Đường sắt: Đánh thức tiềm năng “ngủ yên” - Ảnh 1
Đường sắt: Đánh thức tiềm năng “ngủ yên” - Ảnh 2

Nhìn lại chặng đường đã qua, xin ông chia sẻ về tình hình kinh doanh của khối doanh nghiệp vận tải khi tốc độ tăng trưởng của vận chuyển hành khách bằng đường sắt luôn đứng đầu toàn ngành?

Những năm vừa qua, Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt thực hiện một loạt các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu, với phương châm lấy hành khách làm trung tâm, mọi hoạt động đều hướng tới phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Hoạt động vận tải hành khách mang một hình ảnh tươi mới hơn nhờ chúng tôi áp dụng triệt để ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác bán vé, phục vụ khách đi tàu thông qua hệ thống bán vé điện tử để khách hàng có thể mua vé mọi nơi, mọi lúc bằng các hình thức thanh toán hiện đại, mới mẻ. Cuối tháng 11/2023, Tổng công ty đưa vào ứng dụng “Cây bán vé tự động” giúp khách hàng tự mua vé tại các điểm công cộng, khu dân cư, những nơi tập trung đông người.

Đối với công tác phục vụ khách đi tàu, tập trung vào xử lý các vấn đề lâu nay còn bị khách hàng phàn nàn như: công tác vệ sinh trên tàu, nâng cao ý thức và chất lượng phục vụ của nhân viên đi tàu, cải tạo và nâng cấp chỉnh trang các phòng đợi tàu tại các nhà ga...

Một điểm thay đổi khác được hành khách hào hứng đón nhận đó là ngành đường sắt đầu tư các phòng đợi VIP tại các nhà ga để phục vụ khách hàng VIP, khách có nhu cầu không gian đợi tàu riêng tư, cao cấp. Trong tháng 10/2023, chúng tôi đưa vào vận hành đoàn tàu chất lượng cao SE19-20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng với nhiều dịch vụ vượt trội và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Những nỗ lực “thay áo” hoạt động vận tải đường sắt được khách hàng ghi nhận, chúng tôi rất vinh dự được tạp chí Lonely Planet, một tạp chí du lịch hàng đầu thế giới bình chọn tuyến đường sắt Thống Nhất là một trong những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới.

Để hướng tới thu hút được nhiều hành khách đi tàu hơn nữa, thời gian tới, ngành đường sắt tiếp tục cải tiến để phục vụ hành khách đi tàu và cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng hơn cho khách hàng. Chúng tôi hướng tới cung cấp cho khách hàng dịch vụ đi tàu với các đoàn tàu thân thiện, nhiều tính năng để khách hàng có nhiều trải nghiệm thú vị, thân thiện và thuận tiện trên tàu.

Đường sắt: Đánh thức tiềm năng “ngủ yên” - Ảnh 3

Vận tải hành khách hồi phục đáng kinh ngạc và để lại nhiều dấu ấn năm vừa qua nhưng vận tải hàng hóa thoáng nét buồn khi sụt giảm tốc độ tăng trưởng, trái chiều với vận tải hành khách. Tưởng chừng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt được “đánh thức” vào đại dịch Covid-19 khiến giao thông đường bộ bị đứt gãy, nhưng vì sao hiện lại tụt dốc, thưa ông?

Trong thời gian đại dịch, những ưu việt của vận tải hàng hóa bằng đường sắt được bộc lộ một cách mạnh mẽ. Khi đường bộ và đường hàng không, đường biển bị đứt gãy, chúng tôi nỗ lực duy trì hệ thống vận tải hàng hóa không ngưng nghỉ, với các chuyến tàu hàng chạy xuyên dịch. Nhờ đó, trong giai đoạn gian khó, tàu hàng liên vận quốc tế là một điểm sáng, tăng trưởng hơn 40%.

Đối với vận tải liên vận quốc tế, hiện chúng tôi đang tích cực triển khai các nội dung trong “Phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt” được Thủ tướng chấp thuận vào cuối năm 2022 để tháo gỡ các vướng mắc, với mục tiêu đến năm 2030, năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đạt 4,5 triệu tấn, gấp 3 lần năm 2022.

Theo đó, ngành đường sắt tiếp tục mở mới các ga liên vận quốc tế tại các địa phương nằm sâu trong nội địa. Đây là một cách đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, tạo thuận tiện cho khách hàng khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, giúp hàng hóa nhanh chóng được thông quan.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành địa phương các chính sách liên quan đến hoạt động liên vận quốc tế như: chính sách hải quan, chính sách kiểm dịch cho hàng hóa vận tải bằng đường sắt, gỡ khó khăn, vướng mắc trong kết nối các ga liên vận quốc tế với các khu chế xuất, khu công nghiệp tại các địa phương...

Chúng tôi cũng tiếp tục báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành gồm: Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải và làm việc với phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải liên vận quốc tế giữa hai nước, đúng như tinh thần tại “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 1/11/2022.

Chính phủ sẽ quan tâm chỉ đạo phân bổ nguồn lực thích đáng vào cải tạo cơ sở hạ tầng đường sắt để nâng cao năng lực, cải thiện kết nối. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng vận tải hàng hóa đường sắt sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới.

Đường sắt: Đánh thức tiềm năng “ngủ yên” - Ảnh 4

Với nhiều nỗ lực nêu trên nhưng vì sao tỷ trọng đảm nhận vận tải đường sắt trong toàn ngành sụt giảm những năm gần đây, thưa ông, trong khi ngành đường sắt từng có một thời kỳ huy hoàng, đảm trách 30 - 40% khối lượng vận tải của đất nước?

