07:58 11/04/2025

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững

Hồng Minh

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 9/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...

Dự án cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ có tổng chiều dài 188 km - Ảnh minh họa.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ có tổng chiều dài 188 km - Ảnh minh họa.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188,2km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành phố, quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe. Tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập: Dự án thành phần 1 do tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 57km; Dự án thành phần 2 do TP. Cần Thơ làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 37,4km; Dự án thành phần 3 do tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 6,7km; Dự án thành phần 4 do tỉnh Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 58,4 km.

Theo Thông báo 169, việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, giúp cho hoạt động giao thông và logictics tốt hơn, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh phía Nam và cả nước. Đây là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố có dự án đi qua.

“Việc quyết liệt triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, tiến tới hoàn thành khoảng 600km đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2021 - 2026, làm tiền đề để tiếp tục đầu tư xây dựng khoảng 600km đường cao tốc ở khu vực này trong giai đoạn 2026-2030, góp phần tích cực trong việc hoàn thành 3.000km đường cao tốc của cả nước vào năm 2030”, Thông báo 169 nêu rõ.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nói riêng còn chậm chạp. Mặc dù đã nỗ lực để từng bước giải quyết khó khăn về vật liệu san lấp nhưng việc giải quyết chưa quyết liệt, chưa triệt để, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, đặc biệt là đối với các dự án thành phần 2, 3, 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang chậm tiến độ.

Để thúc đẩy tiến độ các dự án trong thời gian tới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành Dự án vào tháng 7/2026, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; các bộ, ngành, đơn vị phải tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động hơn, linh hoạt hơn, vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tất cả vì sự nghiệp chung, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai các dự án.

Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Cần Thơ và UBND tỉnh Sóc Trăng giải quyết dứt điểm toàn bộ mặt bằng để bàn giao cho dự án thuộc phạm vi quản lý trước ngày 15/4; Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Chi nhánh điện tại khu vực có Dự án đi qua thực hiện di dời ngay các công trình hạ tầng điện cao thế để bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 4.

Về vật liệu xây dựng, các địa phương Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng trực tiếp làm việc với lãnh đạo các địa phương có nguồn vật liệu san lấp để hỗ trợ cung ứng vật liệu cho các dự án thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, các Ban quản lý dự án phối hợp, hỗ trợ nhà thầu chủ động, năng động tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn vật liệu xây dựng theo đúng cam kết trong hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư để bù đắp sự thiếu hụt về công suất khai thác các mỏ; bảo đảm cung ứng toàn bộ vật liệu đáp ứng yêu cầu công tác gia tải trước ngày 31/8.

Về công tác thi công, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tranh thủ việc khơi thông nguồn vật liệu san lấp và điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để bù đắp tiến độ trong thời gian qua, quyết tâm làm việc; huy động thêm các nhà thầu đủ năng lực điều kiện thi công theo quy định để hỗ trợ thi công theo đúng tiến độ, chất lượng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Xây dựng làm việc ngay với các nhà thầu, đơn vị tư vấn về giải pháp thi công, xử lý lún để nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, phấn đấu hoàn thành Dự án trong tháng 7/2026;

Đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương huy động nhân lực, máy móc thiết bị hỗ trợ tối đa cho các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, không để thiếu vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu san lấp đắp nền đường, không để dự án chậm tiến độ.