19:57 24/08/2022

Mối lo nhà đầu tư “tuột tay” khỏi đất vàng

Đỗ Mến

Làm sao để hài hòa lợi ích giữa nhà nước – doanh nghiệp và các bên liên quan để giải phóng nguồn lực đất đai, giảm gánh nặng lên các chủ thể trong xã hội là câu hỏi hóc búa trong các vụ đại án về đất đai thời gian qua?...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong vụ án thất thoát đất vàng ở Bình Dương, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị trả lại 2 khu đất 43ha và 145ha về chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương.

TRẢ LẠI ĐẤT, DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ BĂNG GẶP KHÓ

Tại khu đất 43ha, theo Viện kiểm sát, Tỉnh ủy Bình Dương có phê duyệt nội dung, khi Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (mã PRT) cổ phần hóa, chuyển giao khu đất trên về Công ty Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương (Impco). Tuy nhiên, các bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm cố ý chuyển nhượng trái phép khu đất trên cho Công ty Tân Phú (bản chất là cho Công ty Âu Lạc). Hiện chủ sở hữu Công ty Tân Phú là Công ty Kim Oanh. Cơ quan tố tụng xác định, Công ty Kim Oanh là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Thị Thu – bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị trên của Viện kiểm sát. Luật sư đề nghị tòa tuyên theo hướng cho Công ty Kim Oanh nộp khoản tiền chênh lệch tiền sử dụng đất và được tiếp tục triển khai dự án.

Theo luật sư Thu, pháp luật hình sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Song trong vụ án này, Công ty Kim Oanh được xác định là không có hành vi phạm tội. Trong việc nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc, Công ty Kim Oanh là bên thứ 3 ngay tình nên có “toàn quyền sử dụng và quyết định đầu tư trên diện tích này”.

Ngoài ra, việc mua bán, chuyển nhượng, đăng ký biến động và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Tân Phú đã được Sở Tài Nguyên và Môi trường Bình Dương thẩm định rồi thực hiện. Do vậy, khu đất này không thuộc trường hợp bị thu hồi theo Luật Đất đai 2013.

Tại tòa, Công ty Kim Oanh đề nghị được nộp tiền sử dụng đất chênh lệch và được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận.

Luật sư đánh giá, việc giao cho Công ty Kim Oanh và Công ty Tân Phú được tiếp tục thực hiện dự án vừa giúp khắc phục được toàn bộ thiệt hại liên quan đến khu đất 43ha, vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho người thứ ba ngay tình.

Đại diện Công ty Kim Oanh còn cho biết, doanh nghiệp này đã sở hữu Công ty Tân Phú và quản lý dự án từ năm 2017 đến nay với thời gian kéo dài 5 năm và 2 năm phải làm điều chỉnh chấp thuận 1 lần, phải trả lãi vay ngân hàng, chi phí quản lý… Doanh nghiệp đầu tư quá nhiều tiền của, công sức vào dự án. Việc giải quyết sai phạm tại 43ha trong thời gian quá dài dẫn đến rất nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín và mất đi cơ hội đầu tư, quay vòng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Còn tại khu đất 145ha, Tỉnh ủy Bình Dương cho biết đơn vị này cùng các bên liên quan gồm cổ đông Công ty Tân Thành (Công ty Hưng Vượng, Công ty Phát triển, PRT) và Công ty Tân Thành thống nhất trả lại đất cho Tỉnh ủy. Tỉnh ủy Bình Dương sẽ hoàn trả cho các cổ đông phần vốn góp bằng giá trị ban đầu tại Công ty Tân Thành.

Tuy nhiên, đại diện của BIDV không đồng ý với cách giải quyết này. Ngân hàng đang nhận thế chấp 650.000m2 đất (thuộc dự án sân golf Bình Hòa) nằm trong khu đất trên để cho Công ty Tân Thành vay vốn và khoản vay này đã quá hạn.

