16:50 16/02/2023

Lo thiệt hại ngàn tỷ, các chủ doanh nghiệp kinh doanh karaoke đồng loạt kêu cứu

Khởi Anh

Mỗi phòng hát tại Hà Nội được đầu tư trung bình cho trang trí, âm thanh khoảng 300-500 triệu đồng. Với hàng nghìn phòng hát trên toàn địa bàn TP thì tổng chi phí đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng...

Các doanh nghiệp karaoke ký đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng
Các doanh nghiệp karaoke ký đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng

Tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke ở Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các đơn vị liên quan về tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.

Theo đơn kiến nghị, các doanh nghiệp này cho biết theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động để thực hiện các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Từ năm 2017 đến nay, các hộ kinh doanh karaoke vẫn hoạt động và các đoàn kiểm tra định kỳ kết luận đảm đảm yêu cầu phòng cháy chữa cháy theo quy định. Song, từ ngày 8/10/2022, sau đợt tổng kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Công an, nhiều các cơ sở bị tạm dừng hoạt động, tạm đình do không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Theo các chủ cơ sở karaoke này, mỗi phòng hát tại Hà Nội được đầu tư trung bình cho trang trí, âm thanh khoảng 300-500 triệu đồng. Với hàng nghìn phòng hát trên toàn địa bàn TP thì tổng chi phí đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Chưa kể tiền thuê mặt bằng, tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng thuê ban đầu, tiền bồi thường hợp đồng, cung ứng sản phẩm... Hơn nữa, các cơ sở kinh doanh karaoke vừa được hoạt động lại sau dịch Covid-19 chưa lâu gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các quy định về phòng cháy chữa cháy thay đổi thường xuyên khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện, đặc biệt, một số quy định khó áp dụng vào thực tế.

"Từ khi có đợt kiểm tra tổng thể về phòng cháy chữa cháy đến nay tất cả các cơ sở đều nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tạm thời đóng cửa, nhưng đến nay đã hơn 3 tháng mà vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy cụ thể nào để các cơ sở khắc phục", văn bản nêu.

Theo đó, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các cơ sở kinh doanh karaoke thực hiện sửa chữa phù hợp quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp cho rằng cần quy định vừa đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nhưng cũng đảm bảo tính khả thi, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở kinh doanh karaoke.

Chủ một số cơ sở kinh doanh cho rằng: “Điều 3.3.4 Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD quy định về vật liệu trên đường thoát nạn chung cho tất cả các nhà, không cho phép sử dụng các vật liệu có tính nguy hiểm cháy cao, với các quy định rất cụ thể, nhưng không có bất cứ câu chữ nào nói về vật liệu phòng hát karaoke.

Như vậy, áp dụng điều 3.3.4 để yêu cầu khắc phục các vật liệu dễ cháy tại các hành lang thoát nạn và thang bộ thoát hiểm là đúng, nhưng áp dụng luôn cho vật liệu phòng hát là chưa chính xác”.

Đại diện các hộ kinh doanh Karaoke viện dẫn tại Thông tư 47/2015/TT-BCA và văn bản hướng dẫn số 377/CSPC&CC-P3 ngày 21/3/2017 của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội chỉ quy định nội dung trên đối với các gian phòng tập trung đông người (có mặt đồng thời từ 50 người trở lên hoặc có diện tích từ 25m2 trở lên) phải sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy; các gian phòng còn lại không yêu cầu bắt buộc.

Hơn nữa, tại Điều 3.3.4 QCVN 06:2021/BXD quy định vật liệu làm lớp hoàn thiện tường, trần và tấm trần treo trong gian phòng phải là vật liệu không cháy, khó cháy ở các công trình nói chung, không nói rõ trường hợp phòng hát karaoke.

Hà Nội có tổng số 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 quán karaoke, bar, vũ trường không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.