Lợi thế của vận tải hành khách bằng đường sắt là sự an toàn, lịch trình rõ ràng và hành trình luôn ổn định. Đối với vận tải hàng hóa bằng đường sắt, ngoài các yếu tố trên còn thêm sự ưu việt khi vận chuyển khối lượng lớn với cự ly dài và trung bình. Vận tải đường sắt còn được xem là hình thức vận tải có mức giá cước ổn định, ít biến động, giúp khách hàng thuận lợi trong việc kiểm soát chi phí.

Dù có nhiều ưu thế khi vận tải hàng khách và hàng hóa bằng đường sắt nhưng phải thừa nhận những năm qua, tỷ trọng vận tải của đường sắt vẫn ở mức khá thấp, trong khi khối lượng vận tải hàng hóa của đất nước tăng đều qua các năm.

Đường sắt: Đánh thức tiềm năng “ngủ yên” - Ảnh 5

Ngành đường sắt có ưu thế với những chặng dài và trung bình nhưng vận tải hàng hóa đường bộ trong nước vẫn chiếm đến 70 - 80%, kể cả việc vận chuyển đường dài Bắc - Nam là điều bất hợp lý. Theo ông, đường sắt có thế mạnh nhưng vì sao chưa được chú trọng khai thác hiệu quả?

Thời gian qua, số vốn đầu tư cho đường sắt còn thấp nên năng lực vận tải đường sắt chưa được cải thiện.

Bên cạnh đó, các ưu thế của đường sắt còn bị ảnh hưởng do thiếu sự kết nối với các loại hình vận tải khác cũng như cơ sở hạ tầng xuống cấp làm gia tăng các chi phí để trung chuyển hàng hóa, hành khách, cũng như tăng thời gian vận chuyển và chưa thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt.

Vì vậy, trong các năm gần đây, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành dành nguồn lực thích đáng cho việc cải tạo nâng cấp hạ tầng đường sắt thông qua các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sắt trên tuyến Bắc - Nam, giải quyết các điểm nghẽn vận tải, đầu tư cải tạo và mở rộng một số kho bãi... Các địa phương cũng đang rất quan tâm đến việc kết nối vận tải đường sắt với các trung tâm logistics. Các hoạt động này sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn vận tải, tăng tính kết nối của đường sắt.

Việc phát triển giao thông vận tải đường sắt cũng được quan tâm lớn hơn khi ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đặt ra thời gian tới là phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, vận tải đường sắt sẽ đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

Chúng tôi tin tưởng rằng đường sắt sẽ sớm trở lại là hình thức vận tải đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đường sắt: Đánh thức tiềm năng “ngủ yên” - Ảnh 6

Bên cạnh những chiến lược đột phá nhằm phát triển giao thông vận tải đường sắt, chính ngành đường sắt cũng đang nỗ lực tái cơ cấu mạnh mẽ. Xin ông chia sẻ thêm những điểm nhấn trong Đề án cơ cấu lại đến năm 2025 sẽ giúp ngành kinh doanh khởi sắc hơn?

Hiện nay, Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Hội đồng thành viên Tổng công ty trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban đang làm thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ. Những điểm nhấn cơ bản của đề án là hướng đến một bộ máy tinh gọn, hội tụ được sức mạnh, tối thiểu hóa các chi phí để tăng tính hiệu quả.

Cụ thể, Tổng công ty thực hiện sáp nhập, giảm đầu mối từ năm chi nhánh xí nghiệp đầu máy xuống còn ba chi nhánh xí nghiệp đầu máy; từ ba ban quản lý dự án đường sắt xuống còn một ban quản lý dự án đường sắt.

Hiện nay, Tổng công ty đang khẩn trương hợp nhất hai công ty cổ phần vận tải đường sắt: Hà Nội và Sài Gòn. Khi thực hiện được sẽ làm thay đổi căn bản phương án tổ chức sản xuất, giảm sự cạnh tranh nội bộ. 

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, Tổng công ty cũng sẽ thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần không chi phối. Như vậy, bộ máy của Tổng công ty sẽ hội tụ tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính, tránh phân tán, giảm hiệu quả nguồn lực.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng để tăng cường khả năng quản lý tại mọi cấp độ. Chuẩn bị cho Đề án 46 được Thủ tướng phê duyệt, Tổng công ty trình xin thành lập mới Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và Phát triển đường sắt, khi trung tâm đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi, nâng cấp, tái tạo lại và khai thác được các tiềm năng đang còn “ngủ yên” của đường sắt tại các nhà ga, bãi hàng góp phần cải thiện hình ảnh, tình hình tài chính của Tổng công ty.

Ngoài ra, trong đề án lần này, các công ty hoạt động có lãi, phục vụ ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính cũng được Tổng công ty duy trì sự kiểm soát, đảm bảo tính an toàn, ổn định trong vận hành đường sắt, tính ứng phó trong điều kiện kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều tồn tại.

Hiện nay, chúng tôi tiếp tục nhận được sự chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ, ban, ngành để giải quyết các bất cập, khó khăn về chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt và quan tâm đầu tư hơn vào cơ sở hạ tầng, kết nối của đường sắt với các loại hình vận tải khác, giúp đường sắt Việt Nam có thể phát huy thế mạnh vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đường sắt: Đánh thức tiềm năng “ngủ yên” - Ảnh 7

VnEconomy 07/02/2024 13:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam