Kim cương Nga sắp bị áp trừng phạt, đá quý nhân tạo sẽ “thống trị”?
Bất chấp những lời kêu gọi từ Ukraine và một số nước châu Âu, kim cương Nga hiện vẫn chưa bị trừng phạt trong khi năng lượng, tài chính… của Moscow đều đã bị ảnh hưởng…
Sau cuộc cuộc xung đột Nga - Ukraine hồi tháng 2/2022, hàng loạt các lệnh trừng phạt "đổ dồn" vào Nga, tuy nhiên xuất khẩu kim cương của Nga phần lớn đã được tránh khỏi "cơn bão" này. Theo CNBC, một số nước mua một lượng lớn kim cương của Nga, chẳng hạn như Bỉ, muốn có một “cách tiếp cận toàn cầu” đối với kim cương xuất khẩu của Nga. Điều này giúp bảo đảm các biện pháp trừng phạt không gây tổn hại quá mức đối với họ. Kim cương chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu của Bỉ và tạo ra khoảng 30.000 việc làm ở thành phố cảng Antwerp.
“Chúng ta cần thảo luận lại về biện pháp trừng phạt kim cương của Nga, vì có nguy cơ rõ ràng là Nga sẽ chuyển hướng xuất khẩu kim cương sang các nước không tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây”, Edward Gardner, nhà kinh tế của Công ty tư vấn Capital Economics, nói. Ông cho rằng nếu các biện pháp trừng phạt bịt các lỗ hổng có thể giúp Nga né tránh, thì nguồn cung kim cương mà Nga đưa ra thị trường sẽ ít hơn và giá sẽ được đẩy lên mức cao hơn.
Về phần mình, ngành công nghiệp kim cương châu Âu lo ngại nguồn cung từ Nga sẽ đổ sang các thị trường khác, chẳng hạn như Dubai và họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho món hàng hóa này trong khi vẫn không giảm được đáng kể doanh thu của Nga. Kim cương không được giao dịch phổ biến như dầu hoặc vàng, nhưng chúng đại diện cho một thị trường rộng lớn vượt ra ngoài đồ trang sức. Những viên đá này cũng được sử dụng trong lĩnh vực nha khoa, máy tính, trong số những thứ khác.
Hiện nay, kim cương thô của Nga chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ, nơi chúng được đánh bóng và có thể trộn lẫn với kim cương có nguồn gốc từ nơi khác để bán trở lại sang phương Tây. Do đó, G7 đang thảo luận về cách sử dụng công nghệ để truy tìm nguồn gốc ban đầu của từng viên kim cương đơn lẻ. Họ hy vọng cách tiếp cận này sẽ mở đường để EU cấm vận kim cương của Nga.
Hans Merket, nhà nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên tại Dịch vụ thông tin hòa bình quốc tế, một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Bỉ, cho biết việc triển khai lệnh trừng phạt đối với kim cương của Nga chỉ còn là vấn đề thời gian. “Nếu kim cương của Nga chưa xuất hiện trong gói trừng phạt sắp tới của phương Tây thì có lẽ sẽ xuất hiện vào gói trừng phạt tiếp theo”, ông nói.
Hôm 9/5 vừa qua, khi đề cập tới gói trừng phạt thứ 11 chống lại Nga, hiện đang được 27 nước của EU thảo luận, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen không đề cập đến kim cương. Tuy nhiên, các đại sứ châu Âu sau đó đã tranh luận về các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Nga. Đại sứ Ba Lan tại EU Andrzej Sados cho biết ông sẽ hỏi cơ quan hành pháp của EU tại sao dự thảo đề xuất không bao gồm kim cương từ Nga, theo một phát ngôn viên.
Tất cả những điều này, cộng với xu hướng tiêu dùng bền vững đang lan nhanh tới ngành hàng trang sức, đã dẫn đến sự bùng nổ của ngành công nghiệp sản xuất kim cương nhân tạo, cho phép người mua sở hữu những sản phẩm tương tự về hình thức với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Theo báo cáo Thị trường kim cương tổng hợp toàn cầu của Verified Market Research, ngành kim cương nhân tạo được định giá 21,2 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 38,9 tỷ USD vào năm 2030.
