Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 1
Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 2

“Câu hỏi cần giải quyết là: Làm sao để tăng trưởng ổn định 12% trong ít nhất 20 năm. Ở khu vực châu Á, chỉ duy nhất 4 nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc đã làm được điều này. Theo đó, những nền kinh tế muốn tăng trưởng 2 con số liên tục, nếu không vào được những ngành công nghệ cao và vào được thị trường Mỹ thì không phát triển được. Bản thân Sunhouse dự kiến xuất khẩu vào Mỹ khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2025. 

Từ kinh nghiệm cá nhân thì doanh nghiệp có một số quan điểm sau. Đầu tiên, khách hàng của Mỹ có yêu cầu đơn giản là sản phẩm có chất lượng 5 sao nhưng giá thì tương đương với Trung Quốc. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp để vào được thị trường Mỹ. Nếu vào được thị trường này thì Việt Nam có thể vào được hầu hết các thị trường khác. 

Mặc dù vậy, vị thế của Việt Nam hiện tại khác với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong trường hợp của Trung Quốc, họ có dân số hơn 1 tỷ người, giúp tạo ra hai năng lực nội tại là thị trường nội địa cộng hưởng với khả năng tăng trưởng vô biên. Trong giai đoạn bình thường, Việt Nam không thể có cơ hội tương tự. Tuy nhiên, trong thời gian vừa rồi đã diễn ra tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, cho chúng ta cơ hội duy nhất để bứt phá. Nếu Việt Nam không tận dụng được trong 10-20 năm tới thì vĩnh viễn không có cơ hội tương tự. 

Với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu muốn vào được thị trường Mỹ thì trước hết phải thâm nhập chuỗi cung ứng. Đây là một mục tiêu rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự đồng hành của Nhà nước. 

Tại Trung Quốc, mỗi địa phương có một quỹ đầu tư phát triển. Các quỹ này sẽ lọc ra những ngành nghề mới, công nghệ cao mà địa phương muốn phát triển. Chính quyền cũng chọn ra 1-2 doanh nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực này và cùng bỏ vốn đầu tư. Các bên liên quan sau đó bàn bạc để tìm cách tạo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu, thường là thời điểm khó khăn nhất. Nếu chỉ làm lại những ngành cũ thì Việt Nam không bao giờ có thể tăng trưởng được 12% vì quy mô thị trường nội địa rất nhỏ. Bên cạnh đó, dù tập trung phát triển những ngành công nghiệp trên bao nhiêu thì quy mô dân số cũng không cho phép tăng trưởng 12%. 

Để tham gia vào những ngành mới, có quy mô lớn trên thế giới thì phải tạo ra năng lực cạnh tranh, nhưng Việt Nam mới bắt đầu quá trình này nên sẽ thua những quốc gia phát triển. Do đó, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo ra chính sách tăng năng lực cạnh tranh. Nhiệm vụ của chúng ta là phải chọn được doanh nghiệp mong muốn tham gia vào những ngành tiềm năng và có sự đồng hành của Nhà nước, cùng bàn giải pháp tạo lợi thế cạnh tranh. 

Ngoài ra, ngay từ thời điểm đầu, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn cách bán hàng trên biến phí, không cần có lãi nhằm lấy đơn hàng, đưa nhà máy hoạt động hết công suất để bước vào chuỗi cung ứng. Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn có lãi ngay sẽ không thể bước chân được vào chuỗi cung ứng. Chúng ta phải cùng đồng hành, chọn ngành nghề, xác lập lợi thế cạnh tranh. 

Một tài nguyên mà Nhà nước có thể sử dụng để hỗ trợ là đất đai. Chúng ta cạnh tranh với các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan thì cần phải biết giá thuê đất công nghiệp ở những nơi này là bao nhiêu, giá nhà chung cư ở đó là bao nhiêu. Theo quy luật cung cầu, nếu nguồn cung nhiều lên thì có thể đưa giá về mức cạnh tranh được với những nền kinh tế này”. 

Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 3

“Với dân số hiện nay đạt khoảng 100 triệu người và mỗi năm có thêm khoảng một triệu trẻ em chào đời, Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn và đầy tiềm năng cho ngành sữa phát triển. Đây là cơ hội không chỉ dành cho các doanh nghiệp trong nước mà còn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước là tăng trưởng hai con số, không bắt buộc tất cả các ngành, trong đó có ngành sữa, nhất thiết tăng phải tăng trưởng hai con số. Thay vào đó, thứ nhất, cần tập trung vào việc nâng cao năng suất lao động, gia tăng thu nhập bình quân trong toàn ngành, từ đó đóng góp thiết thực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của đất nước; thứ hai, phải có chiến lược làm ăn có hiệu quả; thứ ba, cần xây dựng chiến lược đầu tư có trọng điểm để đẩy nhanh quá trình khấu hao. Khi ba yếu tố này kết hợp lại với nhau, sẽ tạo ra sự gia tăng bền vững về năng suất và thu nhập cho toàn ngành.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh sự phát triển của từng lĩnh vực ngành nghề, trước hết phải nhìn vào sức mua thực tế của thị trường. Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển khi người dân có thu nhập đủ cao để chi tiêu. Sức mua chính là yếu tố phản ánh rõ nhất khả năng tiêu dùng của xã hội, đây cũng là điều then chốt quyết định sự phát triển của bất kỳ ngành nào, bao gồm cả ngành sữa. 

Từ những năm 1960 trở lại đây, khái niệm “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” đã được áp dụng mạnh mẽ trong nhiều ngành kinh tế. Trong đó, “nhanh” nghĩa là phải làm sao tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cơ giới hóa và tiến tới tự động hóa. “Nhiều” tức là sản xuất đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. “Tốt” là về chất lượng và phải dứt khoát không được hạ tiêu chuẩn bất kỳ sản phẩm nào. Còn “rẻ” có nghĩa là khi hội tụ được ba yếu tố trên thì giá thành sản phẩm sẽ giảm, mà giá thành hạ thì khả năng cạnh tranh sẽ tăng lên. Khi doanh nghiệp cạnh tranh tốt thì sẽ phát triển, mà doanh nghiệp phát triển thì sẽ tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sức mua cho chính ngành đó. Đây chính là một vòng tuần hoàn hợp lý và bền vững và đây cũng chính là cách để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số mà Chính phủ đang hướng tới.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu này, cần có sự đồng hành thực chất từ phía Chính phủ. Dù đã có nhiều chính sách, nghị định được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn còn không ít quy định gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan quản lý sẽ lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, chủ động rà soát, điều chỉnh những nghị định, chính sách chưa phù hợp, xử lý nhanh các vướng mắc được phản ánh. Khi môi trường thể chế trở nên thông thoáng, thuận lợi, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để phát triển, từ đó đóng góp hiệu quả hơn vào mục tiêu tăng trưởng bền vững của quốc gia”.

Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 4

“Hiện vẫn còn nhiều rào cản trong tiếp cận tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân; thiếu hụt nguồn vốn trung dài hạn cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thiếu khung pháp lý và cơ chế ưu đãi cho tín dụng chuỗi giá trị và tài chính xanh.

Còn những nguồn lực lớn bị “đóng băng” và cần giải phóng tại nhiều dự án bất động sản, hạ tầng chậm triển khai do vướng mắc pháp lý kéo dài...

Trước những vấn đề và thách thức trên, từ góc độ của ngân hàng thương mại, chúng tôi kiến nghị những nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh và kiên quyết trong việc chuẩn hóa hóa đơn bán hàng và kế toán tài chính cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo cơ sở để có thông tin minh bạch và tin cậy để ngân hàng mạnh dạn triển khai cho vay không tài sản đảm bảo, dựa trên dòng tiền, dữ liệu thuế, hóa đơn, chấm điểm tín nhiệm.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển các Quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ chuyển đổi đối với hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường vốn hiệu quả để chủ động hơn nguồn trung và dài hạn.

