15:07 08/08/2021

"Cần ngay một sách lược để doanh nghiệp sinh tồn giữa trận chiến trường kỳ với Covid-19"

Khánh Linh

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là hiện hữu khi mà dịch bùng phát tại các tỉnh thành phố lớn trên cả nước - nơi có nhiều khu công nghiệp đã khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu linh kiện, vật tư phục vụ sản xuất...

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương.

Những biện pháp mang tính chất tức thời, ngắn hạn như “3 tại chỗ” không chỉ lộ ra những bất cập như vừa tốn kém thời gian, chi phí, không hạn chế được tình trạng lây nhiễm dịch Covid-19 như trường hợp của Vissan mà còn gây áp lực cho doanh nghiệp bị bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ cần doanh nghiệp chậm đáp ứng đơn hàng quốc tế ví dụ như chậm đơn hàng đi Mỹ trong vòng 1-2 tuần, bạn hàng ngay lập tức sẽ tìm đối tác Trung Quốc thay thế. 

Do đó, ngay lúc này cần thiết đưa ra một kịch bản để sống chung dài hạn với dịch cũng như để doanh nghiệp chịu đựng được cho đến khi vaccin được tiêm tương đối tại Việt Nam vào cuối năm nay. Từ đó, đáp ứng được tiêu chí kép vừa ưu tiên chống dịch, vừa phát triển kinh tế mà Chính phủ đề ra. 

CỨNG NHẮC ÁP DỤNG 3 TẠI CHỖ SẼ THẤT BẠI  

Tại toạ đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức tối ngày 7/8, chuyên gia kinh tế cùng đại diện các doanh nghiệp và lãnh đạo các bộ ngành phân tích, mổ xẻ và đưa ra hàng loạt giải pháp giải cứu chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho hay, nếu đi theo hướng test nhanh thì doanh nghiệp không thể nào chịu đựng thêm được, vì 1.000 người làm, mà một tuần mất khoảng 600.000 đồng/người, tức là 600 triệu đồng cho nhà máy 1.000 người ở lại “ba tại chỗ”, đây là chi phí rất lớn nhưng lại không an toàn.

Thống nhất test nhanh cho 3 tại chỗ rất tốn kém mà lại không có giá trị gì nhiều trong việc phòng ngừa nên Tập đoàn Dệt may đã xây dựng được các đơn vị y tế, giống như một trạm kiểm soát. Hiện nay, bệnh viện của Tập đoàn Dệt may cũng đã được Bộ Y tế đồng ý và từ cuối tháng 7 đã trở thành điểm tiêm vaccine. Tập đoàn có đội ngũ đi vận động tiêm vaccine, điều phối theo cách đưa ra nhóm nào tiêm trước, nhóm nào tiêm sau, theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. 

“Trong tình huống chưa bao giờ xảy ra như lúc này, tâm lý ai cũng sốt ruột nên có bệnh thì vái tứ phương. Tuy nhiên, cùng một chuyện thiếu vaccine mà đăng ký với nhiều đầu mối, cả hiệp hội, cả địa phương, bộ ngành thì thực sự rất khó quản. Trong dài hạn, nếu xác định dịch bệnh không chấm dứt hoàn toàn, nên chăng sau đợt cấp bách này các hiệp hội nên thống nhất lại trong các hội viên của mình để trở thành một kênh có thể đặt hàng, mua vaccine từ Bộ Y tế để tiêm”, ông Trường kiến nghị.

Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể áp dụng phương án “ba tại chỗ”.  

Nói như vậy không có nghĩa là phản bác “ba tại chỗ”, vì phương án này đã phát huy hiệu quả khi tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, thực tế đã có những doanh nghiệp làm rất tốt. Vì vậy, với những doanh nghiệp nào làm tốt thì chúng ta vẫn duy trì và khuyến khích. Tuy nhiên, vẫn nên có lộ trình để mở ra giải pháp 2 tại chỗ kết hợp test nhanh. Bởi mô hình “hai tại chỗ” sẽ linh hoạt hơn. “Nếu chỉ áp dụng khiên cưỡng một mô hình cho tất cả các doanh nghiệp có thể sẽ thất bại”, bà Xuân nhấn mạnh. 

CẦN MỘT CƠ CHẾ RIÊNG CHO DOANH NGHIỆP SINH TỒN GIỮA DỊCH

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 có đặc điểm khác so với trước đây. Trước đây 1-2 tháng chúng ta khoanh vùng xử lý được nhưng dịch lần này biến chủng Delta cơ chế lây nhiễm khác mà có thể lây nhiễm qua việc không qua tiếp xúc. 

