"Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 18 tháng qua khiến kinh tế thế giới phục hồi không bền vững, không đồng đều giữa các nhóm nước. Các chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thiếu hụt đầu vào sản xuất, các biện pháp phong tỏa, giãn cách và khó khăn trong vận hành các tuyến vận tải biển, chiếm tới 90% lưu lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang áp dụng các biện pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất, triển khai các gói thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tài chính-tiền tệ linh hoạt, kết hợp với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và an sinh-xã hội.
Thứ hai, các biện pháp trước mắt và dài hạn nhằm tái cơ cấu sản xuất, tái định hình các chuỗi cung ứng như đa dạng hóa nguồn cung đầu vào, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm hợp lý hóa các công đoạn sản xuất; đồng thời, đa dạng hóa mạng lưới đối tác, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (đây cũng có thể coi là lợi thế của Việt Nam với 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và được triển khai).
Thứ ba, sự chủ động thích ứng của các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Ngân hàng Thế giới cho rằng, bên cạnh các tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cấp các mô hình kinh doanh, chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử".
"Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn bởi có chuỗi cung ứng và chuỗi liên kết liên quan tới rất nhiều ngành.Với vai trò đứng đầu cho một tổ chức doanh nghiệp như chúng tôi, áp lực là rất lớn, đặc biệt là trách nhiệm với người lao động.
Tôi cho rằng ở thời điểm này, quan trọng nhất vẫn là triển khai vaccine. Vaccine giúp bảo vệ tính mạng của người lao động, giúp doanh nghiệp giữ được người và duy trì hoạt động.
Sau đó là về vấn đề chi phí logistics. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, cần phải làm sao để kiểm soát chi phí vận chuyển ở mức hợp lý là yêu cầu lâu dài của doanh nghiệp. Chi phí này ảnh hưởng rất lớn tới giá cả các mặt hàng của Việt Nam, ảnh hưởng tới mức giá mà chúng tôi quay về mua nguyên liệu cho nông dân. Bây giờ cần giải pháp tức thời và lâu dài để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề logistics.
Thứ ba là vấn đề tài chính. Tới nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được nhiều với các giải pháp hỗ trợ của chính phủ. Ngân hàng thậm chí sợ doanh nghiệp “chết” vì dịch bệnh dẫn tới nợ khó đòi, nên cũng ngại cho vay. Chúng tôi đề nghị chính phủ có các giải pháp hỗ trợ tài chính hơn nữa, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp. Khó khăn cũng chính là cơ hội cho tất cả, bởi vì ở giai đoạn trước, khi chúng ta kiểm soát dịch bệnh ổn định, doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng tôi vẫn tăng trưởng 40-60%".
"Tập đoàn Dệt may như là một hệ thống quản trị các doanh nghiệp của mình trong phòng chống dịch, chỉ đạo chống dịch, nên đội ngũ đi vận động tiêm vaccine sẽ đưa ra ý kiến xem nhóm nào tiêm trước, nhóm nào tiêm sau, sau đó đưa ra hướng dẫn y tế. Hiện nay, bệnh viện của Tập đoàn Dệt may đã được Bộ Y tế đồng ý và từ cuối tháng 7 đã trở thành điểm tiêm vaccine.
Trong đó, bản thân tập đoàn chúng tôi tự tiêm, còn vaccine là do Nhà nước cấp. Chúng tôi chia sẻ theo hình thức là tiêm 50% cho cộng đồng và 50% cho các doanh nghiệp.
Còn đứng ở vai hiệp hội khó ở chỗ vận động nhưng sự cam kết, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong tình huống chưa bao giờ xảy ra ai cũng sốt ruột nên có bệnh thì vái tứ phương. Cùng một chuyện thiếu vaccine thì đăng ký với cả hiệp hội, cả địa phương, bộ ngành thì thực sự rất khó quản.
Nhưng mà chúng tôi nghĩ là trong dài hạn, nếu xác định dịch bệnh không chấm dứt hoàn toàn, vaccine cũng không cho là không có bệnh mà chỉ bệnh nhẹ hơn nên sau đợt cấp bách này các hiệp hội nên thống nhất lại trong các hội viên của mình nên trở thành kênh có thể đặt hàng, mua hàng từ Bộ Y tế để tiêm.
Đặc biệt, chúng tôi thống nhất là test nhanh rất tốn kém mà không có giá trị nhiều trong việc phòng ngừa. Cho nên nếu đi theo hướng test nhanh thì doanh nghiệp không thể chịu đựng được, vì 1.000 người làm, mà một tuần mất khoảng cỡ 600.000 cho một người, tức là 600 triệu cho nhà máy 1.000 người ở lại “ba tại chỗ”, rất lớn mà lại không an toàn".