Thứ ba, Nhà nước thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và chuyển đổi xanh hoạt động sản xuất cần đi đôi với chính sách ưu đãi về tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, sớm ban hành Khung Taxonomy Xanh để phân loại các hoạt động kinh tế theo tiêu chí môi trường, làm cơ sở triển khai hiệu quả tín dụng xanh, ESG và các công cụ tài chính bền vững.

Thứ tư, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các khung pháp lý kiến tạo các nền tảng kết nối, nhất là dữ liệu, cho các chuỗi giá trị, kết nối giữa cơ quan quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp và chuỗi sản xuất, từ đó cho phép ngân hàng mở rộng tài trợ chuỗi.

Thứ năm, khơi thông dòng vốn bị “treo” bằng tài trợ cấu trúc. Đối với các dự án còn vướng mắc pháp lý và tạm đình trệ, các ngân hàng sẽ cùng đồng hành tham gia tái cấu trúc tài chính, nguồn vốn để có thể triển khai lại dự án”.

Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 5

“Ngành du lịch Việt Nam là một hệ sinh thái phức hợp, bao gồm nhiều cấu phần chính như vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, dịch vụ điểm đến… cùng phối hợp để tạo nên các sản phẩm du lịch tổng thể. Mặc dù giữa các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và đơn vị vận chuyển đã có sự liên kết nhằm xây dựng sản phẩm du lịch, nhưng phần lớn các mối liên kết này vẫn mang tính tự phát, thiếu chiến lược lâu dài và đồng bộ. Mức độ hợp tác giữa các chủ thể trong chuỗi còn thấp, thiếu tính hệ thống, dẫn đến việc chưa tối ưu hóa được giá trị của toàn chuỗi cung ứng du lịch.

Hiện nay, trọng tâm đầu tư trong ngành du lịch phần lớn vẫn nghiêng về lĩnh vực bất động sản du lịch, với dòng vốn dồi dào và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn hẳn so với các lĩnh vực khác như lữ hành, vận chuyển hay dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành - những đơn vị đóng vai trò kết nối, xây dựng sản phẩm và phát triển thị trường, lại đang gặp nhiều khó khăn về vốn, quy mô hoạt động và khả năng tiếp cận nguồn lực. Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp lữ hành nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đủ sức phát động thị trường. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu vốn, thiếu công nghệ, không có chiến lược thương hiệu dài hạn.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn thiếu một mạng lưới xúc tiến hoạt động du lịch bài bản và chuyên nghiệp ở thị trường nước ngoài. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia đã sớm xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống các văn phòng xúc tiến du lịch quốc tế. 

Chính vì vậy, để tạo bước đột phá và thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, Việt Nam cần xác định rõ du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Với tiềm năng đóng góp hơn 15% vào GDP quốc gia, ngành du lịch rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ, không chỉ trong việc hoàn thiện cơ chế, ban hành các chính sách đột phá mà còn ở việc đầu tư nguồn lực tương xứng, nhằm phát huy đúng vai trò và vị thế chiến lược của ngành trong nền kinh tế quốc dân.

Trong đó, về chiến lược, cần ban hành Luật Du lịch mới dưới ánh sáng của bộ tứ Nghị quyết mà Việt Nam đã ban hành. Đồng thời, cần cập nhật những nội dung đã lỗi thời và đang gây rủi ro cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính; bổ sung thêm định hướng du lịch số, kinh tế đêm, ESG các mục tiêu lớn cụ thể… theo kịp với tình hình phát triển du lịch thế giới và thực tế tại Việt Nam. Việt Nam cũng cần lập Chiến lược Du lịch quốc gia 2026 - 2035 và đưa phát triển du lịch vào chương trình mục tiêu quốc gia với các tiêu chí phải đạt cụ thể.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ưu đãi thuế, đất, tín dụng cho doanh nghiệp tổ chức du lịch phát triển sản phẩm du lịch mới như mobile home, caravan, phát động thị trường mới trọng điểm đem lại nguồn khách và nguồn thu cho quốc gia.

