“10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu gạo đã thiết lập mức kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, bỏ xa mốc kỷ lục từng được lập vào năm 2011 (3,65 tỷ USD).
Dự báo, trong 2 tháng cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới vẫn cao, đặc biệt từ Indonesia, Philippines, Trung Quốc. Hiện, Philippines đã xem xét bỏ trần giá gạo nhập khẩu, sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gạo quay lại thị trường - họ là khách hàng gạo lớn nhất của Việt Nam nên các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi, đơn hàng tăng. Với diễn biến này, năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2 - 4,5 tỷ. USD.
Về giá gạo xuất khẩu, dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nữa trong thời gian từ nay đến hết năm. Khi vào vụ thu hoạch Đông Xuân (đầu năm 2024), nguồn cung gạo từ Việt Nam và Thái Lan tăng lên, lúc đó giá gạo mới hạ nhiệt, song khó giảm xuống dưới ngưỡng 600 USD/tấn. Kịch bản dễ xảy ra nhất cho những tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu có thể neo ở mức 640 - 650 USD/tấn. Thậm chí, nếu tình hình Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo ra thế giới thì giá gạo có khả năng đạt đến 1.000 USD/tấn.
Do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân, thương lái (hàng xáo) đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện hợp đồng đã ký.
Vì thế, VFA đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hội viên cố gắng đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết nhằm ổn định, giữ vững thị trường, đàm phán với đối tác giãn tiến độ giao hàng để giảm thiểu các thiệt hại do biến động giá. Đối với hợp đồng mới, phải đảm bảo có chân hàng trước khi ký; trường hợp chưa có hợp đồng nên hạn chế số lượng mua vào, tránh biến động, xáo trộn giá trong nước.
VFA cũng đã kiến nghị với Bộ Công Thương bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa thương nhân xuất khẩu gạo, đặc biệt giữa thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP và thương nhân thuê kho theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP”.
“Năm 2022, ngành cao su xuất khẩu trên 10 tỷ USD, trong đó, sản phẩm từ cao su trên 4 tỷ USD, mủ cao su chưa chế biến trên 3 tỷ USD và gỗ cao su gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên 10 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này đều sụt giảm từ 17% đến 25%, khiến các doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Vì vậy, VRA kiến nghị đến các bộ và Chính phủ quan tâm giải quyết 5 vấn đề nổi cộm của ngành cao su.
Thứ nhất: quản lý ngành cao su hiện nay không nhất quán, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý về giống và cây trồng, còn Bộ Công Thương quản lý về xuất khẩu. Tuy nhiên, chưa thấy cơ quan quản lý cụ thể nào chịu trách nhiệm quản lý chất lượng cao su và thương hiệu cao su Việt Nam. Trong khi đó, các nước xuất khẩu cao su khác, như Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan … đều có Tổng cục Cao su quản lý.
Thứ hai: vấn đề hoàn thuế VAT vô cùng phức tạp và là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp cao su hiện nay. Tại VRA có rất nhiều doanh nghiệp gần như bó tay. Công bằng mà nói thì hoàn thuế chính là hoàn vốn cho doanh nghiệp, trong hoàn cảnh khó khăn họ rất cần ngành thuế đẩy nhanh tiến độ.
Thứ ba: theo quy định kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2020, cao su có hai loại sản phẩm là mủ cao su và gỗ cao su. Tuy nhiên, mủ cao su được công nhận là sản phẩm chính của doanh nghiệp nên được tính thuế và được ưu đãi thuế, riêng gỗ cao su gọi là thu nhập bất thường, như vậy là không hợp lý. Vì vậy, VRA đã có Công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị coi mủ cao su và gỗ cao su là hai sản phẩm chính của ngành.
Thứ tư: đối với chính sách đất đai, Chính phủ đã thống nhất cây cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản được miễn tiền thuê đất, nhưng từ năm 2020 tới nay chính sách này không còn nữa và doanh nghiệp phải đóng tiền thuê đất. Tuy nhiên, đóng tiền thuê đất rất phức tạp vì những địa phương như Đông Nam Bộ giá đất ở, giá đất khu công nghiệp và cụm công nghiệp tăng rất nhanh, trong khi đó địa phương không có giá riêng cho đất cao su nên doanh nghiệp phải đóng thuế với mức giá đất trên.