Ông Sanjay Kothari, một nhà công nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kim hoàn và đồng thời là Phó chủ tịch của tập đoàn sản xuất kim cương KGK Group nói với kênh DW rằng: "Việc thiếu nguồn cung kim cương thô đã khiến một số công ty đầu tư vào lĩnh vực nuôi cấy kim cương trong phòng thí nghiệm. Kim cương nhân tạo giống hệt kim cương tự nhiên về mọi mặt, ngoại trừ nguồn gốc của chúng. Chúng có các tính chất hóa học, vật lý và quang học giống như kim cương tự nhiên và cùng lấp lánh như nhau”.
Các chuyên gia trong ngành cho biết khoảng 5 năm trước, chỉ có một số ít công ty nuôi cấy kim cương trong phòng thí nghiệm nhưng hiện nay, theo một báo cáo của Prabhudas Lilladher, số lượng này đã tăng lên rất nhiều. Dữ liệu của Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu đá quý và trang sức Ấn Độ (GJEPC) cho thấy xuất khẩu kim cương trong phòng thí nghiệm từ Ấn Độ đã tăng khoảng 70% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2022 lên 622,7 triệu USD, trong khi kim cương khai thác giảm khoảng 3% xuống còn 8,2 tỷ USD trong cùng kỳ.
Theo SCMP, loại đá quý nhân tạo này đang ngày càng thu hút một nhóm đối tượng khách hàng rất trẻ: Gen Z. Theo Tobias Kormind, đồng sáng lập của hãng bán lẻ kim cương 77 Diamonds, so với kim cương tự nhiên, loại nhân tạo không cần trải qua quá trình khai thác, do đó thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, chi phí thấp cũng là một yếu tố hấp dẫn đối tượng này. Ông Kormind cho biết một viên kim cương tròn, một carat, không có huỳnh quang có giá lên đến hơn 5.796 USD. Trong khi đó, viên tương tự được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm chỉ có giá 777 USD.
Pandora - nhà sản xuất nữ trang uy tín nổi tiếng thế giới có trụ sở chính tại Đan Mạch - tin rằng kim cương nhân tạo “đại diện cho bước tiến tự nhiên kế tiếp” nơi ngành kim hoàn chứ không đơn thuần là giải pháp thay thế tạm thời. Phản ánh tầm nhìn tiến bộ của Pandora là Brilliance - bộ sưu tập trang sức sang trọng từ kim cương nhân tạo vừa ra mắt cuối năm ngoái. “Kim cương nhân tạo giờ đây đã đạt chuẩn tinh xảo tương đồng với kim cương tự nhiên nhưng giá thành dễ chịu hơn hẳn và ít gây sức ép khí thải lên môi trường”, ông Lacik nhấn mạnh.
Theo số liệu từ nhà phân tích Golan, dù sức mua tiếp tục tăng, kim cương nhân tạo vẫn chiếm thị phần khá nhỏ (khoảng 7%) trong thị trường kinh doanh kim cương toàn cầu. Tuy nhiên, một số tên tuổi lớn đã có kế hoạch thúc đẩy trào lưu tiêu dùng kim cương nhân tạo. Sau Pandora, Signet và Charles & Colvard - 2 nhãn hiệu trang sức danh tiếng ở Bắc Mỹ - đang tích cực ra mắt hàng loạt bộ sưu tập nữ trang từ kim cương nhân tạo, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của khách hàng.
Don O’Connell, Chủ tịch công ty Charles & Colvard nhận định: “Khi tư duy tiêu dùng bền vững không ngừng phổ biến, việc công chúng bắt đầu ưa chuộng kim cương nhân tạo là điều không hề bất ngờ. Người tiêu dùng ngày nay muốn chắc chắn rằng sản phẩm đá quý họ chọn mua có xuất xứ minh bạch và bền vững”.