Cần có cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong công tác quảng bá, xúc tiến,… việc này giúp chia sẻ gánh nặng ngân sách, đồng thời phát huy sự năng động và hiệu quả của khu vực tư nhân. Để cơ chế PPP thành công, Chính phủ cần ban hành chính sách rõ ràng về phân chia lợi ích, cơ chế bảo lãnh rủi ro doanh thu để tạo niềm tin cho nhà đầu tư tư nhân”.

Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 6

“Riêng trong lĩnh vực công nghệ, tôi cho rằng trước tiên cần phải thay đổi tư duy rằng không chỉ doanh nghiệp công nghệ mới làm việc với công nghệ, mà tất cả các doanh nghiệp, cá nhân đều cần phải ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động. Khoa học, công nghệ là yếu tố chắc chắn sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế thực chất, với mức đóng góp thêm từ 1,5 đến 2% GDP, để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số.

CMC đã thành lập viện nghiên cứu cách đây 10 năm, và đến nay, phần lớn các công nghệ lõi mà chúng tôi sử dụng đều do chính viện này phát triển. Một số công nghệ thậm chí được xếp hạng top đầu thế giới và đang được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc,… vì vậy, muốn tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp phải dám ra nước ngoài. Trong 5 năm gần đây, với chiến lược rõ ràng và tập trung hơn, thị trường quốc tế đã mang lại mức tăng trưởng doanh thu trung bình 20–25%/năm cho CMC, riêng năm nay, lợi nhuận tăng khoảng 40% so với năm trước.

Về định hướng phát triển khoa học, công nghệ, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận. Thay vì đi từ viện nghiên cứu, trường đại học rồi mới tới thị trường, chúng ta nên làm ngược lại – xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường. Khoa học, công nghệ phải giải được bài toán thực tế. Việc triển khai Nghị quyết 57 cũng nên đặt nền tảng từ thực tiễn thị trường, với sự tham gia sâu hơn của khối doanh nghiệp ngay từ đầu trong quá trình nghiên cứu và hoạch định chính sách.

Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng cho từng ngành, tôi cho rằng cần có cách tiếp cận chiến lược hơn. Chính phủ không nên giao nhiệm vụ phát triển chung chung, mà nên lựa chọn và trao vai trò dẫn dắt cho các doanh nghiệp đầu tàu – những đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng để kéo cả chuỗi ngành cùng phát triển.

Cuối cùng, chúng ta cần xây dựng bộ máy quản trị thông minh, không chỉ là chuyện đầu tư hạ tầng công nghệ, mà cốt lõi là thay đổi cách ra quyết định – mọi quyết sách cần được xây dựng trên cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và có phân tích thông minh. Đó là nền tảng để một chính quyền thực sự hiệu quả, linh hoạt”.

Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 7

“Nông nghiệp là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn đóng vai trò thiết yếu trong tăng trưởng bền vững. Trước yêu cầu từ Nghị quyết 57, ngành nông nghiệp cần được tái cấu trúc mạnh mẽ theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao năng suất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Thời gian qua TTC AgriS đã chủ động cùng các đối tác hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đồng hành với doanh nghiệp khởi nghiệp về hạ tầng dữ liệu. Mạng lưới này khai thác hiệu quả các vùng sinh thái và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu nông nghiệp mở, tạo liên kết bền vững giữa 5 nhà: Nhà nước – Nhà nông – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Các định chế tài chính.