Thứ năm: cao su thiên nhiên nhập vào Việt Nam có thuế suất 0%, nên một lượng lớn cao su nhập vào nội địa và doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu cao su. Đây là nghịch lý của ngành hàng và Chính phủ cần có giải pháp về thuế hoặc hàng rào kỹ thuật với cao su, sản phẩm cao su nhập khẩu như vỏ xe, găng tay,... nếu không, sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu”.
“Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông, lâm, thủy sản nói chung và ngành nông sản nói riêng.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ,... đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản,… trong đó, EU là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất liên kết theo chuỗi còn hạn chế, trình độ áp dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp. Xuất khẩu chủ yếu là xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản, hay chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu nông sản: như Quyết định 174/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030; Quyết định 194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Quyết định 150/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh các cơ chế, chính sách, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.
Đồng thời, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế”.
“Ngành hàng cà phê đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi để tuân thủ những “luật lệ” mới từ EU và các thị trường trên thế giới. Cụ thể, ngày 16/5/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR). Đạo luật này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2023 và chính thức áp dụng từ tháng 12/2024. Theo đó, chỉ những nông sản, trong đó có cà phê phải có chứng nhận, hoặc chứng minh rằng quá trình canh tác không gây mất rừng và canh tác hợp pháp thì mới được phép nhập khẩu vào thị trường EU.
Như vậy, cà phê muốn xuất khẩu vào EU sẽ phải qua truy xuất nghiêm ngặt giữa hàng hóa với lô đất nơi trồng cà phê. Các sản phẩm cà phê sẽ phải đạt được sự hợp pháp theo luật của quốc gia sản xuất, bao gồm quyền con người, quyền của người lao động.
Ngoài ra, ngành cà phê Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về cán cân cung cầu; sự thịnh vượng của người trồng cà phê; trách nhiệm giải trình; tiêu dùng nội địa; biến đổi khí hậu và các quy định mới của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, đó cũng là những cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam khi quản lý kinh doanh ngày càng tốt hơn; các biện pháp thực hành sản xuất tốt được áp dụng rộng rãi; ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh cà phê…
Trước những thách thức mới này, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đề xuất định hướng và giải pháp phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam trong những năm tới. Theo đó, 100% giống tái canh bằng giống chất lượng cao, giống cà phê đặc sản; khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong canh tác, cải tạo đất để duy trì tính lý hóa của đất, sử dụng nước tưới hợp lý, giảm sử dụng phân hóa học; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến cà phê, nâng tỷ lệ cà phê chế biến ướt từ 10% hiện nay lên 30%; tỷ lệ cà phê hòa tan và cà phê rang xay đạt 25% sản lượng”.
“Ngành công nghiệp gỗ những năm gần đây đã có sự phát triển rất cao và có sự bứt phá. Chúng ta cũng đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu lớn của thế giới. Song trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sản phẩm gỗ sụt giảm khá mạnh. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có thể xuất khẩu được 20 tỷ USD gỗ và sản phẩm từ gỗ, song đến thời điểm này chúng ta phải tính toán lại mục tiêu.
Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sụt giảm là thị trường Hoa Kỳ - thị trường chủ lực của ngành gỗ đã giảm 35% về kim ngạch do sức mua kém, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, ngành gỗ đã phải đối diện với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2020 đến nay, sau 7 lần trì hoãn, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng. Tôi tin rằng khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. Nhìn chung, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, tức là ta còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong tương lai. Khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do khó khăn chung của thị trường.
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp cần nhìn lại để tái cơ cấu sau nhiều năm phát triển và tăng trưởng nóng. Doanh nghiệp cần hiểu rằng thời gian qua, ta đã phát triển nóng theo chiều rộng, dựa nhiều vào nhân công giá rẻ. Trong tương lai gần, chúng ta không còn lợi thế đó mà cần phải tăng cường ứng dụng máy móc, sử dụng lợi thế do công nghiệp 4.0 mang lại để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiện nay có tình trạng chủ yếu là gia công và xuất khẩu qua các nhà buôn lớn mà chưa có được các thương hiệu. Vì vậy, doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng thương hiệu, vì đây là con đường lâu dài”.
