17:24 28/09/2022

Khẩn trương chuyển đổi mô hình, vận hành Cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1/10

Anh Tú

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang khẩn trương chuyển đổi mô hình hoạt động, để Cục Đường bộ Việt Nam chính thức vận hành từ ngày 1/10 tới đây. Trước mắt, 320 cán bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được bổ nhiệm trong bộ máy mới của Cục Đường bộ Việt Nam...

Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có 14 đầu mối.
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có 14 đầu mối.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký Quyết định số 1218/QĐ-BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam.

Cũng trong ngày 28/9, Bộ trưởng cũng ký một loạt quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các khu quản lý đường bộ trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam.

CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM CÓ 14 ĐẦU MỐI

Quyết định số 1218 nêu rõ về vị trí và chức năng, Cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước, trừ chức năng giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Cục Đường bộ Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Cục Đường bộ Việt Nam có tên giao dịch bằng tiếng Anh: Department for Roads of Viet Nam (viết tắt là DRVN).  

Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đầu mối bao gồm: 7 phòng ( Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Pháp chế - Thanh tra; Phòng Kế hoạch - Đầu tư; Phòng Tài chính; Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế); 1 Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ, 4 khu (Khu Quản lý đường bộ: I, II, III, IV); 1 trường cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ và 1 trung tâm Kỹ thuật đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải cũng vừa tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc chuyển đổi chức vụ lãnh đạo đối với ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam sang Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng, Phan Thị Thu Hiền, Nguyễn Xuân Ảnh sang Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, kể từ ngày 01/10/2022.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương chuyển đổi mô hình hoạt động đầy đủ, đúng quy định để Cục Đường bộ Việt Nam đi vào hoạt động từ ngày 1/10 tới đây, trên tinh thần khách quan để ổn định cơ cấu tổ chức, ổn định tư tưởng cho cán bộ, viên chức, công chức.

Cục đường bộ Việt Nam cần tiếp tục khẳng định vai trò của ngành đường bộ trong xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi toàn bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về Cục Đường bộ Việt Nam, có 320 cán bộ đang được thực hiện quy trình bổ nhiệm. Trong đó, 105 quyết định thuộc thẩm quyền của Cục trưởng.

Sau khi rà soát chuyển đổi Tổng cục Đường bộ Việt Nam có 19 vị trí dôi dư. Thực hiện các quy định hiện hành, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ sắp xếp các vị trí nhân sự dôi dư trong 3 năm tới.

16 NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CHÍNH

Quyết định số 1218 cũng đề cập rõ 16 nhiệm vụ của Cục Đường bộ Việt Nam.

Cụ thể, thứ nhất, Cục Đường bộ Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách và các văn bản khác về giao thông vận tải đường bộ; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn, hàng năm, chương trình, đề án phát triển giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước.

Thứ hai, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc) trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố; tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành.

Thứ ba, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc).

Thứ tư, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc).

Thứ năm, về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam có nhiệm vụ  xây dựng trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, cơ chế tạo vốn và các nguồn lực để xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trừ nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam).

Thứ sáu, xây dựng trình Bộ trưởng quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống quốc lộ; quy định việc đấu nối vào quốc lộ, thẩm định an toàn giao thông đường bộ, tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ, báo hiệu đường bộ, tốc độ xe, việc đặt biển báo tốc độ, tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe.

Thứ bảy, thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư, nhiệm vụ của chủ đầu tư, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng các dự án đầu tư xây dựng đường bộ (trừ đường bộ cao tốc) theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

Thứ tám, tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên quốc lộ.

Thứ chín, hướng dẫn công tác quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ; tổng hợp tình hình phát triển các hệ thống đường bộ trong phạm vi cả nước.

Thứ mười, xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường quốc lộ.

Mười một, phối hợp với cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ...

Mười hai, chủ trì, phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam tổ chức quản lý, bảo trì; trực tiếp tổ chức khai thác các tuyến đường bộ cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật (trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam).

Mười ba, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quyết định đầu tư, cơ quan ký kết hợp đồng khai thác, cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải đối với công trình kinh doanh, dịch vụ, khai thác đường quốc lộ, dự án xã hội hóa theo phân công, phân cấp, ủy quyền (trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam).

Mười bốn, Cục Đường bộ Việt Nam cũng có nhiệm vụ quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trừ phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh); quản lý vận tải đường bộ; đảm bảo an toàn giao thông đường bộ: bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc).

Mười lăm, Cục Đường bộ Việt Nam còn thực hiện hợp tác quốc tế về giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc) theo phân cấp, uỷ quyền của Bộ trưởng; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc); xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu, bảo đảm dịch vụ thông tin phục vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.

Mười sáu, quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng; thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao và theo quy định của pháp luật...