Ông Trần Thanh Hải.
Ông Trần Thanh Hải.

Về mặt kinh tế, dịch tấn công thẳng vào khu vực kinh tế phía Nam - động lực sản xuất chính của đất nước, nơi tạo ra sản lượng hàng hoá rất lớn. Ứng xử của các địa phương với dịch lần này đã gây ra tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng bao gồm cả sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Về mặt sản xuất, khi TP.HCM và 19 tỉnh thành thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp gần như phải dừng sản xuất ngay lập tức. Chúng ta có tạo ra lối mở qua cơ chế "ba tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến". Tuy nhiên, áp dụng cơ chế này rất khó, đòi hỏi thời gian, chi phí, không phải doanh nghiệp nào cũng triển khai được.

Thậm chí, có doanh nghiệp áp dụng ba tại chỗ lại trở thành ổ dịch khiến rất nhiều công nhân ở lại nhà máy trở thành F0, doanh nghiệp lại phải tốn kém chi phí để xử lý. Những doanh nghiệp khác nhìn thấy như vậy cũng e dè. Ngay cả với doanh nghiệp tiếp tục duy trì ba tại chỗ, nhưng thiếu nguyên liệu, bán thành phẩm do các doanh nghiệp khác cung cấp nên đến một thời điểm việc sản xuất cũng phải lại dừng lại, không tạo ra được sản phẩm cuối cùng.

Về lưu thông, logistics, khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam áp dụng cách ly xã hội, việc lưu thông hàng hóa đã bị ách tắc, khó khăn. Cách đây 2 tuần, khi Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 thì cũng xảy ra vấn đề tương tự xảy ra. Điều này cho thấy chưa có sự chuẩn bị đầy đủ ở các địa phương và thiếu tính nhất quán trong áp dụng của các địa phương.

Các Bộ ngành đã vào cuộc tháo gỡ: tạo ra Luồng Xanh, cho phép mọi hàng hóa được lưu chuyển, chỉ trừ hàng hóa cấm hoặc hạn chế kinh doanh, thống nhất công nhận giá trị của test nhanh kháng nguyên, ... Nhưng khâu thực hiện có vấn đề. Vì ở địa phương, các đồng chí ở trạm, chốt kiểm soát thực hiện theo chỉ đạo cấp trên trực tiếp, mà nếu các cấp trên địa phương mà không quán triệt chủ trương của Trung ương thì việc lưu thông vẫn hết sức khó khăn.

“Thời điểm hiện nay cả khu vực phía Nam, Hà Nội vẫn đang áp dụng Chỉ thị 16, chưa dự báo được thời điểm nào sẽ dừng hay đưa ra mức giãn cách thấp hơn. Các doanh nghiệp bắt đầu lên tiếng vì từ khi áp dụng phong toả gần một tháng rồi, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp đến giới hạn.

Doanh nghiệp dừng sản xuất cũng ví như con người nín thở. Nín thở cũng có giới hạn, tuỳ từng người có thể lâu hay mau. Với cả nền kinh tế thì thời hạn nín thở đó là bao lâu, đến nay là một tháng rồi, liệu có thể chịu thêm 1 tuần, 2 tuần hay 1 tháng nữa không? Ngay lúc này phải đề ra một sách lược để thoát ra tình trạng này thế nào? Doanh nghiệp cần được sản xuất để duy trì sản lượng, duy trì lực lượng lao động thì chuỗi cung ứng mới phục hồi được”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Hải, cần có một giải pháp để cho phép các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại. Ví dụ, các doanh nghiệp phải bố trí quy trình sản xuất làm sao giãn cách tối đa, hạn chế tiếp xúc giữa các cá nhân và bộ phận trong quá trình sản xuất, đảm bảo các thiết bị phòng hộ cá nhân. Có thể không đạt 100% công suất nhưng đảm bảo các doanh nghiệp vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất. Cần có phương án kể cả ngay trường hợp có ca nhiễm thì cũng chỉ cách ly F0, F1 liên quan, còn các bộ phận khác vẫn được duy trì sản xuất. 

“Chính phủ nên nhìn nhận tính chất lâu dài của trận chiến lần này để đối phó với dịch bệnh. Các chuyên gia cũng cho biết ngay cả khi có vaccin thì cũng không thể giúp ta miễn nhiễm virus mà vaccin chỉ giúp giảm các ca nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Chúng ta cần đối mặt với tình huống đó để thấy dịch bệnh còn có thể kéo dài. Cần có sách lược để áp dụng với doanh nghiệp sản xuất, cho phép nới lỏng, tạo điều kiện cho sản xuất để đảm bảo mục tiêu kép - vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh tế”, ông Hải đề xuất.