15:40 17/08/2022

Tỉnh ủy Bình Dương nói gì về hướng xử lý “đất vàng”?

Đỗ Mến

Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết các bên đã thống nhất sẽ hoàn trả lại đất vàng cho Tỉnh ủy Bình Dương, tuy nhiên hiện nay, quan điểm của các bên có sự “vênh nhau”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 17/8, phiên tòa xét xử 28 bị cáo trong vụ án thất thoát “đất vàng” ở Bình Dương tiếp tục với phần thẩm vấn, trong đó có hướng xử lý khu đất 43ha và 145ha.

Trước khi cổ phần hóa, Tỉnh ủy Bình Dương là đại diện chủ sở hữu nắm giữ 100% vốn tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (còn gọi là Tổng công ty 3-2, mã PRT).

Trình bày tại tòa, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, theo công văn 407 phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa Tổng công ty 3-2 thì khu đất 43ha được chuyển lại cho Tỉnh ủy Bình Dương thông qua Công ty Impco (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).

Đại diện Viện kiểm sát đặt vấn đề: Tổng công ty 3-2 đã tự ý chuyển nhượng tài sản này, chủ sở hữu có ý kiến gì về vấn đề này? Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, căn cứ hồ sơ, việc doanh nghiệp chuyển nhượng đất Thường trực Tỉnh ủy không biết.

Vị này cho biết quan điểm của Tỉnh ủy cũng thể hiện rất rõ là Tỉnh ủy đã hủy bỏ các chủ trương trước đây và yêu cầu các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra.

Theo đại diện Tỉnh ủy Bình Dương, 2 khu đất này nằm ở vị trí cửa ngõ, là nơi khẳng định thương hiệu của tỉnh Bình Dương. Đến bây giờ, Văn phòng Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đang quyết liệt giải quyết. Hành vi cá nhân nào gây ra thì cơ quan tố tụng sẽ phán quyết còn trách nhiệm của tỉnh là tìm mọi cách để làm đúng pháp luật.

Trả lời Hội đồng xét xử, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, liên quan đến khu đất 145ha, giữa Tỉnh ủy Bình Dương, văn phòng Tỉnh ủy, Công ty Tân Thành và các cá nhân, pháp nhân góp vốn có văn bản sẽ hoàn trả khu đất trên cho Tỉnh ủy. Tỉnh ủy Bình Dương hoàn trả tiền vốn góp cho nhà đầu tư tại thời điểm góp vốn.

Đại diện Công ty Tân Thành cho biết họ tôn trọng quyết định của tòa án, giữ nguyên quan điểm trả lại dự án cho Tỉnh ủy. Công ty mong muốn tòa án xem xét đến quyền lợi của cổ đông trên giá trị hiện tại của Công ty Tân Thành.

Với tư cách là cổ đông sở hữu 30% vốn tại Công ty Tân Thành, đại diện của PRT cho biết họ đồng ý theo phán quyết của tòa án nhưng nếu thu hồi đất thì mong muốn được xêm xét lại giá trị 30% vốn bằng thời điểm định giá trong thời kỳ cổ phần hóa.

Còn tại khu đất 43ha, giữa Tỉnh ủy Bình Dương và Công ty Kim Oanh (chủ sở hữu Công ty Tân Phú – PV) thống nhất Công ty Kim Oanh nộp tiền chênh lệch sử dụng đất. Để không thất thoát tài sản nhà nước, nếu bắt buộc phải đấu giá lại khu đất, tòa phải hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa Tổng công ty 3-2 và Công ty Kim Oanh. Nếu tòa án tuyên hủy hợp đồng thì Tỉnh ủy phải đấu giá, định giá đất và trừ số tiền đối tác đã mua. Tỉnh ủy cố gắng bằng mọi giá không làm thất thoát vốn nhà nước và làm đúng pháp luật.

Tại tòa, đại diện Công ty Tân Phú tiếp tục tái khẳng định sẽ đóng thêm phần tiền chênh lệch sử dụng đất.

Theo cáo trạng, PRT được UBND tỉnh Bình Dương giao 2 khu đất 43 ha và 145 ha ở Thủ Dầu Một nhưng quá trình cổ phần hóa, xảy ra các sai phạm. Tại khu đất 145ha, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT của PRT)  và đồng phạm không xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa mà tạo điều kiện cho 2 công ty “sân sau” là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển tham gia liên danh với Công ty Tân Thành. Các bị cáo cũng hợp thức các thủ tục pháp lý để góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 145ha vào Công ty Tân Thành, không báo cáo và không được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt. Hành vi trên khiến nhà nước thất thoát hơn 4.030 tỷ đồng.

Ngoài ra, vì vụ lợi, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo chuyển nhượng trái phép khu đất 43ha và 30% vốn góp của PRT tại Công ty Tân Phú sang Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương – con rể ông Minh nắm quyền điều hành, gây thất thoát cho nhà nước số tiền hơn 984 tỷ đồng. Sau đó, các bị cáo chuyển nhượng vốn góp cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TPHCM.

Tại 2 khu đất này còn xảy ra sai phạm do các bị cáo thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương áp giá đất năm 2006 để tính tiền sử dụng đất năm 2012, gây thất thoát cho nhà nước hơn 760 tỷ đồng.

VƯỚNG MẮC CỦA DOANH NGHIỆP “ĐẶC THÙ”

Quá trình thẩm vấn, bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, giữ vai trò Trưởng ban cổ phần hóa PRT thời kỳ năm 2015-2020) khai, khi nhận nhiệm vụ, bị cáo không hiểu, không biết nhiều hoạt động của tổng công ty. Quá trình hoạt động của PRT chủ yếu báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

Bị cáo Liêm cho rằng Tổng công ty 3-2 có sức ép đặc thù. Đây là doanh nghiệp mà chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh thực hiện theo chủ trương của Tỉnh ủy, ngay cả việc xác định phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp đều phải báo cáo, xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy. Chủ tọa gắt: “đặc thù vẫn phải tuân thủ theo quy định pháp luật”.

Trong chiều nay, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cũng cho biết Tỉnh ủy Bình Dương là tổ chức chính trị làm kinh tế. Tổng công ty 3-2 là doanh nghiệp của Đảng. Tỉnh ủy mong muốn huy động nguồn lực trong nước, xã hội hóa để phát triển kinh tế Bình Dương. Tổng công ty 3-2 cũng nằm trong sức mệnh đó, ngoài việc giải quyết công ăn việc làm thì phải đóng góp cho sự phát triển cho Bình Dương. Khi xí nghiệp 3-2 trở thành tổng công ty vốn hóa mấy ngàn tỷ vẫn thực hiện theo cơ chế quản lý cũ.

Ngoài bộ máy công ty, theo quy định còn có kiểm toán viên để chủ sở hữu kiểm soát. Văn phòng Tỉnh ủy hình thành phòng tài chính đảng, có chức năng theo dõi, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp và quản lý tài chính. Vì mọi hoạt động của đảng cũng nhận ngân sách nhà nước. Với cơ cấu 2 chức năng trên, mà phòng chỉ có 4 người, trong đó chỉ 1 đồng chí theo dõi hoạt động doanh nghiệp, chắc chắn sẽ có khó khăn. Chính vì khó khăn đó dẫn đến vấn đề không như mong muốn ngày hôm nay.