Hà Tĩnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân trước mưa lũ
Mưa lớn kéo dài liên tục, nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về khiến nhiều địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt...
Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến một số địa phương tại Hà Tĩnh bị ngập cục bộ, giao thông bị chia cắt, các phương tiện không thể di chuyển.
Cụ thể, tại huyện Hương Khê, mưa lớn kéo dài khiến nhiều xã trên địa bàn ngập cục bộ, mực nước đã lên mức báo động 2. Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả điều tiết vào lúc 2h chiều cùng ngày với lưu lượng xả 171 m3/giây, hiện xả điều tiết qua tràn với lưu lượng 393 m3/giây.
Theo đó, chiều cùng ngày tại Km 402+800 – 404+200 quốc lộ 15 (đoạn qua địa bàn xã Hà Linh, huyện Hương Khê) bị ngập sâu từ 80 - 90 cm, gây khó khăn cho phương tiện lưu thông.
Trước sự việc trên, cơ quan quản lý đường bộ cùng với lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh và chính quyền địa phương đã tiến hành điều tiết, hướng dẫn, phân luồng giao thông và dựng rào chắn, biển cảnh báo, hạn chế phương tiện qua lại.
Cũng tại xã Hà Linh, chiều tối 30/10, thông tin từ lãnh đạo xã cho biết, do nước lũ lên nhanh, 2 công dân trên địa bàn bị mất tích khi đang trên đường đi làm về. Hiện chính quyền và nhân dân địa phương đã tìm thấy 1 thi thể và đang tích cực tìm kiếm người còn lại.
Còn tại xã Lộc Yên, mưa lớn kéo dài khiến nước lũ dâng nhanh. Đến nay đã có trên 100 hộ dân bị nước ngập vào nhà, trong đó có những ngôi nhà bị nước ngập sâu hơn 1m.
Ngoài ra, mưa lớn đã làm một số cầu tràn tại các xã Hương Bình, Hương Xuân (huyện Hương Khê) bị ngập; một số tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Điền Mỹ (huyện Hương Khê) cũng bị ngập cục bộ.
Tại huyện Vũ Quang, khoảng 11h30 trưa cùng ngày, mực nước sông Ngàn Sâu đo được tại trạm Hòa Duyệt (xã Đức Liên) là 7,75 m (trên báo động I là 0,25 m), một số xã như: Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh bị ngập cục bộ, có những nơi ngập sâu. Các xã như: Đức Bồng, Đức Hương, Đức Lĩnh đang chủ động các phương án ứng phó, di dời dân, tài sản, nhất là vùng có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đối với những thôn bị cô lập, các địa phương cần kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn, tránh không để người dân thiếu lương thực, nước uống; cắm biển cảnh báo tại các khu vực tuyến đường giao thông bị ngập, đảm bảo an toàn trong mưa lũ.
Mưa lớn cũng đã gây ngập lụt tại nhiều địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), theo thống kê sơ bộ cho thấy, nước đã tràn vào nhà của gần 200 hộ dân ở các xã: Nhân Lộc, Khánh Vĩnh Yên, Trung Lộc, Sơn Lộc, Phú Lộc… làm đổ gần 350m tường rào của 9 nhà dân ở xã Phú Lộc, trạm y tế và khoảng 30m tường rào của Trường THCS Gia Hanh. Ngoài ra, một hồ nuôi trồng thủy sản của các hộ dân trên địa bàn bị tràn bờ, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Tối 30/10, chính quyền xã Sơn Lộc phối hợp lực lượng chức năng huyện Can Lộc cứu hộ thành công 9 công nhân đang thi công Dự án cao tốc Bắc – Nam (đoạn qua thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc) bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ.
Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền đầy đủ thông tin mưa lũ đến các địa phương, đơn vị và người dân được biết; đồng thời phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân chủ động phòng tránh.
Triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực trũng thấp để chủ động các phương án (di dời dân) khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông nếu không đảm bảo an toàn; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng cho khu vực đô thị, khu kinh tế.