"Hiện các vùng dịch đều áp dụng Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Chính phủ, do đó, nhu cầu trao đổi hàng hóa trực tuyến rất cao, kéo theo hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hai bánh tăng mạnh. Như vậy, nếu doanh nghiệp vận tải được giải quyết, tháo gỡ khó khăn đồng nghĩa tháo gỡ phần lớn cho doanh nghiệp sản xuất ở đầu ra. Chúng tôi đưa ra 4 giải pháp chính
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chấp thuận việc ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì ban hành hành hóa được phép ưu tiên như hiện nay. Thứ hai, các đơn vị tại các chốt kiểm kịch chỉ nghe chỉ đạo, văn bản của cấp trên trực tiếp. Trong khi đó, mỗi địa phương lại có một hướng dẫn khác nhau. Vì vậy, Chính phủ nên phối hợp với công ty công nghệ hoặc chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông ứng dụng công nghệ để việc khai báo y tế nhanh hơn. Nếu chưa ứng dụng được thì phải có một văn bản nhất quán.
Thứ ba, nên tạo luồng ưu tiên đối với vận tải hàng hóa quốc tế do nhiều địa phương nơi có cửa khẩu, cửa ngõ quốc tế rất tích cực chống dịch nhưng điều này lại gây cản trở dòng cung ứng trong nước và quốc tế. Thứ tư, theo quy định hiện hành, các lái xe phải có giấy xét nghiệm Covid-19 (như giấy thông hành) và cứ 3 ngày phải đi test 1 lần. Để giải quyết vấn đề này chúng tôi rất mong muốn được Chính phủ cho phép mua các bộ test Covid-19 nhanh".
"Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này có đặc điểm rất khác. Riêng về mặt kinh tế, tác động nguy hiểm khác với lần dịch trước là ứng xử của các địa phương với dịch lần này gây ra đổ vỡ chuỗi cung ứng.
Hiện đã có biện pháp “3 tại chỗ” nhưng nó rất tốn thời gian, chi phí và điều kiện áp dụng không dễ dàng. Thậm chí, doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ lại chính là nơi phát hiện nhiều F0, nguy cơ lây nhiễm cao. Mặt khác, các doanh nghiệp bắt đầu lên tiếng vì từ khi áp dụng giãn cách gần 1 tháng rồi, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp đến giới hạn.
Thời điểm hiện nay khu vực phía Nam, Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 chưa dự báo thời điểm nào chính xác kết thúc. Các doanh nghiệp cũng căng thẳng. Ví như con người nín thở thì có giới hạn, liệu có thể chịu thêm 1, 2 tuần nữa ko, ngay lúc này phải ra một sách lược.
Chúng tôi thấy với kinh nghiệm 3 tại chỗ vừa qua không mang lại hiệu quả nhiều. Phải nhiều doanh nghiệp được tạo thuận lợi duy trì sản lượng và duy trì lực lượng lao động thì chuỗi cung ứng mới quay trở lại được.
Do đó, cần có một cơ chế để cho phép các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại nhưng có điều kiện ràng buộc. Không thể nói hạn chế tiếp xúc 100% nhưng các doanh nghiệp phải đảm bảo công tác chống dịch và duy trì sản xuất luôn song hành.
Chính phủ cũng nên có cái nhìn dài hơi. Trong đó, phải có phương án nếu có dịch bệnh xuất hiện tại cơ sở sản xuất thì cũng chỉ cách ly F0, F1 liên quan và để các khu vực khác duy trì sản xuất".
"Việt Nam có nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động, do đó khi phát sinh dịch bệnh trong khu vực doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn. Các giải pháp ba tại chỗ, hay một cung đường hai điểm đến như thời gian qua chỉ là giải pháp ngắn hạn và tình thế, vì vậy sẽ có những bất cập. Mặc dù vậy, rõ ràng chúng ta vẫn cần phương án vừa sản xuất vừa phòng chống dịch như ba tại chỗ, nhưng cần cải tiến hơn cho phù hợp. Còn phương án hai tại chỗ thì tôi nghĩ cần có sự tham gia của các cơ quan, địa phương, sự hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp mới có thể vừa sản xuất vừa chống dịch được.
Rõ ràng không thể có một giải pháp chung cho tất cả các doanh nghiệp được, mà cần có các giải pháp cụ thể, sáng kiến linh hoạt tùy vào điều kiện của các doanh nghiệp. Còn về lâu dài, vaccine vẫn là giải pháp căn cơ, tuy nhiên rõ ràng chúng ta vẫn bị động trong tiếp cận vaccine.
