Gánh nặng chi phí y tế từ đồ uống có đường
Từ những lon nước ngọt trong siêu thị đến các loại trà sữa, nước tăng lực, nước ép đóng chai, đồ uống có đường đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống. Đặc biệt, giới trẻ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ loại đồ uống này…

Mới đây, trên mạng xã hội không ngừng chia sẻ các bài viết của một Tiktoker với tên gọi “Hoàng Nguyễn Chạy Thận”. Tài khoản này kể về câu chuyện của một nam thanh niên phát hiện mắc thận mãn tính năm 26 tuổi.
Theo đó, do tính chất công việc, chàng trai thường xuyên buộc phải thức khuya, cộng thêm chế độ ăn uống chủ yếu là các loại đồ ăn nhanh như mì tôm, nước ngọt… Vốn tưởng cơ thể vẫn luôn khoẻ mạnh nhưng đến năm 2024, khi đã có một gia đình hạnh phúc bên vợ và con gái mới sinh, anh phát hiện mình bị suy thận mạn, buộc phải thường xuyên chạy thận.
Tương tự, nam thanh niên T.T.Đ (28 tuổi, trú tại Hà Nội) mới đây đã nhập viện Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng khó thở dữ dội, suy tim và phù nề hai chân nghiêm trọng đến mức không thể tự đi lại. Theo lời kể của gia đình, anh Đ. có tiền sử béo phì và gout mạn tính. Tuy nhiên, trong vòng hai tuần gần đây, bệnh nhân tăng cân mất kiểm soát do tiêu thụ thường xuyên các loại đồ uống có đường như trà sữa, nước ngọt có ga, nước trái cây đóng chai…

ThS.BS. Nguyễn Đăng Quân, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết: "Kết quả thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân Đ. mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ. Đây là tình trạng thường gặp ở những người có tiền sử bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa như béo phì, gout, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy tim, tai biến mạch máu não…".
Các chuyên gia cho rằng, tiêu thụ quá mức đồ uống có đường gây hại cho sức khỏe, góp phần làm gia tăng béo phì, đái tháo đường, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Mới đây, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Xuân cũng thông tin về trường hợp bệnh nhi 15 tuổi tăng cân mất kiểm soát.
Theo đó, mặc dù mới 15 tuổi nhưng bệnh nhi N.G.H (Hà Nội) cao 176 cm, cân nặng 110 kg, cho chỉ số BMI 35,5 kg/m² - thuộc ngưỡng béo phì mức độ nặng. Theo chia sẻ của gia đình, tình trạng tăng cân của H. đã kéo dài suốt 4 năm qua, đặc biệt tăng nhanh sau thời gian giãn cách xã hội do Covid-19. Trong thời gian đó, trẻ chủ yếu học tập và sinh hoạt tại nhà, ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh và uống nước ngọt có gas.
Hiện tại, trung bình mỗi bữa H. ăn khoảng 3 bát cơm, mỗi ngày uống 1 lon nước ngọt và ăn 2 gói snack cỡ đại. Bên cạnh thăm khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm của trẻ còn ghi nhận các chỉ số đường huyết và acid uric cao, cùng với tình trạng thiếu hụt vitamin D. Trẻ được chẩn đoán béo phì, tiền đái tháo đường và thiếu vitamin D - một hệ lụy điển hình từ chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh.

Thực tế, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần từ 18,5 lít/người (năm 2009) lên 66,5 lít/người (năm 2023). Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 46,5 gam đường tự do mỗi ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa 50 gr/ngày và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của WHO.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cảnh báo đường gần như không có giá trị dinh dưỡng, trong khi đồ uống có đường lại gây hại cho sức khỏe, nhất là khi tiêu thụ thường xuyên. Đặc biệt, tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam gia tăng nhanh tỷ lệ thuận với mức tiêu thụ đồ uống có đường. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19,6% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Chia sẻ trong hội thảo cung cấp thông tin báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát bệnh tiểu đường vừa được Bộ Y tế tổ chức mới đây, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho hay nghiên cứu ở 75 quốc gia cho thấy mỗi 100ml đồ uống có đường uống thêm mỗi ngày làm nguy cơ thừa cân, béo phì tăng 1,2 lần khi trẻ 6 tuổi.
Tác động của đồ uống có đường không chỉ dừng lại ở cá nhân mà còn đặt ra gánh nặng kinh tế - xã hội. Chi phí y tế để điều trị các bệnh không lây nhiễm liên quan đến đồ uống có đường đang ngày càng lớn đối với ngân sách quốc gia.
Theo ước tính của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang phải chi hơn 1,2 tỷ USD mỗi năm cho việc điều trị béo phì và các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến tiêu thụ đồ uống có đường. Ngoài ra, còn có các chi phí gián tiếp do mất năng suất lao động, tăng số ngày nghỉ ốm và giảm khả năng đóng góp kinh tế của người trẻ tuổi mắc bệnh mãn tính.

Do đó, TS. Angela Pratt cho rằng hiện nay là thời điểm rất phù hợp để áp thuế với đồ uống có đường. Nếu không có hành động can thiệp, xu hướng tiêu thụ đồ uống có đường sẽ còn tiếp tục tăng, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn, gia đình, xã hội và nền kinh tế.
"Ở một số quốc gia, chúng tôi thấy ngành công nghiệp muốn chặn hoặc trì hoãn thuế, với các lập luận rằng nó sẽ gây ra tổn thất kinh tế. Nhưng bằng chứng từ các quốc gia khác cho thấy điều này không đúng. Trên thực tế, người tiêu dùng chuyển sang các loại đồ uống khác, tốt cho sức khỏe hơn. Các nhà sản xuất sẽ cải tiến sản phẩm của họ để phù hợp với nhu cầu mới. Vì vậy, WHO kêu gọi những nhà hoạch định chính sách cần ra quyết định hành động ngay bây giờ", tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh.
Thảo luận tại hội trường ngày 9/5/2025 về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình rằng việc sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng mạnh, lâu dài sẽ tạo gánh nặng về y tế.
Dù vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) lo ngại nếu nước giải khát có đường bị đánh thuế, người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại nước khác có lượng đường tương đương nhưng không phải đối tượng chịu thuế, như trà sữa, cà phê pha sẵn, nước ép bán ngoài đường phố… Những đồ uống này khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường, theo bà Dung.

Giải trình thêm về quy định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều việc áp thuế với nước ngọt. "Cá nhân tôi cũng cho rằng phải đánh thuế nước ngọt sớm hơn, không thể để thế hệ con em tới khi bị béo phì, nhiễm bệnh tật rồi mới có biện pháp ngăn ngừa", Bộ trưởng Thắng nói. Ông cho biết hiện có 107 quốc gia trên thế giới, riêng khu vực ASEAN có 7 nước, đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.