14:09 20/09/2022

Kiểm soát chặt đầu mối giao thông tại các địa bàn "nóng" về buôn lậu

Anh Tú

Các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa trên hàng loạt tỉnh, thành là địa điểm "nóng" để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại. Trước thực tế này, toàn ngành giao thông vận tải sẽ tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông...

Quản lý chặt chẽ các đầu mối giao thông để ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Quản lý chặt chẽ các đầu mối giao thông để ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Văn bản số 9556/BGTVT-VT gửi: Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Các Cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam; Các Tổng công ty: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Vận tải thủy, Đường sắt Việt Nam; Đường sông Miền Nam; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng về việc quán triệt, tổ chức thực hiện Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.

Trước đó, ngày 13/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh-Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia ký ban hành Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa (Kế hoạch 92).

Những năm gần đây, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp.

Sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.

 

"Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Theo đó, các mặt hàng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ yếu gồm: hàng tiêu dùng, thiết yếu như xăng dầu, khoáng sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gỗ và sản phẩm từ gỗ, vật tư nông nghiệp, sản phẩm và nguyên liệu sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế, sản phẩm và nguyên liệu may mặc, sắt, thép, vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ, rượu, bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo và các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã.

"Nổi lên là các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang...", Kế hoạch 92 nêu rõ.

Do đó, để góp phần đảm bảo ổn định thị trường trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và chủ động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; thưc hiện kế hoạch 92, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt, phổ biến nội dung của kế hoạch 92 bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

Các đơn vị trực thuộc bộ cần phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) và các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; kiên quyết từ chối vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

Thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển tại đơn vị mình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả.