"Năm 2021 đã chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 4,1% so với năm 2020 và có 985 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9,01 tỷ USD, tăng tới 40,5% so với năm 2020.
Kết quả này một phần là nhờ duy trì được “công thức” từ nhiều năm trước đó: duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, quyết liệt trong cải cách môi trường kinh doanh và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế gắn với các FTA mới.
Dù vậy, khó khăn và hệ lụy của dịch Covid-19 còn hiện hữu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2021 chỉ đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020 và còn kém xa mức kỷ lục năm 2019 (gần 20,4 tỷ USD). Nguyên nhân một phần không nhỏ là do nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều hạn chế trong các chuyến bay quốc tế đến trong năm 2021. Dù đã nỗ lực xúc tiến đầu tư trên nền tảng số, có ý kiến cho rằng những nỗ lực này chỉ có hiệu quả cao nếu các bên đã biết nhau và có niềm tin nhất định từ trước.
Thông tin trong trung tuần tháng 2/2022 về việc Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế để khôi phục đường bay quốc tế được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá hồ hởi. Việc quyết liệt khôi phục đường bay quốc tế sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp đến tìm kiếm những cơ hội từ phục hồi và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Yêu cầu này càng quan trọng hơn khi Việt Nam đang rất cần nguồn vốn và kỹ năng quản trị từ nhà đầu tư nước ngoài cho những lĩnh vực mới như năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, đổi mới sáng tạo,… Nhiều chuyến bay quốc tế hơn cũng sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội để khai thác các FTA mới, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực đã đi vào thực hiện từ ngày 01/01/2022.
Khôi phục đường bay quốc tế là cần thiết, nhưng không đủ. Dù có thể trực tiếp đến Việt Nam để cân nhắc đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm hơn đến chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh.
Trong trao đổi gần đây với tôi, một doanh nhân Nhật Bản khuyến cáo các cuộc hội họp trực tiếp vẫn cần có sự tuân thủ đầy đủ quy định 5K của các đại biểu Việt Nam. Chính ở đây, tiếp nối quyết tâm khôi phục đường bay quốc tế phải là những nỗ lực thực chất để tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, hiệu quả và an toàn với dịch Covid-19”.
"Từ năm 2021 đến nay dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Mở cửa du lịch và hàng không là mở cửa kinh tế. Bên cạnh việc giúp khởi sắc ngành du lịch Việt Nam, việc mở cửa là điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư quyết định bỏ tiền đầu tư.
Bởi để thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh môi trường đầu tư hấp dẫn thì việc đi lại dễ dàng của các chuyên gia nước ngoài, của người lao động rất quan trọng. Thời gian qua, những lao động có kỹ năng bị ách tắc, đứt gãy bởi dịch bệnh đã làm giảm tốc độ dòng đầu tư, do họ không đến Việt Nam khảo sát, không thực hiện được dự án đầu tư.
Lúc này chúng ta mở cửa nền kinh tế sẽ làm gia tăng niềm tin về Việt Nam trong khống chế dịch, sống chung an toàn với dịch. Tạo được niềm tin đối với giới đầu tư nước ngoài khi quyết định tham gia và mở rộng sản xuất kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh đầu tư nước ngoài của toàn cầu vẫn suy giảm.
Khi đã khơi thông du lịch, hàng không, điều quan trọng nhất là đảm bảo dịch tễ, tính rõ ràng, khả năng cung ứng các dịch vụ y tế.
Chúng ta cần có kịch bản mở cửa rõ ràng, tường minh, có sự nhất quán giữa các tỉnh, thành, bộ, ngành trong vấn đề này. Những điều này rất quan trọng với nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải cảm thấy thoải mái, không bị gò bó, mất thời gian (cách ly khi nhập cảnh).
Các nhà đầu tư hiểu: rủi ro lúc nào cũng có, quan trọng là ở mức độ nào và Việt Nam kiểm soát nó như thế nào để tạo sự yên tâm khi đầu tư. Bên cạnh việc mở cửa, vấn đề cải cách môi trường đầu tư vẫn cần được tiếp tục, có sự chuẩn bị sẵn về nhân lực, hạ tầng…
Nhiều dự đoán FDI vào Việt Nam năm 2022 sẽ sáng sủa hơn năm 2021. Trong năm 2021 dòng vốn cam kết vẫn tăng, FDI giải ngân chỉ giảm một chút, nhưng 2 yếu tố này dự tính sẽ tăng trong năm 2022. Nên việc mở cửa hàng không và du lịch quốc tế sẽ là chất xúc tác, đòn bẩy thu hút vốn FDI vào Việt Nam”.
"Chúng tôi đang xây dựng chi tiết các hành động của ngành du lịch trong cả năm nay, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 2 và sẽ bắt tay vào thực hiện ngay trong tháng 3 này. Nguyên tắc của tỉnh Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm sẽ tập trung mọi điều kiện tốt nhất để khai thác dòng khách du lịch nội địa, từ đó từng bước khởi động, chuẩn bị đón khách quốc tế vào nửa cuối năm nay.
Trong 2 năm Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có 70% người lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác. Các cơ quan chức năng của tỉnh đang tham mưu nhằm đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch có nguồn nhân lực để chuẩn bị cho lộ trình quay lại cuộc đua chất lượng phục vụ.
Cụ thể, Quảng Ninh sẽ có những chương trình đào tạo lại nguồn lực lao động phục vụ, đồng thời chuẩn bị nguồn lực lao động mới để bổ sung cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn… Quảng Ninh đang xây dựng kế hoạch và giao trực tiếp cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, một số ngành cùng trường Đại học Hạ Long trực tiếp triển khai, khảo sát nguồn lực thiếu hụt tại các doanh nghiệp để có kế hoạch chi tiết".
"Chúng ta mở cửa và cũng tự tin với quyết định mở của của Chính phủ, tự tin với nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, với hình ảnh Việt Nam đã được lan tỏa trong cộng đồng quốc tế. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chúng ta đã thấy một số lượng lớn người dân đi du lịch, với hơn 6 triệu lượt khách chỉ trong 9 ngày nghỉ. Điều này cho thấy, người dân đã sẵn sàng hưởng ứng. Đó là lợi thế.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta có nhược điểm là có nhiều điểm còn chưa nhạy bén như việc quyết tâm mở cửa. Chúng ta rất thận trọng khi phát ngôn, tuyên bố mở cửa. Nếu Chính phủ không thể hiện quyết tâm mở cửa thì người dân không thể theo.
Mặt yếu tố nữa là thiếu nhất quán trong các chính sách giữa các địa phương, như các chính sách cách ly đối với người dân, chính sách xuất nhập cảnh của khách du lịch. Tới thời điểm này, trách nhiệm đang đặt lên vai các doanh nghiệp du lịch, phải chứng minh chính sách mở cửa là đúng đắn. Chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn".
"Covid-19 không giết ngành du lịch mà chỉ tạm thời làm ngừng trệ ngành du lịch. Sau khi từng bước khống chế dịch bệnh, chúng ta cũng từng bước khôi phục lại. Chúng tôi rất tin tưởng rồi ngành du lịch sẽ tăng trưởng trở lại.
Nếu như trước đây, Việt Nam chủ yếu tập trung vào thị trường khách quốc tế thì hiện nay đang chuyển hướng sang thu hút cả khách nội địa.
Trong giai đoạn tới chúng ta cũng nên hướng đến du khách trong nước nhiều hơn, chiến dịch truyền thông cũng phải phù hợp để tuyên truyền về điểm đến an toàn với du khách nội địa.
Từ tháng 12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản khôi phục du lịch nội địa, đồng thời, phối hợp cùng các doanh nghiệp, địa phương để đẩy mạnh truyền thông nhằm xóa dần tâm lý e ngại của người dân.
Với khách quốc tế, chúng tôi coi giai đoạn thí điểm là bước đệm, khi chính thức khôi phục toàn diện thì khách quốc tế cũng dần trở lại. Hiện các sản phẩm cho khách quốc tế của chúng ta đã khá tốt rồi, cho nên chỉ cần làm mới lại để thu hút khách quốc tế.
Vừa qua, Tổng cục Du lịch cũng đã trao đổi với các kênh truyền thông lớn của thế giới như CNN, CNBC để quảng bá về du lịch Việt Nam. Ngoài ra, tiếp tục emarketing trên mạng xã hội. Về thị trường khách quốc tế chủ đạo trong thời gian tới vẫn định hướng đến khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Úc. Tuy nhiên, trước mắt là những khu vực chấp nhận “hộ chiếu vaccine".
"Chỉ trong dịp Tết vừa qua, Bình Định đã đón gần 160.000 lượt khách, tăng 40% so với Tết năm 2021. Trong gần 2 tháng đầu năm, Bình Định đón gần 650.000 lượt khách, doanh thu gần 800 tỷ đồng.
Về việc đón khách quốc tế, kết quả khảo sát và làm việc cùng các cơ sở lưu trú cho thấy, các cơ sở này đã sẵn sàng. Song khó khăn lớn nhất là nhân lực, qua gần hai năm đại dịch, gần như toàn bộ nhân sự ngành du lịch đã chuyển việc, Tết vừa rồi nhiều đơn vị tăng tiền công 500-700% nhưng vẫn không có người làm.
Đầu tháng 3, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị bàn, tháo gỡ vấn đề này, khôi phục nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Trước đây, khi nghe đến khách đến từ các điểm nóng dịch như TP.HCM hay Hà Nội thì nhiều cơ sở lưu trú cũng như người dân Bình Định né tránh, nhưng vài tháng trở lại đây khi tỷ lệ tiêm vaccine cao, người dân xem việc đón khách từ địa phương khác là bình thường, nên với khách quốc tế cũng vậy, sẵn sàng đón tiếp, không sợ Covid -19 như trước”.
"Điểm mạnh của du lịch Việt Nam ngoài thắng cảnh, còn có văn hóa, nhưng chúng ta đang mắc kẹt trong việc định vị thương hiệu du lịch quốc gia. Thời gian tới chúng ta cần có sự kết nối giữa các địa phương, địa phương với doanh nghiệp, các doanh nghiệp với nhau mới có thể kéo du lịch trở lại.
Hiện du lịch Việt Nam cũng đang đối mặt với 4 khó khăn: (i) chính sách; (ii) nhân sự; (iii) sản phẩm du lịch vừa thừa vừa thiếu, thừa những sản phẩm chung chung, thiếu sản phẩm đặc trưng; (iv) việc xúc tiến chưa hiệu quả do chưa định vị được thương hiệu quốc gia.
Bốn điểm này cần tháo gỡ sau Covid -19 thì mới khôi phục được hoạt động du lịch. Về phía Lux Group, ngay từ tháng 6/2021 chúng tôi đã chuyển hướng sang khách nội địa và duy trì đội ngũ nhân sự, nên có thể sẵn sàng đón khách quốc tế khi du lịch mở cửa toàn diện".
"Đầu năm 2022, các doanh nghiệp khách sạn, nghỉ dưỡng rất vui mừng vì lượng đặt phòng tăng lên, mặc dù chưa thể bằng thời điểm năm 2019, nhưng đây là tín hiệu tốt cho ngành du lịch bắt đầu hồi phục. Với định hướng của Chính phủ cho mở cửa toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế tới Việt Nam từ ngày 1/5/2022, Hội Khách sạn tin rằng, mùa hè năm nay sẽ là mùa sôi động của ngành du lịch.
Chúng tôi đã có nhiều hoạt động để giúp các hội viên chuẩn bị sẵn nguồn lực và cơ sở vật chất cho việc mở cửa trở lại cũng như cập nhật các thông tin thị trường và chính sách, các khóa học bằng việc ký kết, hợp tác với các trường cao đẳng, đại học, trường nghề… trên địa bàn thành phố.
Năm 2022 sẽ là một năm bận rộn của ngành khách sạn với các hoạt động củng cố cơ sở dịch vụ cũng như nâng cao tay nghề, kỹ năng phục vụ của đội ngũ nhân lực. Chúng tôi đã chủ động chia nhỏ các ban công tác thường xuyên như: ban xúc tiến kinh doanh; ban tư pháp; ban tư vấn; ban đào tạo; ban chuyển đổi số; ban sự kiện và trách nhiệm cộng đồng để kết nối các doanh nghiệp hơn nữa”.
VnEconomy 02/03/2022 06:00