17:37 06/09/2018

Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên

Tường Bách

Hồ Inle không chỉ là một vùng sông nước hoang sơ tuyệt đẹp, mà còn là nơi sinh sống từ ngàn năm nay của tộc người Inthar (một dân tộc thiểu số của Myanmar). Inthar theo tiếng Myanamar có nghĩa là "người sống trên hồ".


Inle không có nhiều điểm lẻ tẻ để đi, tất cả đều nằm quanh hồ. Điển hình trong đó như là các khu làng trồng hoa, làm xì gà, làng của người cao cổ Pa – O hay là cả làng làm đồ trang sức hay mỹ nghệ,... Ngoài ra bạn còn có thể lui đến những ngôi chùa lớn Phaung Daw Oo hay là những tu viện. Còn khi đã rời thuyền lên bờ, bạn có thể đạp xe dạo vòng quanh Nyaungshwe để thăm thú cuộc sống người địa phương, thăm tu viện Shwe Yan Bye, hay lên núi thưởng thức rượu vang. Đó thực sự là trải nghiệm dễ chịu và đáng nhớ.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 1.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 2.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 3.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 4.
Tất nhiên, đến với hồ Inle thì điều mà chúng ta mong được ngắm nhìn nhất chính là cảnh sắc tươi đẹp và thơ mộng của hồ. Ở Myanmar, thời tiết chia làm 3 mùa: mùa lạnh (tháng 11 đến tháng 2 năm sau), tháng 3 đến tháng 5 là mùa nóng, từ tháng 6 đến hết tháng 10 là mùa mưa. Nhưng dù là mùa nào, khí hậu ở Inle đều trong lành và dễ chịu. Để có thể khám phá được hết vẻ đẹp của hồ nước này thì bạn nên thuê cho mình một chiếc thuyền máy. Phí thuê thuyền có mức giá tầm khoảng 15.000 Kyats, quy ra tiền Việt Nam đó là 300.000 đồng. Mỗi chiếc thuyền có thể chở tối đa được 5 người, có cả 2 chiếc ô dùng để che mưa, che nắng.Đúng như tên gọi, người dân Inthar hoàn toàn sinh sống trên mặt hồ. Họ xây dựng nhà cửa và các công trình kiến trúc trên hồ. Sáng kiến được coi là vĩ đại của người Inthar chính là việc họ tiến hành trồng trọt các loại cây trồng trên mặt nước bằng cách tạo nên các bè nổi từ những xác bèo, xác rong rêu và cố định bằng những cây tre cắm xuống lòng hồ. Như vậy, những "cánh đồng nổi" này sẽ nổi lên và hạ xuống theo mực nước trong hồ.Cây trồng phổ biến nhất của người Inthar là cây cà chua, cà chua được trồng trên hồ Inle là một đặc sản của nơi này. Người dân Myanmar thường truyền miệng câu "đến Inle mà chưa ăn salad cà chua ở đây coi như chưa từng đến Inle". Khi con gái đến tuổi lấy chồng, cha mẹ thường cắt cho một vài bè nổi để con gái làm của hồi môn, sống ở đâu thì đẩy bè đến đó mà canh tác trồng trọt, sinh nhai. Ngoài trồng trọt, người Inthar còn sống vào nguồn thủy sản đánh bắt được trong hồ.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 5.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 6.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 7.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 8.
Gây ấn tượng mạnh với du khách cũng như các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chính là phương pháp đánh bắt cá này đây: những người đàn ông chèo thuyền bằng một chân. Họ kẹp chân còn lại vào một chiếc lồng. Chiếc lồng này sẽ được giơ lên cao và hạ xuống nước. Một màng lưới mỏng quanh lồng giúp cá không thể thoát ra ngoài. Vài người đập mạnh mái chèo xuống nước để xua đàn cá đến những hàng lưới giăng sẵn. Phương pháp đánh bắt cá truyền thống được cho là an toàn với hệ thống sinh thái của hồ. Ngư dân thường đánh bắt cá từ sáng sớm tinh mơ, hơi sương bốc hơi lên từ mặt hồ, ánh ban mai làm quang cảnh hồ đẹp như bức tranh thủy mặc. Khi nhìn thấy khách du lịch, một số ngư dân biết cách làm du lịch đã tìm những nơi có ánh sáng đẹp, đứng trình diễn bắt cá cho khách du lịch chụp ảnh và lấy tiền công. Và thế là chúng ta đã có vô vàn những bức ảnh đẹp để ngắm, những người đánh cá giống như múa bale trên hồ.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 9.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 10.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 11.
Trong lúc thuyền đi loanh quanh, bạn có thể lặng ngắm những ngôi nhà gỗ, giống như nhà sàn, chống bằng những chiếc que mong manh trên hồ. Những mảnh gỗ bạc màu, sơn xanh đỏ, vàng, trước cửa thường có những chậu hoa khá dịu mát. Người dân ở đây đi chợ, đi chùa cũng bằng thuyền. Những ngôi chùa ven mặt nước tuyệt đẹp và tĩnh lặng. Một vẻ đẹp hoang sơ trên sông nước, dưới bóng nắng, mây xanh và khung cảnh như bị lãng quên trong chốc lát.Có tới 17 ngôi làng trên hồ Inle, với những nghề thủ công truyền thống như làm bạc, dệt tơ sen, làng phụ nữ cổ dài, đóng thuyền, làm giấy, cuốn thuốc, thủ công mỹ nghệ, đúc đồng, sắt… Trong đó, đáng chú ý nhất là những người phụ nữ của bộ lạc Kayan nổi tiếng với những chiếc vòng cổ được làm bằng dây đồng nặng gần chục kg, quấn xung quanh cổ khiến cho cổ dài ra một cách bất thường. Ngay trong ngày, một lựa chọn hết sức thú vị là tham quan các khu chợ nổi diễn ra ngay trên hồ, chợ thường họp 5 ngày một lần và địa điểm tập trung thường không cố định.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 12.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 13.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 14.
Hồ Inle – như một thế giới cổ xưa bị lãng quên - Ảnh 15.
Nếu đã đi khắp các ngõ ngách của hồ Inle, bạn không thể nào bỏ lỡ dịp ngắm mặt trời lặn ấn tượng. Một vầng sáng cam từ góc trời dần dần lặn xuống, làm sáng rực rỡ cả một góc trời, khung cảnh trở nên lung linh huyền ảo. Hãy mang chút đồ ăn với những bản nhạc, tận hưởng những giây phút rực rỡ đó với bạn bè. Đó chắc chắn là một kỷ niệm khó quên.
Kinh nghiệm bỏ túi:- Phương tiện đơn giản và phổ biến nhất để đi từ các thành phố khác của Myanmar như Yangon, Mandalay đến Inle là xe bus đường dài.- Đến thăm hồ Inle, khách du lịch thường hay ở trong thị trấn Nyaungshwe, nơi tập trung khá nhiều khách sạn, nhà nghỉ tầm trung giá cả hợp lý.- Thời điểm bắt đầu tham quan hồ tốt nhất là 5h30. Nhiệt độ lúc này khoảng 15 độ C, hơi lạnh, nhưng khi mặt trời bắt đầu nhô lên, những tia nắng đầu tiên rọi vào hơi sương tạo thành thứ ánh sáng lấp lánh, đẹp đến lạ kỳ.