Hà Tĩnh "thấp thỏm" vì xuất nhập khẩu thấp, thu ngân sách chưa như kỳ vọng
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh 10 tháng năm 2023 ước đạt hơn 14.000 tỷ đồng, mới chỉ đạt 74% dự toán và bằng 91% cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do thu xuất nhập khẩu của tỉnh này đạt thấp so với dự toán, cùng với đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn...
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 10 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2023; triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2023 của tỉnh Hà Tĩnh đạt những kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: Công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất 10 tháng ước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng ước đạt 48.500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Tĩnh 10 tháng ước đạt 14.050 tỷ đồng, đạt 74% dự toán, bằng 91% cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 7.150 tỷ đồng, đạt 89% dự toán, bằng 99% cùng kỳ (thu tiền đất ước đạt 1.620 tỷ đồng, đạt 90% dự toán, bằng 65% cùng kỳ; thu thuế phí ước đạt 5.530 tỷ đồng, đạt 89% dự toán, bằng 116% cùng kỳ); thu xuất nhập khẩu ước đạt 6.900 tỷ đồng, đạt 63% dự toán, bằng 85% cùng kỳ.
Nguyên nhân, thu ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu do thu xuất nhập khẩu còn đạt thấp so với dự toán, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung còn gặp khó khăn, một số chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế khối lượng giải ngân đạt thấp.
Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn đang chịu nhiều ảnh hưởng, tác động do tuyến Quốc lộ 8 phía nước bạn Lào bị sạt lở nghiêm trọng từ đầu tháng 8 đến nay vẫn chưa khắc phục hoàn thành.
Giải ngân đầu tư công đến ngày 25/10, Hà Tĩnh đạt 6.404/11.299 tỷ đồng, bằng 72,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 56,7% kế hoạch tỉnh giao.
Trong 10 tháng toàn tỉnh Hà Tĩnh thành lập mới 1.005 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký gần 4.700 tỷ đồng; chấp thuận 14 dự án đầu tư trong nước tổng vốn 1.700 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn 70 triệu USD. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam được tập trung chỉ đạo. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt 97,7%. Công tác quản lý lĩnh vực xây dựng, tài nguyên môi trường được tăng cường.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu, trong những tháng cuối năm, các sở, ban, ngành, địa phương rà soát các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những chỉ tiêu còn đạt thấp để tập trung thực hiện, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc về hạ tầng khu công công nghiệp, đẩy nhanh triển khai các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư; tập trung nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, xử lý các vấn đề tồn đọng, cải cách hành chính; quản lý tốt về giá cả vật liệu xây dựng; đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông và chuẩn bị tốt về giống, vật tư cho vụ xuân; đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp cuối năm, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, tăng cường công tác quản lý thị trường trong dịp Tết.