VCCI đề xuất bổ sung phương án tổ chức giao thông vào hợp đồng PPP, tránh gây bất lợi cho dự án
VCCI lưu ý việc thay đổi phương án tổ chức giao thông có thể gây bất lợi cho các dự án cao tốc thu phí sử dụng đường bộ. Vì vậy, cần bổ sung nội dung này vào hợp đồng PPP...
Sau khi tham vấn ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra góp ý với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.
Nghị định này quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường ô tô cao tốc bao gồm: tổ chức giao thông trên đường cao tốc, điều hành giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, bảo trì công trình đường cao tốc, xử lý sự cố, tai nạn xảy ra trên đường cao tốc, công tác cứu nạn, cứu hộ, trách nhiệm quản lý và bảo vệ công trình, đường cao tốc.
"Dự thảo Nghị định sửa đổi của Chính phủ giúp cho việc quản lý nhà nước về đường bộ cao tốc được thuận lợi, tạo cơ sở để tăng cường tính hiệu quả trong việc khai thác, vận hành và bảo trì công trình đường cao tốc, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn", Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận.
Thứ nhất, góp ý về việc xây dựng phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc, VCCI cho biết quy định về việc lập phương án tổ chức giao thông đường cao tốc được nêu tại Điều 6 của dự thảo.
Theo Điều 6 Nghị định số 32 hiện hành, việc phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý thuộc nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải.
Còn dự thảo "trao quyền" cho UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án tổ chức giao thông, bao gồm các trường hợp đặc biệt trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc tổ chức khai thác, bảo trì và việc thực hiện phương án tổ chức giao thông đối với các đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Về vấn đề này, VCCI nhìn nhận: "Đối với các dự án giao thông có thu phí sử dụng đường bộ, phương án tổ chức giao thông, trên chính con đường đó và đường có liên quan là một trong những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng xe và doanh thu của dự án. Nhiều trường hợp, nội dung này được đưa vào trong hợp đồng đối tác công tư nhằm giảm rủi ro của dự án".
"Nếu cơ quan nhà nước thay đổi phương án tổ chức giao thông so với nội dung trong hợp đồng gây bất lợi cho dự án thì có thể coi là hành vi vi phạm hợp đồng. Các bên sẽ phải đàm phán để điều chỉnh hợp đồng, thậm chí có thể phát sinh tranh chấp phải giải quyết bằng trọng tài hoặc toà án", VCCI khẳng định.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định: đối với trường hợp hợp đồng đối tác công tư đã có nội dung về tổ chức giao thông thì phương án tổ chức giao thông phải phù hợp với nội dung của hợp đồng.
Thứ hai, dự thảo bổ sung quy định về việc thu thập và chia sẻ thông tin giao thông về một đầu mối là Trung tâm quản lý điều hành giao thông quốc gia.
VCCI đánh giá việc tập trung hoá dữ liệu là hết sức cần thiết, giúp tăng khả năng sử dụng thông tin cho việc ra quyết định, không chỉ đối với cơ quan nhà nước mà cả đối với người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, dự thảo mới chỉ quy định việc cung cấp thông tin cho cảnh sát giao thông, VOV giao thông và các phương tiện truyền thông.
Nhằm tận dụng tốt hơn tài nguyên dữ liệu này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án công bố thông tin giao thông trên dưới dạng dữ liệu mở, theo quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP.
"Dữ liệu này có thể giúp ích rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, ví dụ như các doanh nghiệp có thể biết được lưu lượng xe để xác định nhu cầu thị trường lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; hoặc lập kế hoạch vận tải tối ưu, tránh được các khung giờ thường ùn tắc giao thông", VCCI lý giải.