiếu đến từ dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo làm suy giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm cắt giảm lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/1), do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng sau khi dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo làm suy giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm cắt giảm lãi suất.
Giá dầu khó xác định xu hướng do bị giằng co giữa những thông tin có tác động trái chiều về sản lượng dầu của Mỹ và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 94,45 điểm, tương đương giảm 0,25%, còn 37.266,67 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp. Chỉ số S&P 500 mất 0,56%, còn 4.739,21 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,59%, còn 14.855,62 điểm.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 12 ở nước này tăng 0,6% so với tháng 11, và nếu không tính nhóm ô tô, mức tăng tháng là 0,4%. Trước đó, trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng tương ứng là 0,4% và 0,2%.
Những con số cao hơn kỳ vọng này cho thấy tiêu dùng ở Mỹ vẫn vững vàng, từ đó đặt ra rủi ro đối với các dự báo về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất sớm và nhiều trong năm nay. Thay vào đó, kỳ vọng lãi suất cao hơn lâu hơn có chiều hướng gia tăng trở lại, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng cao hơn trên ngưỡng 4% và gây áp lực lên giá cổ phiếu.
Gần cuối phiên giao dịch, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng gần 4 điểm cơ bản, đạt 4,102%. Trước đó, lợi suất đã tăng trong phiên ngày thứ Ba sau khi Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể bắt đầu muộn hơn kỳ vọng.
“Thị trường đón nhận thông tin cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn đang khoẻ. Điều này làm gia tăng mối lo rằng Fed có thể chỉ cắt giảm lãi suất từ tháng 5 thay vì tháng 3. Lợi suất đang trong xu hướng tăng, khiến cho các mối lo của nhà đầu tư trong ngắn hạn càng lớn hơn”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của công ty Carson Group phát biểu với hãng tin Reuters.
Ở thời điểm cuối phiên ngày thứ Tư, các nhà giao dịch đặt cược khả năng 57% Fed có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Cuối tuần vừa rồi, khả năng này là khoảng 80%.
“Đến cuối năm nay, lãi suất có thể sẽ thấp hơn so với bây giờ. Nhưng câu chuyện sẽ không đi theo một đường thẳng. Những nhà đầu tư vốn đặt cược quyết liệt vào việc Fed giảm lãi suất và cổ phiếu tăng giá cỏ thể sẽ phải thận trọng hơn và đa dạng hoá danh mục hơn. Họ sẽ muốn nắm giữ trái phiếu bên cạnh cổ phiếu”, nhà quản lý danh mục Thomas Martin của công ty Globalt Investments phát biểu với hãng tin CNBC.
Chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh trong phiên ngày thứ Tư, khi mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn ở cả Mỹ và châu Âu cùng số liệu ảm đạm về kinh tế Trung Quốc làm dấy lên mối lo về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024.
Giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục có những phát biểu cứng rắn nhằm đẩy lui kỳ vọng giảm lãi suất. Kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cả năm 2023 là 5,2%, cao hơn mục tiêu, nhưng kết quả này được cho chủ yếu xuất phát từ cơ sở so sánh thấp và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục đối mặt nhiều thử thách gồm khủng hoảng bất động sản, tiêu dùng yếu, kinh tế toàn cầu giảm tốc, nợ nần, dân số giảm và già hoá.
“Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới một lần nữa gây thất vọng về tăng trưởng GDP, điều đó chỉ khiến nỗi lo toàn cầu thêm lớn. Tình trạng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc có thể lan sang châu Âu nhiều hơn là Mỹ”, ông Detrick nhận định.
Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu chốt phiên với mức giảm 1,13%. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,88%. Các thị trường chứng khoán mới nổi giảm 2,13%; thị trường châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 2,24%; và thị trường Nhật chứng kiến mức giảm 0,4% của chỉ số Nikkei.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,41 USD/thùng, chốt phiên ở mức 77,88 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,16 USD/thùng, đạt 72,56 USD/thùng.
Thời tiết mùa đông lạnh giá ở Mỹ khiến nhiệt độ ở North Dakota - bang sản xuất dầu hàng đầu của nước này - giảm sâu, dẫn tới sản lượng dầu toàn bang giảm 650.000-700.000 thùng/ngày, tương đương giảm hơn một nửa - chính quyền bang cho hay.
Thông tin này đã hỗ trợ giá dầu, đặc biệt là giá dầu WTI. Trước khi chốt phiên với mức tăng nhẹ, giá dầu WTI có lúc giảm hơn 1 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu chịu áp lực giảm từ triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Nhà phân tích Priyanka Sachdeva của công ty Phillip Nova nói rằng báo cáo GDp của Trung Quốc “không thể xoá bỏ những cơn gió ngược đối với nhu cầu dầu. Triển vọng của Trung Quốc năm 2024-2025 vẫn ảm đạm”.
Trong khi đó, tại một sự kiện do Reuters tổ chức, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol dự báo thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ có được một “vị thế thoải mái và cân bằng trong năm nay”, mặc căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nguồn cung tăng và nhu cầu giảm tốc.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng duy trì dự báo lạc quan về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024, cho rằng mức tăng sẽ tương đối mạnh. Về năm 2025, OPEC dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng mạnh mẽ, dẫn đầu là các thị trường Trung Quốc và Trung Đông.