Kiến nghị tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho lao động tự do
Cử tri TP. Cần Thơ kiến nghị tăng mức hỗ trợ, để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai...
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết nhận được phản ánh của cử tri TP. Cần Thơ, về việc trên địa bàn thành phố hầu hết hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế, trên 5% hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên còn hàng nghìn lao động, nông dân chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thực trạng này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của những người dân và tạo ra gánh nặng lớn cho ngân sách khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai, bởi hàng nghìn người này khi hết tuổi lao động không có lương hưu để ổn định cuộc sống.
Nguyên nhân cơ bản nhất là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hầu hết là người lao động tự do, người làm nông nghiệp nên có thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội đối với hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, còn đối tượng khác là 10%, trong khi mức tăng lương cơ bản là 30% áp dụng từ ngày 1/7/2024 làm cho mức đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, càng ảnh hưởng đến thu nhập ít ỏi của nông dân và người lao động tự do.
Do đó, cử tri TP. Cần Thơ kiến nghị tăng mức hỗ trợ, để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2018, với các mức hỗ trợ hiện hành quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ.
Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung: “...có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách Nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội".
Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Triển khai Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, tại Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Nghị định về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của cử tri trong quá trình xây dựng Nghị định để trình Chính phủ trong năm 2025.
Ngoài ra, nhằm giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn có kỹ năng nghề để tham gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, có việc làm để tăng thu nhập và cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.
Đồng thời, có văn bản chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, giúp người lao động có kỹ năng nghề đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Đơn cử như: Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn theo Quyết định số 46/2015/QĐ- TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Miễn giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Hỗ trợ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có thanh niên nông thôn) theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ.
Ngoài ra, nhằm giúp lao động nông thôn có cơ hội được học tập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quy định các hình thức đào tạo mở, linh hoạt, phù hợp với điều kiện học tập của người lao động như: Đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn theo Thông tư số 33/2018, và đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học theo Thông tư số 31/2017.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, tích hợp nội dung Đề án “Đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” vào Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn”.
Cùng với đó, rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung chỉ đạo về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn”.