Nếu thu hồi đất thì hệ quả là khoản vay không có tài sản bảo đảm, trong khi đây là tài sản đảm bảo duy nhất. Ngân hàng cho rằng, Công ty Tân Thành và các cổ đông không có quyền tự ý thỏa thuận với bên khác để chuyển dịch khu đất trên mà không có sự đồng ý của BIDV.

Theo BIDV, nếu Công ty Tân Thành tiếp tục triển khai dự án sẽ giúp hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.

LO NGẠI ẢNH HƯỞNG VỐN HÓA DOANH NGHIỆP

Liên quan đến 2 khu đất trên, cơ quan tố tụng cho rằng PRT được nhà nước giao đất và được hưởng lợi từ việc nộp tiền sử dụng đất với giá thấp (nhà nước thiệt hại 760 tỷ đồng). Vì vậy, PRT phải nộp thêm 560 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Đại diện PRT cho rằng đề nghị này là không công bằng vì công ty đã phải trả chi phí bồi thường và giải phòng mặt bằng hơn 59 tỷ đồng và nộp thêm 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Do đó, PRT đề nghị phải xác định lại thiệt hại của vụ án.

Cũng theo PRT, nếu thu hồi 2 khu đất trên, thiệt hại nhà nước không còn. Thực tế, khi PRT cổ phần hóa và chuyển đổi thành công ty cổ phần thì doanh nghiệp không được hưởng lợi từ việc định giá sai quyền sử dụng đất. Vào thời điểm chốt sổ cổ phần hóa 31/12/2020, công ty đã hạch toán riêng các khoản doanh thu, lợi nhuận giai đoạn 2016-2018 để bàn giao cho chủ sở hữu.

“Nếu tòa án quyết định thu hồi 2 khu đất mà vẫn yêu cầu công ty nộp nghĩa vụ tài chính còn thiếu khiến chúng tôi rất hoang mang vì hiện tại PRT là công ty đại chúng với hơn 1.200 cổ đông. Nhà nước chỉ chiếm hơn 60% vốn, 40% vốn là cổ đông bên ngoài. Nếu phải đóng tiền sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính và vốn hóa công ty”, vị này nói thêm.

Đại diện PRT đề xuất, nếu trả lại đất thì đơn vị nhận chuyển giao/chuyển nhượng khu đất trên phải đóng khoản tiền 560 tỷ đồng.

CẦN CÓ TIỀN LỆ CHO BÊN THỨ BA NGAY TÌNH

Thời gian qua, vấn đề nhức nhối phát sinh từ các vụ đại án đất đai là thu hồi đất như nào để tránh xung đột các bên liên quan vì công sức, tiền bạc nhà đầu tư bỏ ra là thật, thậm chí có việc người dân đã chuyển vào sinh sống ổn định.

Còn nhớ, Đà Nẵng từng có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc thực hiện bản án khu đất 29ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Vì theo bản án, thành phố được giao nhiệm vụ thu hồi dự án nhưng chủ dự án đã chuyển nhượng nhà cho hàng trăm người dân vào ở. Việc thu hồi đất có thể gây ra khiếu kiện và những hậu quả khó dự báo.

Theo đại diện pháp lý của BIDV, nếu phán quyết cũng chỉ ghi chung chung theo đề nghị của Viện kiểm sát là “giành quyền khởi kiện cho các bên liên quan” thì họ rất hoang mang vì không biết quyền lợi của mình được giải quyết như nào. Ngân hàng mong muốn bản án phải được viết rõ ràng để tạo tiền lệ tốt cho bên thứ ba ngay tình. Ngân hàng cũng đề xuất các phương án khác nhau để mong muốn đảm bảo quyền lợi của các bên.

Thực tế, việc có một án lệ là rất quan trọng vì chỉ khi quyết định của tòa án được thực thi mới có thể giải phóng nguồn lực đất đai, giảm gánh nặng cho chủ thể khác trong xã hội.