Từ nền tảng này, chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị IoT, kết quả cho thấy hiệu quả rõ rệt: giảm 20% lượng nước tưới, tăng 15% năng suất và tiết kiệm 20% chi phí chăm sóc. Hiện hệ thống dữ liệu TTC AgriS đang quản lý hơn 150.000 ha canh tác, trong đó có hơn 6.300 ha đạt chứng nhận hữu cơ và 15.000 ha dừa hữu cơ.

Từ những kết quả này, chúng tôi kiến nghị Nhà nước:

Một là, có chính sách hỗ trợ để phát triển hạ tầng số tại các vùng sản xuất trọng điểm nhằm đẩy mạnh nhân rộng mô hình này.

Hai là, cần đặc biệt đẩy mạnh phát triển nhân lực số và ESG. Đưa chương trình hiện đại hóa nông nghiệp thành một đề tài đào tạo quốc gia, từ trung học cơ sở đến trình độ tiến sĩ. Phối hợp với các cơ sở giáo dục để đào tạo kỹ thuật viên IoT, chuyên viên dữ liệu và các chuyên gia ESG đạt chuẩn quốc tế.

Ba là, Nhà nước nên mở rộng chính sách tài chính xanh, nâng hạn mức vay phù hợp với trượt giá, hỗ trợ lãi suất 2–3% cho hợp tác xã và hộ sản xuất. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3–5 năm đầu cho các khoản đầu tư AI, IoT, blockchain trong nông nghiệp; thúc đẩy phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp dựa trên dữ liệu, đặc biệt là nông sản chế biến sâu.

Bốn là, thành lập Ban điều phối quốc gia về dữ liệu nông nghiệp, phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội liên quan để chuẩn hóa dữ liệu, phục vụ nông dân. Mục tiêu là kết nối 7 triệu hộ và 3.000 doanh nghiệp nông nghiệp, tạo nên nền tảng minh bạch và hiệu quả cho xuất nhập khẩu nông sản.

Chúng tôi kỳ vọng, đến năm 2030, nông sản Việt Nam có thể tăng năng suất và chất lượng từ 10–20%, nâng thu nhập bình quân lao động nông nghiệp công nghệ cao lên 6.000 USD/năm, thu hút tăng 25% vốn đầu tư FDI vào ngành và đóng góp thêm 2 tỷ USD/năm vào kim ngạch xuất khẩu”.

Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 8

“Theo quan điểm của VinaCapital, để mở rộng “miếng bánh” kinh tế, không cách nào khác ngoài việc giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh, đủ sức vươn tầm ra khu vực và toàn cầu. Muốn làm được điều đó, vấn đề then chốt là vốn.

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Bởi vậy, chúng tôi đề xuất xây dựng một hệ thống thông tin quốc gia tích hợp, nơi các dữ liệu của doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuẩn hóa, cập nhật, tạo nền tảng để ngân hàng và các tổ chức tài chính có thể đánh giá doanh nghiệp và đưa ra quyết định tài trợ vốn hiệu quả hơn, với chi phí thấp hơn.

Ngoài ra, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà thầu lớn thường bị chậm thanh toán từ 3 đến 6 tháng, điều này khiến họ thiếu hụt vốn lưu động. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần có một cơ chế tài chính chẳng hạn như các quỹ mua lại các hợp đồng này để doanh nghiệp có thể nhanh chóng có nguồn vốn lưu động để tiếp tục mở rộng hoạt động.

Đây là cách làm phổ biến ở nhiều quốc gia, nhưng tại Việt Nam hiện mới chỉ được thực hiện một cách nhỏ lẻ bởi một số ngân hàng và thể chế tài chính. VinaCapital cũng đề xuất Chính phủ tạo hành lang pháp lý và thể chế phù hợp để các giải pháp này có thể được triển khai ở quy mô toàn quốc, giúp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp”.

Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 9

VnEconomy 14/07/2025 13:28

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2025 phát hành ngày 14/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html

Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế để đạt tăng trưởng hai con số - Ảnh 10