Tôi nghĩ rằng, vấn đề làm sao để thời gian tới các thông tin về vaccine cần được minh bạch, chi tiết hơn đến doanh nghiệp, đặc biệt về tiến trình vaccine, quy trình về đối tượng tiêm, thậm chí có thể phân cấp công tác tiêm chủng cho doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiêm vaccine cho công nhân. Nhà nước có thể đóng vai trò giám sát quản lý, tìm nguồn vaccine đảm bảo chất lượng, còn doanh nghiệp có thể tổ chức tự tiêm.
Nếu chậm trễ trong vấn đề này, doanh nghiệp sẽ ngày càng bị bào mòn, lợi nhuận sụt giảm, dẫn đến thua lỗ phá sản. Do đó, tôi cho rằng cần đa dạng hóa nguồn cung vaccine, ưu tiên vaccine cho các doanh nghiệp thâm dụng lao động để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, sớm mở cửa thị trường...".
"Quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng, việc ưu tiên tiêm vaccine phải được hướng tới vùng dịch, vùng có nguy cơ cao bị nhiễm dịch, tức phải di bất biến, ứng vạn biến. Ví dụ như Hà Nội dù chưa có dịch nhiều nhưng nếu người dân không được tiêm vaccine sớm thì rất dễ bị động như Tp.HCM.
Ngoài ra, tôi vẫn luôn nhấn mạnh, người dân chung cũng vậy nhưng các doanh nghiệp cũng vậy. phải ưu tiên vaccine cho đối tượng có nguy cơ cao làm sao để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, giải pháp tiêm vaccine cũng không phải là giải pháp tối ưu nhất để hết sạch dịch, mà nó chỉ làm cho số lượng ca mắc giảm xuống thấp nhất. Thậm chí, điều này giúp không bị sập hệ thống y tế. Bài học ở Bình Dương thể hiện rất rõ, khi y tế công không tiêm được vaccine do phải tập trung chống dịch, đã phải huy động cả tư nhân vào.
Còn về giải pháp chi tiết, giờ đây để đưa ra các quyết định kịp thời và triệt để thì khó lắm. Chính phủ chỉ tạo điều kiện về chính sách, còn lại doanh nghiệp phải sáng tạo, linh hoạt".
"Với các doanh nghiệp trong ngành của chúng tôi thì phương án 3 tại chỗ rất khó áp dụng, thậm chí là không làm được. Do đó, chúng tôi đề xuất cho doanh nghiệp áp dụng phương án hai tại chỗ kết hợp test nhanh Covid-19.
Kết hợp với việc này là cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng chống dịch Covid-19, bởi vì thực tế như thời gian vừa qua, có thể thấy các doanh nghiệp cực kỳ bị động, hầu như đều chờ đợi ý kiến của các địa phương về công tác phòng chống dịch.
Chúng tôi đề xuất áp dụng mô hình hai tại chỗ thì sẽ linh hoạt hơn, bởi vì nếu cứ áp dụng khiên cưỡng một mô hình (như ba tại chỗ) sẽ có thể thất bại. Thực tế, mỗi doanh nghiệp có đặc thù khác nhau, vì vậy cần có một mô hình phù hợp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mô hình này cần được y tế địa phương xem xét phê duyệt, có sự phối hợp giữa hai bên, không nên cứng nhắc theo phương án từ trên xuống.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta xác định sống chung với lũ, thì khâu đào tạo để doanh nghiệp có hệ thống y tế tại chỗ là rất cần thiết. Khi chúng ta xác định sống chung với dịch thì chắc chắn phải chấp nhận những điều chỉnh bất ngờ luôn có thể xảy, do đó nếu được đào tạo thì doanh nghiệp sẽ không bị động nữa, do đó, đây là việc cần làm trong thời gian tới.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, việc phân bổ vaccine không thể thiếu “nhạc trưởng”, tuy nhiên hiện nay chúng ta đang thiếu vị “nhạc trưởng” này. Hầu hết, doanh nghiệp chưa biết lúc nào được tiêm vacine, theo khảo sát của các doanh nghiệp trong ngành chúng tôi thì có những doanh nghiệp mới tiêm được 20%, có doanh nghiệp được 50%. Do đó, việc tiêm cần có tiến trình rõ ràng hơn, doanh nghiệp cần được biết kế hoạch phân bổ vaccine để không bị động trong kế hoạch sản xuất".