Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu - Ảnh 1
Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu - Ảnh 2

Thưa ông, gần đây Việt Nam được nhận định là một trong những điểm đến của các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu?

Thời gian qua, nhiều lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh như Nvidia, Lam Research, GlobalFoundries, Coherent… Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử trong ngành bán dẫn như Amkor, Intel… cũng đang có mặt tại Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam đang được các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu xem xét, lựa chọn  là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Với sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng bán dẫn từ Trung Quốc sang các nước khác, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Đây là cơ hội để Việt Nam tham gia vào các công đoạn sâu hơn của chuỗi cung ứng bán dẫn. Cùng với đó, với nguồn nhân lực trẻ dồi dào và chất lượng cao, Việt Nam ngày càng trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu.

Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu - Ảnh 3

Với những tiềm năng như ông vừa chia sẻ, từ góc độ của NIC, theo ông, đâu là những yếu tố cần thiết để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu?

NIC được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng các yếu tố nền tảng cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái bán dẫn. Theo đó, chúng tôi nhận thấy có bốn yếu tố cần thiết để phát triển ngành này.

Thứ nhất là hạ tầng. Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng cứng như điện, nước sạch, logistics và công nghệ để đảm bảo cho sự phát triển của ngành. Cuối tháng 8/2024, công trình đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đã đi vào hoạt động sau hơn 6 tháng thi công. Sân bay Long Thành – Đồng Nai đang gấp rút thi công để đạt tiến độ đặt ra. Hệ thống đường cao tốc và cảng biển cũng được đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu hạ tầng từ các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành bán dẫn.

Thứ hai  là thể chế, cơ chế chính sách cho ngành. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang có chính sách đặc thù, cơ chế một cửa cho các doanh nghiệp bán dẫn đến đầu tư. Theo đó, cơ chế đầu tư nhanh, gọn hay thủ tục rút ngắn hoặc cơ chế hỗ trợ tiền mặt đang được nhiều quốc gia áp dụng cho các nhà đầu tư bán dẫn. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất với Chính phủ về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư ngành bán dẫn, trong đó có những chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là hành lang pháp lý tốt, phù hợp với bối cảnh hiện nay để thu hút nhà đầu tư công nghệ cao.

Thứ ba là nguồn nhân lực. Thời gian vừa qua, NIC được giao xây dựng và trình Chính phủ Chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Mục tiêu đến năm 2030 là đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Chương trình này được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh nguồn nhân lực chính là yếu tố “then chốt của then chốt” để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Cùng với đó, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhằm tạo ra hành lang pháp lý xuyên suốt để thúc đẩy ngành bán dẫn. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam trong việc đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ của ngành công nghiệp mới này trong tương lai.

Thứ tư là phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn. Trong hai ngày 7 và 8/11/2024, NIC phối hợp với Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này. Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia triển lãm. Như vậy, bên cạnh hệ sinh thái ngành điện tử khá đa dạng và được đánh giá là mạnh, thì hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cũng đang dần được hình thành.

Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu - Ảnh 4

Thời gian qua, cùng với nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo và bán dẫn, NIC cũng đẩy mạnh chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và kết nối với mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài trong ngành bán dẫn. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Mới đây, trong chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hoa Kỳ vào tháng 9/2024, NIC đã tổ chức cuộc gặp mặt, trao đổi giữa Tổng Bí thư với mạng lưới chuyên gia người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Việt Nam cũng có rất nhiều bạn trẻ tài năng đang làm việc tại thung lũng Silicon cũng như những tập đoàn lớn như AMD, ARM hay Nexus…

Tại Đài Loan (Trung Quốc), nhiều người Việt Nam cũng đang giữ vị trí quản lý cấp cao tại các phòng R&D tại TSMC, Mediatech. Các phòng lab lớn tại các trường đại học lớn của thế giới như Đại học Tokyo, Đại học Quốc gia Seoul cũng có sự hiện diện của người Việt Nam. Đây là điều tự hào và cũng là cơ sở để chúng ta có thể tin tưởng rằng Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành bán dẫn. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các chính sách thuận lợi để mời gọi các chuyên gia người Việt từ khắp thế giới về Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại quê hương.

Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu - Ảnh 5

Để phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam cần phải xây dựng các phòng lab hiện đại nhằm phục vụ cho quá trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong các chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, Việt Nam đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 sẽ tập trung xây dựng 4 phòng lab dùng chung cấp quốc gia đặt tại Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Cùng với đó là hình thành các phòng lab tiêu chuẩn cấp cơ sở tại 18 trường đại học có khả năng đào tạo cho các sinh viên, nghiên cứu viên thực hành và thực tập trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngoài ra, NIC cũng thúc đẩy việc đào tạo chất lượng giảng viên cao cấp ngành bán dẫn thông qua việc đào tạo thực tiễn tại các nhà máy cụ thể hay phòng thí nghiệm chuyên sâu được dẫn dắt bởi các chuyên gia đầu ngành, trong đó có các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài nhằm giúp hệ thống giáo viên, giáo sư đạt được các chuẩn mực quốc tế. Từ đó, các giảng viên cao cấp này sẽ đóng góp cho mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn cho Việt Nam.

Đặc biệt, để tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu, việc hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Vì vậy, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với hàng loạt quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản,… trong đó nhấn mạnh tới việc sẽ đồng hành với Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn.

Giữa tháng 9/2024, NIC phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khởi động Quỹ An ninh và Đổi mới sáng tạo công nghệ quốc tế (ITSI) triển khai một loạt các hoạt động chiến lược để thúc đẩy vai trò của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, tập trung vào phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực đóng gói và kiểm thử cho ngành vi mạch. Hiện nay, đóng gói tiên tiến cũng là thị trường ngách mà Việt Nam có thể tham gia sâu. Vì vậy, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào lĩnh vực này.

Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu - Ảnh 6

Vậy theo ông, ở thời điểm này, đâu là yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam có thể xác lập vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu?

Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhưng Việt Nam không thể đi một mình và cũng không thể tự phát triển chuỗi sản xuất mà chỉ có thể tham gia một phần của chuỗi cung ứng. Vì vậy, Việt Nam phải đồng hành với các quốc gia khác, bao gồm cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, như tôi đã nói, cơ hội này chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, vì vậy Việt Nam phải hành động nhanh chóng để sớm thiết lập hệ sinh thái bán dẫn đầy đủ tại Việt Nam để đảm bảo cho sự phát triển của chuỗi bán dẫn toàn cầu trong tương lai. Chỉ có như vậy thì Việt Nam mới trở thành điểm sáng trển bản đồ bán dẫn toàn cầu.

Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu - Ảnh 7

VnEconomy 13/11/2024 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu - Ảnh 8