17:53 03/10/2023

Kinh tế Hà Tĩnh 9 tháng qua: Du lịch "vượt đích", doanh nghiệp giải thể tăng cao

Nguyễn Thuấn

Trong 9 tháng năm 2023, một số ngành kinh tế của Hà Tĩnh vẫn giữ "phong độ" khi duy trì nhịp độ tăng trưởng như du lịch, sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn tỉnh này đang phải đối diện, khi tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm so với cùng kỳ năm trước...

Thành phố Hà Tĩnh
Thành phố Hà Tĩnh

Theo báo cáo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, tính đến hết tháng 9/2023, các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh đã đón hơn 2,9 triệu lượt khách, cao gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với con số trên, ngành du lịch Hà Tĩnh đạt 116% so với kế hoạch cả năm 2023, bởi mục tiêu của tỉnh này trong năm nay sẽ đón 2,5 triệu lượt khách.

Trong tổng hơn 2,9 triệu lượt khách đến Hà Tĩnh 9 tháng qua, số lượng khách lưu trú đạt hơn 751.000 lượt, đạt 150% so với kế hoạch cả năm, khách quốc tế đạt 11.254 lượt.

Cũng theo thông tin từ Cục thống kê Hà Tĩnh, tính chung 9 năm 2023, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước của tỉnh này đạt 5.659,98 tỷ đồng, tăng 27,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lưu trú ước đạt 228,16 tỷ đồng, tăng 19,55%, chỉ tính riêng quý III đạt 89,81 tỷ đồng đạt doanh thu cao nhất trong 3 quý và tăng 14,31% so với cùng kỳ; Ăn uống ước đạt 5.395,73 tỷ đồng, tăng 26,97% so với cùng kỳ năm trước trong đó quý III/2023 đạt 2.019,95 tỷ đồng tăng 9,14% so với quý trước và tăng đến 31,27% so với cùng kỳ.

Du lịch lữ hành và dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt của Hà Tĩnh 9 tháng qua đạt 36,09 tỷ đồng, tăng 176,54% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung hoạt động ăn uống ngoài gia đình vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất và tăng trưởng ổn định ở cả 3 quý, quyết định trực tiếp đến doanh thu cả khu vực dịch vụ này. Vì vậy, mặc dù đã gần như kết thúc mùa du lịch nhưng hoạt động dịch vụ của Hà Tĩnh vẫn tăng trưởng khá.

Biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh
Biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh

Đối với doanh thu dịch vụ khác của Hà Tĩnh ước đạt 3.136,91 tỷ đồng, tăng 11,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản tăng 8,29%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 19,21%; giáo dục đào tạo tăng 6,37%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 2,07%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 90,96%; dịch vụ khác tăng 1,66%. 

Trong 9 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt của Hà Tĩnh 43.398,22 tỷ đồng, tăng 14,13% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có mức tăng mạnh so với cùng kỳ cụ thể như: Lương thực, thực phẩm tăng 21,26% trong đó quý I tăng 28,61%; quý II tăng 20,81%; quý III tăng 15,40%; Nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 36,09% trong đó quý I tăng 26,11%; quý II tăng 58,60%; quý III tăng 29,33%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 36,89% trong đó quý I tăng 29,70%.

Có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm sâu là nhóm ô tô (giảm 30,67%) và phương tiện đi lại (giảm 42,76%) do đây là các mặt hàng xa xỉ có giá trị cao, khi thu nhập người đang phải gồng gánh các chi phí hàng hóa do giá ở mức cao thì việc mua sắm các mặt hàng có giá trị lớn dường như cũng hạn chế cộng với việc một lượng vốn lớn đang mắc tại thị trường bất động sản.

Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2023, Hà Tĩnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 15,22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 24,17%, quý II tăng 13,68% và quý III tăng 9,31%.

CHỈ SỐ CÔNG NGHIỆP TĂNG KHÁ

Theo số liệu công bố của Cục thông kê Hà Tĩnh, tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh này ước tăng 5,60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,50%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,83% (là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,51%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,25% so với cùng kỳ năm 2022.

Kinh tế Hà Tĩnh 9 tháng qua: Du lịch "vượt đích", doanh nghiệp giải thể tăng cao - Ảnh 1

Nguyên nhân dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung trong 9 tháng năm 2023 của Hà Tĩnh tăng khá là do trong quý III vừa qua, tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã đi vào hoạt động sau gần 2 năm tạm ngừng do sự cố, cùng với đó là nhà máy sản xuất Pin VinES đã đi vào hoạt động sẽ là hiệu ứng tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà. Tiếp đến là nhờ thị trường tiêu thụ ổn định đã tạo thuận lợi cho ngành sản xuất thép, sợi, bia..vv đã tăng lượng sản xuất trở lại. Thêm nữa, một số ngành sản xuất khai khoáng, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao) đã được cấp phép đi vào hoạt động phục vụ đường cao tốc Bắc - Nam là những động lực không nhỏ cho tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp.

GẦN 160 DOANH NGHIỆP GIẢI THỂ 

Tính từ đầu năm đến ngày 18/9/2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh thành lập mới 875 doanh nghiệp, giảm 16,98% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký đạt 3.573 tỷ đồng, giảm 48,58% so cùng kỳ năm trước, vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 4,08 tỷ đồng, giảm 38,06% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại sau khi tạm ngừng 282 doanh nghiệp (giảm 9,03% so với cùng kỳ).

Song song với số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trong 9 tháng vừa qua, toàn tỉnh này có tới 157 doanh nghiệp giải thể (tăng 28,69% so với cùng kỳ năm 2022), 471 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 22,98% so với cùng kỳ).

Đối với tình hình vốn đầu tư, tính chung 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh ước đạt 36.352,56 tỷ đồng, tăng 33,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở nguồn vốn đầu trực tiếp từ nước ngoài ước đạt 12.723,80 tỷ đồng, chiếm 35% tổng vốn tăng 5.848,91 tỷ đồng (tăng 85,08%) so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu, dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 đẩy nhanh tiến độ so với cùng kỳ năm trước, giá trị thực hiện ước đạt 10.864 tỷ đồng. Bên cạnh đó nguồn vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.491,27 tỷ đồng, chiếm 23,36% tổng vốn, tăng 3.269,28 tỷ đồng (tăng 62,61%) so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư các thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh ước đạt 4.108 tỷ đồng.

Kinh tế Hà Tĩnh 9 tháng qua: Du lịch "vượt đích", doanh nghiệp giải thể tăng cao - Ảnh 2

Tiếp đến, tình hình xuất, nhập khẩu tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 9 và quý III/2023 chuyển dịch theo hướng hợp lý khi tăng xuất khẩu và giảm dần nhập khẩu. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch vẫn đạt 4.784 triệu USD tăng 15,40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: xuất khẩu tăng 58,11% trong khi nhập khẩu giảm 4,09%.

Cụ thể, đối với kim ngạch xuất khẩu, tính chung 9 tháng năm 2023, Hà Tĩnh ước đạt hơn 2.054 triệu USD, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều có kim ngạch tăng đóng góp vào mức tăng chung 58,11% của xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu thép, phôi thép ước đạt 1.894,7 triệu USD tăng 67,19%.

Thị trường xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các loại tiếp tục gặp khó khăn từ tình hình thế giới, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 17,38% (tương ứng giảm hơn 1,6 triệu USD) mặc dù đã có những giải pháp được triển khai nhưng việc giảm nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản không nhỏ tới việc phát triển nhóm hàng này trong tương lai.

Kinh tế Hà Tĩnh 9 tháng qua: Du lịch "vượt đích", doanh nghiệp giải thể tăng cao - Ảnh 3

Còn đối với kim ngạch nhập khẩu, trong 9 tháng qua, tỉnh này ước đạt 2.730,6 triệu USD, giảm 4,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất Formosa đạt 2.044,4 triệu USD (chiếm 74,87%) giảm 17,31% so với cùng kỳ năm trước.