“Logistics trong nông nghiệp là một chuỗi các hoạt động, gồm: thu hoạch, sơ chế, bảo quản, đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa với mục đích chuyển sản phẩm nông nghiệp từ nhà nông (vùng nguyên liệu) – nhà cung cấp đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Đối với ngành nông nghiệp, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng và được xác định là lực đẩy để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay logistics nông sản tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, chính sách, đặc biệt là vấn đề thiếu chuỗi cung ứng nông sản để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Điều này dẫn tới tỷ lệ hao hụt nông, thủy sản trong quá trình vận chuyển, xử lý và bảo quản lớn. Vận chuyển đường biển hao hụt khoảng 15% (tùy xa, gần), như: đi Đài Loan mất 8 ngày, đi Australia 25 ngày, 40-45 ngày để đến Hoa Kỳ và 30-35 ngày đến EU. Đơn cử trong mùa dịch bệnh, hàng hóa đến UAE có thể bị chậm tới 40 ngày, gây thiệt hại cho toàn bộ lô hàng trái cây.
Để đưa logistics trở thành đòn bẩy cho nông sản Việt, tôi đề xuất cơ quan quản lý, cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư hạ tầng cho hạ tầng vận tải kết nối đầu nguồn thu hoạch - hạ tầng trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản. Tăng cường kết nối hạ tầng logistics nhằm thúc đẩy liên kết vùng để sử dụng nguồn lực toàn vùng hiệu quả. Có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics, đặc biệt cold chain logistics (hệ thống chuỗi lạnh).
Đối với các đơn vị kinh doanh nông sản, cần tăng cường tính chuyên môn hoá, giảm tỷ lệ hao hụt, tổn thất qua việc sử dụng phần lớn các dịch vụ thuê ngoài logistics. Tích cực hoạt động trong các Hiệp hội doanh nghiệp để tăng tính kết nối; tăng cường tính liên kết mạng lưới chủ hàng trong sử dụng dịch vụ logistics để tận dụng lợi thế nhờ quy mô.
Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, cần liên kết các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ logistics tích hợp đối với hàng nông sản xuất khẩu giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian; liên kết ngang với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhằm phát triển mạng lưới.
Chú trọng đến ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi logistics trong nông nghiệp để rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo đó, phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các đường cao tốc, quốc lộ. Chuyển đổi các hạ tầng logistics như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...; phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng để hình thành hệ thống một cửa, cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu để vận chuyển hàng hóa và các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ việc đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện quá trình xử lý các văn bản hành chính liên quan”.
“Nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực năm 2020. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu đang tập trung phần lớn vào một số ngành hàng tiêu biểu (như cà phê, hạt điều...). Điều này sẽ là rủi ro nếu người tiêu dùng EU thay đổi thói quen tiêu dùng, ví dụ như giảm uống cà phê sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy mô nhỏ, manh mún của nông nghiệp Việt Nam đang gây khó khăn cho đầu tư vào kiểm soát chất lượng, tiếp cận thị trường và các lĩnh vực quan trọng khác; năng suất, chất lượng của một số nông sản còn thấp; công nghiệp chế biến nông sản tương đối kém phát triển đã giới hạn phạm vi sản phẩm có thể được xuất khẩu sang EU…. Những yếu tố này đã và đang là thách thức cho nông sản Việt Nam mở rộng thị phần tại EU.
Ngoài ra, người tiêu dùng EU yêu cầu cao về chất lượng, sản phẩm phải nguyên vẹn, không có sâu bệnh, chịu được vận chuyển và xếp dỡ, có mức tồn dư hoá chất trong ngưỡng cho phép. Với những tiêu chuẩn khắt khe, trước mắt sẽ có nhiều thách thức cho các trang trại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, các tiêu chuẩn, quy định này là nền tảng để tạo ra sự “chọn lọc tự nhiên” của các doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, có phương pháp tiếp cận tài chính tối ưu để nâng cao chất lượng sản xuất. Đặc biệt, khuyến khích giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và cảnh giác với việc nhiễm chéo thuốc trừ sâu. Các sản phẩm của Việt Nam xuất sang EU cần có chứng chỉ đảm bảo như GLOBAL GAP để vào các siêu thị EU, cùng với đó là đạt được các tiêu chuẩn xã hội như GRASP, SMETA”.
VnEconomy 08/11/2023 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2023 phát hành ngày 06-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam