15:00 01/04/2015

Grado, tai nghe hay được làm thủ công tại Mỹ

PV

Với những người đam mê âm thanh, Grado là cái tên không còn xa lạ nhờ lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển. Bắt đầu từ một công xưởng nhỏ tại Brooklyn (Mỹ), các tai nghe của Grado đều được sản xuất bằng tay cho đến tận ngày nay, dù là sản phẩm giá tầm 100 USD như SR80e hay các mẫu cao cấp chẳng hạn SR325e (300 USD).

Grado, tai nghe hay được làm thủ công tại Mỹ - Ảnh 1

Grado SR325e với củ tai kim loại thiết kế mở. The Prestige Series là dòng sản phẩm gắn liền với thành công của Grado, trong đó, SR325e là sản phẩm đầu bảng còn SR80e là mẫu tai nghe cho người mới bước vào cuộc chơi âm thanh. Ở mỗi phân khúc giá, thương hiệu tai nghe đến từ Mỹ đều nổi bật nhờ chất âm lôi cuốn và thiết kế "không lẫn vào đâu". Nét đặc trưng của Grado hiện hữu trên SR80e hay SR325e là thiết kế mở và phần củ tai tròn. Trong khi SR80e dùng chất liệu nhựa và chất lượng hoàn thiện còn hạn chế thì SR325e cao cấp hơn nhờ vỏ kim loại cộng với lớp lưới đan dày che lấy màng loa. Với thiết kế dạng mở, driver màu đỏ ở bên trong có thế được nhìn xuyên qua, cũng vì thế mà cách âm luôn là hạn chế trên hầu hết các tai nghe của Grado. Con trai nhà sáng lập thương hiệu Grado, John Grado từng nói: "Nếu không thích tai nghe dạng mở thì bạn nên tìm đến một nhãn hiệu khác". Vậy nên cái "hở" trở thành một phần "hơi thở" của các mẫu tai nghe Grado nhằm hạn chế cộng hưởng, vọng âm không mong muốn. Nó cũng giúp không gian âm thanh rộng mở hơn và tạo sự thoải mái cho người nghe, dù dùng trong thời gian dài. Dĩ nhiên với sản phẩm cao cấp là SR325e thì không gian thoáng đãng hơn so với SR80e và cũng ấn tượng hơn các tai nghe cùng tầm giá.

Grado, tai nghe hay được làm thủ công tại Mỹ - Ảnh 2

Driver màu đỏ bên trong Grado SR80e có thể nhìn rõ. Earcup của hai tai nghe này đều thiết kế dạng tròn với khớp nối xoay 360 độ khá đơn giản, song cho phép tùy chỉnh linh hoạt, dễ dàng. Pad của SR80e được làm phủ kín mặt trước màng loa, trong khi đó SR325e để hở, cả hai cho cảm giác đeo khá thoải mái nhưng thêm một lần nữa cách âm là hạn chế của sản phẩm này. Sự khác biệt về bộ đôi tai nghe tiếp tục được thể hiện ở headband. Grado SR325e được làm cứng cáp, chắc chắn với lõi kim loại bọc da và các đường chỉ may thủ công. Trong khi đó SR80e mỏng manh hơn, da không được chăm chút bằng và cũng chỉ là dập nổi thay cho đường may. Dây kết nối của cả hai tai nghe đều có kích thước khá lớn giúp truyền tín hiệu tốt đồng thời mang đến cảm giác chắc chắn và cao cấp. Khác biệt về thiết kế, Grado còn mang đến "đặc sản" về chất âm là dải trầm uy lực, ấm áp và khá gọn gàng. Trên SR325e, khả năng kiểm soát tốt khiến âm bass chắc và đánh gãy hơn, trong khi đó SR80e thiếu đi điều này mà thiên về lượng. Dù vậy, trong tầm giá dưới 3 triệu đồng thì không nhiều tai nghe có thể trình diễn ấn tượng như Grado SR80e. Hai sản phẩm dễ dàng làm hài lòng các tín đồ rock, dance hay những bản nhạc pop phối sôi động.

Grado, tai nghe hay được làm thủ công tại Mỹ - Ảnh 3

Dây kết nối to dài, chắc chắn trên các mẫu tai nghe Grado. Mức chênh lệch khoảng 3 lần tiền giữa SR325e và SR80e được thể hiện rõ hơn ở dải trung và dải cao. Khi đã "cảm" được cái trong trẻo, ngọt ngào và tách bạch trên SR325e thì quay sang SR80e sẽ là sự hụt hẫng không thể tránh khỏi. Grado SR80e có treble hơi gắt, âm trung kém nổi bật song với số tiền bỏ ra thì chất âm là hoàn toàn xứng đáng. Được cộng đồng chơi âm thanh đánh giá cao nhưng không phải ai cũng "ưa" được nét riêng của Grado. Nếu bạn hoài cổ thì không sao nhưng lại yêu nét hiện đại, thời trang thì chắc sẽ thốt lên: thể kỷ XXI rồi mà còn dùng tai nghe này sao? Đó là chưa kể đến dây kết nối làm to chẳng khác gì dây điện trong nhà, phụ kiện đi kèm không có gì hay đóng gói sản phẩm trông như chiếc hộp pizza.

Grado, tai nghe hay được làm thủ công tại Mỹ - Ảnh 4

Thế hệ Grado thứ ba, dòng "e", có cách đóng hộp gọn hơn song vẫn giữ nguyên sự đơn giản. Còn với những người thích thưởng thức tai nghe, họ dễ dàng chấp nhận được các hạn chế trên một sản phẩm truyền thống ba đời, đến từ Mỹ và cũng làm thủ công tại chính đây. Nếu thích sự "bụi bụi", yêu rock thì Grado có thể "hạ gục" bạn ngay từ lần thử đầu tiên. Tai nghe phù hợp để thưởng thức trong phòng kín, những nơi không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và cũng không sợ âm thanh thoát ra làm phiền người xung quanh. Tại Việt Nam, Grado SR80e có giá tham khảo khoảng 2,8 triệu đồng, còn SR325e khoảng 7,7 triệu đồng.

Theo Vnexpress