Điểm sáng và dư địa rộng cho năm 2022 là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát vẫn trong mục tiêu kế hoạch; tỷ giá tiếp tục ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là các cân đối đối ngoại, tiếp tục được duy trì. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 theo mục tiêu kế hoạch và một số dự báo gần đây khoảng 6-6,6%.
Nhưng 2022 cũng là năm yêu cầu và áp lực chưa từng có đối với việc hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.
Để cải cách thể chế, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh giai đoạn 2021-2025, cần tiếp tục cải cách quy định và cách thức quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; giảm và thu hẹp danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ, đơn giản hóa quy định điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề duy trì trong danh mục. Theo đó, chúng ta cần chuyển sang thực thi, quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hậu kiểm; áp dụng nền tảng số, công nghệ số. Đặc biệt, cần linh hoạt theo hướng cân bằng cho cả nhiệm kỳ hơn là hàng năm.
Theo hướng đó, bội chi ngân sách cả nhiệm kỳ có thể vẫn giữ như mục tiêu 4% GDP, nhưng có thể điều chỉnh năm 2022 khoảng 6-7%, năm 2023 là 5%, sau đó giảm dần về 3% năm. Tương tự, lạm phát cả nhiệm kỳ 4%, năm 2022 có thể chấp nhận mức cao hơn các năm còn lại… Điều hành theo hướng đó sẽ tạo dư địa để có được một chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ít nhất 2 năm 2022-2023.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo, trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong dài hạn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, Việt Nam cần xác định mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn để kịp thời đáp ứng các tiêu chí, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp.
Về dài hạn, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch.
Cùng với đó, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý tới đầu tư công, xem đây tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, trong việc triển khai giải pháp về y tế và kinh tế, cần có sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ quốc tế, để thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn bộ châu Á.
Mặc dù Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng ấn tượng. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong thập kỷ qua đạt khoảng 17%/năm. Song thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm tới phân khúc thị trường giá trị gia tăng cao để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu với sự xuất hiện của biến thể Omicron, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới phải tiếp tục thích ứng với bình thường mới, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đặc biệt là cần áp dụng mô hình quản trị hiện đại, dự báo uyển chuyển và linh hoạt.
Dù vậy, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào các chính sách phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Theo đó, trong ngắn hạn và dài hạn, UNDP khuyến nghị Chính phủ nên tập trung vào một số giải pháp sau.
Thứ nhất, xuất khẩu tiếp tục là động lực cho tăng trưởng, vì vậy, ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực, Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận thị trường mới.
Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục đào tạo… nhằm giúp doanh nghiệp hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam có thể cân nhắc các công cụ tài chính dài hạn mà các quốc gia phát triển đã sử dụng để đạt mục tiêu đề ra.
Thứ ba, quá trình chuyển đổi số sẽ làm thay đổi cấu trúc xã hội một cách căn bản, nhưng Việt Nam cần xác định được những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình ứng dụng công nghệ số.
Khi đẩy mạnh chuyển đổi số, Việt Nam cần lưu ý tới việc giảm khoảng cách giữa các nhóm người, vùng miền để đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm.
Đặc biệt, trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng mạnh mẽ, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi sang phương tức thanh toán điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như đảm bảo sự minh bạch cho hệ thống tài chính quốc gia.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 với biến thể Delta bùng phát và lan rộng trong năm 2021, Việt Nam buộc phải thực hiện chính sách hạn chế nhập cảnh và cách ly dài ngày để kiểm soát tình hình. Điều này đã làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.
Cùng với đó, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp cũng buộc nhiều nhà máy phải giảm công suất và sản lượng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, mặc dù tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ, nhưng số lượng dự án đăng ký năm 2021 đã giảm khá mạnh so với năm 2020.
Cùng với xu thế hồi phục của dòng đầu tư toàn cầu, việc Chính phủ quyết định thay đổi chiến lược phòng, chống Covid-19 sang thích ứng an toàn và mở cửa trở lại nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2021, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã khôi phục gần 90%. Nhiều nhà máy đã lên kế hoạch để tăng công suất trở lại như giai đoạn trước đại dịch. Điều này đem đến những hy vọng lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 cũng như củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thực tiễn dịch bệnh trong 2 năm qua đang đặt ra một yêu cầu cấp bách trong việc đón sóng FDI. Đó là sự phối hợp giữa các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất và chính quyền các địa phương trong việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp mới gắn liền với việc quy hoạch đô thị, xây dựng các khu dân cư và dịch vụ tiện ích phục vụ cho người lao động, nhằm đáp ứng điều kiện sinh hoạt cho người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn, hạn chế việc di chuyển cơ học của người lao động.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các quỹ đất sạch với diện tích lớn, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ bên trong các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất để đáp ứng là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài khi mới đặt chân đến tìm hiểu, cũng như cạnh tranh với các nước trong khu vực trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
VnEconomy 02/02/2022 09:00