Thưa Bộ trưởng, mới đây Chính phủ đã quyết nghị thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là dấu mốc quan trọng đối với việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia - quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc thông qua lần này?
Việc Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia ngày 09/01/2023 ghi dấu mốc quan trọng đối với công tác quy hoạch của nước ta.
Lần đầu tiên, chúng ta có một quy hoạch tổng thể quốc gia - văn bản chính sách định hình không gian phát triển của đất nước qua các giai đoạn. Lâu nay, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các định hướng phát triển, như: các lĩnh vực sẽ phát triển theo hướng nào, ưu tiên là gì. Văn bản cao nhất về các định hướng phát triển như vậy ở tầm quốc gia là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm được thông qua tại các kỳ Đại hội Đảng.
Trong khi đó, vấn đề về tổ chức không gian phát triển tuy cũng đã được đặt ra nhưng chưa thực sự được nhìn nhận một cách toàn diện trên phạm vi cả nước và xuyên suốt giữa các ngành để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ. Cho đến nay, không gian phát triển ở cấp quốc gia quy định phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội gắn với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng trước đây.
Tuy nhiên, các quy hoạch vùng trước đây đã được lập cũng thiếu sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Có thể nói, một vấn đề lớn trong giai đoạn vừa qua là chúng ta chưa xác định được rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước dẫn tới việc bố trí, phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư tại các vùng và địa phương chưa được thực hiện theo một định hướng xuyên suốt và tầm nhìn dài hạn.
Với việc Quy hoạch tổng thể quốc gia - quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch quốc gia được thông qua, để chúng ta nhìn nhận, đánh giá, điều chỉnh các vấn đề về tổ chức không gian phát triển đảm bảo sự thống nhất.
Làm việc gì cũng có bước khởi đầu, như Hàn Quốc có Quy hoạch tổng thể lãnh thổ quốc gia (CNTP) đầu tiên vào năm 1972, đến nay họ đã xây dựng CNTP lần thứ 5 cho giai đoạn 2020-2040. Hay Malaysia từ Quy hoạch vật thể quốc gia (NPP) lần thứ nhất năm 2005 đến nay đã có NPP 4.
Với Việt Nam, bước khởi đầu này là cần thiết để chúng ta bắt tay vào giải quyết các điểm nghẽn lớn về mặt không gian phát triển của đất nước. Ở Quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên này, chúng tôi xác định điều quan trọng nhất là xác lập tư duy về phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Thời gian vừa qua, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng các chính sách đưa ra vẫn còn tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, các vùng, các khu vực ưu tiên phát triển.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định trong điều kiện của nước ta hiện nay khi mà các nguồn lực dành cho phát triển có hạn thì cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển.
Với tư duy đó, Quy hoạch đề xuất lựa chọn các địa bàn thuận lợi, có lợi thế nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm để tập trung hình thành vùng động lực quốc gia. Định hướng đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thu hút đầu tư vào các vùng động lực quốc gia để tạo điều kiện cho các lãnh thổ này đi trước, dẫn dắt sự phát triển của toàn quốc gia.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng xác định 3 hành lang kinh tế ưu tiên, bao gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam và hai hành lang kinh tế Đông - Tây là hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu. Các hành lang kinh tế này kết nối các vùng động lực, các đô thị, trung tâm kinh tế, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế để tạo lập và thúc đẩy các quan hệ liên kết phát triển, nâng cao hiệu quả tổng hợp.
Hệ thống các vùng động lực quốc gia và hành lang kinh tế ưu tiên như Quy hoạch đề xuất được kỳ vọng sẽ tạo nên một mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả trong giai đoạn tới.
Cùng với việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham gia nghiên cứu, xây dựng và thẩm định quy hoạch ngành, vùng và địa phương. Tính tích hợp đã được lồng ghép, xử lý như thế nào trong Quy hoạch tổng thể quốc gia? Điều này có làm phát sinh những khó khăn trong quá trình thực hiện hay không, thưa Bộ trưởng?
Theo Luật Quy hoạch (2017), tích hợp quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Tính tích hợp này được thể hiện ở hai mặt là quá trình và ở nội dung.
Về quá trình, đó là quá trình cùng làm việc, phối hợp giữa các bên liên quan trong việc lập quy hoạch để cùng nhận diện, xem xét, xử lý các vấn đề, xác định rõ vai trò của ngành, lĩnh vực, các bộ phận lãnh thổ khác nhau trong tổng thể của quốc gia.
Xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là một quá trình có sự tham gia rộng rãi, trong đó điểm nổi bật là sự phối hợp giữa đơn vị tư vấn chính là Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với hơn 20 đơn vị tư vấn do các bộ, ngành đề xuất lập tổng cộng 41 hợp phần quy hoạch thuộc các ngành, lĩnh vực để tích hợp nội dung vào Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Từ quá trình này đưa đến nội dung là một bản quy hoạch trong đó đã xử lý, khắc phục các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các ngành, lĩnh vực và xác định các mối quan hệ liên vùng. Tuy nhiên, xin lưu ý là phạm vi xử lý các vấn đề sẽ tùy thuộc vào cấp độ của từng loại quy hoạch, quy hoạch càng ở cấp độ dưới thì việc xử lý các vấn đề này được thể hiện càng rõ ràng, cụ thể hơn.
Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia không xử lý tất cả các vấn đề mà tập trung vào những vấn đề về cấu trúc không gian phát triển của đất nước và định hướng lớn về phân bố không gian của các ngành, lĩnh vực; trong đó quan trọng nhất là xác định các vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế ưu tiên, tạo động lực mới cho phát triển đất nước nhanh, hiệu quả và bền vững.
Việc này không hề làm phát sinh khó khăn trong quá trình thực hiện, mà ngược lại, tạo ra bộ khung khớp nối cho quy hoạch các ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để đạt hiệu quả tổng hợp cao nhất.
Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ khắc phục câu chuyện “cát cứ” giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng miền. Cụ thể là như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Hình ảnh “63 nền kinh tế” hay được sử dụng để nói về tính cát cứ, hay là sự cạnh tranh lẫn nhau, thiếu liên kết giữa các địa phương trong phát triển. Đây mà là một vấn đề lớn, liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính, thể chế kinh tế, cơ chế phân bổ nguồn lực... Thậm chí, ngay cả công tác quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương hiện nay cũng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố trên.
Không thể kỳ vọng Quy hoạch tổng thể quốc gia có thể giải quyết ngay lập tức tình trạng nói trên, nhất là khi đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập. Nhưng theo chúng tôi, Quy hoạch tổng thể quốc gia có thể góp phần quan trọng vào giải quyết tình trạng “cát cứ”, chia cắt trong phát triển của Việt Nam hiện nay thông qua hai việc sau:
Thứ nhất, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định các định hướng, nguyên tắc phát triển và phân bổ không gian chung cho các ngành, lĩnh vực và các vùng, hướng đến mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả phát triển chung của đất nước.
Thứ hai, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định cấu trúc không gian phát triển của quốc gia, định hướng các trục phát triển chung để các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh làm căn cứ kết nối. Cụ thể, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đề xuất hệ thống 04 vùng động lực quốc gia và 03 hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030. Các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ căn cứ vào đây để xây dựng phương án cụ thể phát triển các đô thị, khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ… tạo nên sự kết nối kinh tế liên vùng.
Bên cạnh công tác quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy liên kết vùng như thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động các hội đồng điều phối vùng; tăng cường vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho các công trình, dự án có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, các nút thắt của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao cho toàn vùng…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển quốc gia được Quy hoạch đặt ra là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế. Xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam sẽ phải làm gì để thực hiện được các đột phá trên?
Bên cạnh việc đề xuất các định hướng về tổ chức không gian phát triển quốc gia, trong đó trọng tâm là các vùng động lực, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, quy hoạch cũng đã đề xuất các giải pháp lớn mang tính toàn diện cho quá trình triển khai thực hiện; tôi xin nhấn mạnh hai điểm chính, mang tính khái quát như sau:
Thứ nhất, tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cả từ khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong nước, nước ngoài gắn với phân bổ nguồn lực theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, nhấn mạnh đến việc ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng quy mô lớn (cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt tốc độ cao…) của các vùng động lực quốc gia và thúc đẩy hình thành các hành lang kinh tế ưu tiên.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cho các địa phương tại các vùng động lực quốc gia có nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng cũng như các công trình hạ tầng kết nối giữa các trung tâm phát triển của địa phương với hệ thống hạ tầng quốc gia. Bên cạnh đó, định hướng thu hút các doanh nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới đầu tư vào địa bàn các vùng động lực, hình thành những cụm liên kết ngành, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước.
Thứ hai, làm nổi rõ vai trò của các vùng động lực, hành lang kinh tế ưu tiên trong việc thiết kế các cơ chế, chính sách khác như quy hoạch, định hướng bố trí, có cơ chế, chính sách ưu đãi và ưu tiên đầu tư phát triển các đô thị, hệ thống khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu du lịch theo các hành lang kinh tế; xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành ưu tiên và các địa phương trong các vùng động lực…
Quy hoạch tổng thể quốc gia nhiều lần tưởng như sẽ trễ hẹn vì gián đoạn 2 năm do Covid-19. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thúc đẩy công tác xây dựng quy hoạch trong năm 2022 như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Trong năm 2022, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn, nhất là giai đoạn đầu năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện được rất nhiều công việc để thúc đẩy công tác quy hoạch, trên hai khía cạnh là tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch và xây dựng các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
Về công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối được Chính phủ giao làm việc với các cơ quan của Quốc hội về hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quy hoạch. Theo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 văn bản chỉ đạo, đôn đốc về công tác quy hoạch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành 6 quyết định, văn bản báo cáo, đôn đốc về quy hoạch.
Về việc lập các quy hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao nhiệm vụ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, được Hội đồng thẩm định thông qua ngày 14/9/2022, được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 và đến nay đã được Quốc hội quyết định (Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 9/1/2023).
Đối với các quy hoạch vùng, ngoài Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực triển khai công tác lập quy hoạch 5 vùng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Đối với các quy hoạch tỉnh thuộc trách nhiệm thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bộ đã tham gia ý kiến đối với 55 quy hoạch tỉnh; hoàn thành công tác thẩm định đối với 20 quy hoạch tỉnh. Đến nay, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch tỉnh là quy hoạch các tỉnh Bắc Giang và Hà Tĩnh.
Để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính. Đó là tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được phân công, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tổ chức thẩm định 43 quy hoạch tỉnh và tham mưu tổ chức thẩm định quy hoạch 5 vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quy hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch; và xây dựng, theo dõi, giám sát kế hoạch thực hiện quy hoạch sau khi các quy hoạch được phê duyệt.
VnEconomy 12/01/2023 09:00