Hải Phòng phát triển ba trụ cột kinh tế giữ đà tăng trưởng 2 con số - Ảnh 1
Hải Phòng phát triển ba trụ cột kinh tế giữ đà tăng trưởng 2 con số - Ảnh 2

Thu ngân sách trên địa bàn Hải Phòng năm 2023 đạt hơn 102 tỷ đồng, trong đó nguồn thu nội địa đạt dự toán Hội đồng Nhân dân giao nhưng số thu hải quan chưa đạt, theo ông vì sao thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chưa đạt hiệu quả như dự toán được giao?

Năm 2023, một năm được đánh giá có nhiều khó khăn, thách thức, xuất hiện nhiều yếu tố mới chưa từng có tiền lệ đã ảnh hưởng đến nền kinh tế cả nước nói chung, Thành phố Hải Phòng nói riêng. Mặc dù vậy, kinh tế - xã hội thành phố vẫn tiếp tục phát triển và thuộc tốp đầu của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 103.619 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt hơn 43.466 tỷ đồng, vượt trên 38,7% dự toán Trung ương giao và bằng 102,3% kế hoạch năm 2023. Kết quả thu ngân sách của Hải Phòng là sự nỗ lực cao của thành phố trong bối cảnh khó khăn chung nền kinh tế trong nước và quốc tế năm qua.

Số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bị sụt giảm, điều này cũng xuất phát từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới và khu vực. Kinh tế thế giới bất ổn làm gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng sản xuất. Lạm phát, biến động giá xăng dầu thế giới làm chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá cước vận tải quốc tế cũng tăng khiến cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều thách thức. Một số doanh nghiệp phải giãn tiến độ sản xuất, giảm nhập khẩu nguyên vật liệu, điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.

Một số ngành dịch vụ như du lịch, logistics và vận tải… chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế phát triển của mình. Các tác động từ chính sách thuế như việc thực hiện Hiệp định FTA, áp dụng biện pháp thuế tự vệ, chống bán phá giá đối với một số mặt hàng đường, thép, phân bón, nhôm, nhựa dẫn đến kim ngạch các mặt hàng này giảm mạnh. Mặt khác, các chính sách ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô, giảm thuế giá trị gia tăng đã tác động làm giảm nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến nguồn thu.

Hải Phòng phát triển ba trụ cột kinh tế giữ đà tăng trưởng 2 con số - Ảnh 3

Môi trường đầu tư kinh doanh giữ vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, Hải Phòng đã làm những gì để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhà đầu tư đến với thành phố cảng?

Trong những năm gần đây, Hải Phòng đã luôn cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Năm 2022, Hải Phòng có chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 toàn quốc. Chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp trong nhóm 15 tỉnh, thành phố.

Về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương, đến nay, 100% hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới, thay đổi qua mạng, 100% doanh nghiệp khai thuế điện tử, trên 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; triển khai thành công hóa đơn điện tử đối với hơn 21.000 tổ chức, doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ kinh doanh, 100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để kê khai thuế, hơn 99% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử… Hải Phòng còn thành lập các Tổ công tác nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, nút thắt trong cơ chế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Hải Phòng phát triển ba trụ cột kinh tế giữ đà tăng trưởng 2 con số - Ảnh 4

Đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đã được Hải Phòng triển khai rất mạnh trong nhiều năm qua, việc đầu tư hạ tầng đúng hướng  tạo cho Hải Phòng sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư, thưa ông?

Hải Phòng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội, gồm hàng loạt dự án như: Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10, Dự án tuyến đường nối từ đường tỉnh 354 qua KCN Kiến Thụy đến đường bộ ven biển, dự án tuyến đường từ đường bộ ven biển đến ngã 3 Vạn Bún (quận Đồ Sơn), dự án nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển, dự án cải tạo đường 359 từ xã Thủy Triều đến đường trục giao thông khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng, dự án đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình, dự án cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), dự án nút giao khác mức tại ngã tư Cơ Điện…

Cùng với hệ thống đường bộ, hệ thống cảng biển, hàng không cũng được đẩy mạnh đầu tư giúp cho Hải Phòng là địa phương có đủ năm phương thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Nhờ đó việc vận tải hàng hóa qua cảng thuận lợi, ngày càng thu hút nhà đầu tư đến với Hải Phòng.

Hải Phòng phát triển ba trụ cột kinh tế giữ đà tăng trưởng 2 con số - Ảnh 5

Năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, Hải Phòng sẽ tập trung vào những lĩnh vực và đưa ra các giải pháp gì để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng và phát triển của thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc?

Năm 2024, Hải Phòng đề ra mục tiêu tốc độ tăng trường GRDP tăng 11,5-12% (giá so sánh 2010), chỉ số công nghiệp tăng khoảng 15%, thu ngân sách đạt hơn 106.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 45.000 tỷ đồng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng 190 triệu tấn, thu hút vốn FDI từ 2,0-2,5 tỷ USD, thu hút trên 9,1 triệu lượt khách…

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Hải Phòng phải thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp  quan trọng nhất là mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu công nghiệp – công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch – thương mại.

Cùng với đó, Hải Phòng sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN Tiên Thanh, KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và khu phi thuế quan Xuân Cầu, các cụm công nghiêp Giang Biên, Tiên Cường II, Đại Thắng… Chúng tôi sẽ chủ động xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, nghiên cứu đề xuất đề án thành lập Khu thương mại tự do trong khu kinh tế phía Nam Hải Phòng.

Hải Phòng phát triển ba trụ cột kinh tế giữ đà tăng trưởng 2 con số - Ảnh 6

Đối với trụ cột cảng biển – logistics, Hải Phòng đốc thúc nhà đầu tư hoàn thành xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 cảng quốc tế Lạch Huyện trong năm 2024 để xây dựng các trung tâm logistics mới theo quy hoạch. Nghiên cứu các thủ tục đầu tư xây dựng các bến khởi động của cảng Nam Đồ Sơn, các bến cảng khu vực sông Văn Úc, lập hồ sơ xây dựng tuyến đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2, phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng mới.

Trụ cột du lịch – thương mại sẽ được đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng du lịch như tuyến cáp treo 1 dây Phù Long – Cát Bà, sân golf Xuân Đán, khu đô thị, du lịch, dịch vụ khoáng nóng Xuân Đán, khu bến tàu và công trình phục vụ du lịch Cái Bèo trên địa bàn huyện Cát Hải để đưa du lịch Cát Hải – Đồ Sơn phát huy được tiềm năng, lợi thế Di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà – Vịnh Hạ Long.

Cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách để ngày càng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều hành có hiệu quả dự toán ngân sách, tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt nền kinh tế, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Hải Phòng phát triển ba trụ cột kinh tế giữ đà tăng trưởng 2 con số - Ảnh 7

VnEconomy 08/02/2024 08:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam