Số phận pháp lý 2 khu “đất vàng” của PRT
Trên các khu đất vàng của Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương hiện đã diễn ra các giao dịch chuyển nhượng và thế chấp; do đó có liên quan đến quyền lợi của các bên thứ ba. Tuy nhiên, việc đất vàng có bị thu hồi hay giao cho các bên liên quan thì còn phải chờ phán quyết của tòa án...
Sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (còn gọi là Tổng công ty 3-2, mã PRT) khiến các cựu cán bộ cao cấp của tỉnh Bình Dương, lãnh đạo của PRT dính líu pháp luật. Vụ án được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử.
Hiện giới đầu tư đặc biệt quan tâm đến số phận pháp lý 2 khu "đất vàng" là 43ha và 145ha.
Như VnEconomy đưa tin, trước khi cổ phần hóa, PRT là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu. PRT được giao sử dụng, quản lý 2 khu đất 43ha và 145ha. Tuy nhiên, quá trình hoạt động doanh nghiệp, các bị cáo thực hiện các hành vi sai phạm dẫn đến nhà nước bị thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Cáo trạng thể hiện, tại khu đất 145ha, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT của PRT) và đồng phạm không xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa mà tạo điều kiện cho 2 công ty “sân sau” là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển tham gia liên danh với Công ty Tân Thành. Các bị cáo cũng hợp thức các thủ tục pháp lý để góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 145ha vào Công ty Tân Thành, không báo cáo và không được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt. Hành vi trên khiến nhà nước thất thoát hơn 4.030 tỷ đồng.
Ngày 31/12/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương có công văn đề nghị ngăn chặn các hoạt động liên quan đến quyền sử dụng 145ha.
Chiều 18/6, trình bày tại tòa, đại diện Công ty Tân Thành cho biết cơ cấu cổ đông gồm PRT sở hữu 30% vốn, Công ty Hưng Vượng sở hữu 38% và Công ty Phát triển sở hữu 31%. Khu đất trên gồm 2 hạng mục gồm sân golf và khu thương mại dịch vụ. Hiện nay sân gofl đã đưa vào khai thác. Công ty Tân Thành đầu tư hơn 400 tỷ đồng vào khu đất trên.
Ngoài ra, công ty đã thế chấp 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn Ngân hàng BIDV. Cho đến nay, tổng dư nợ vay là hơn 200 tỷ đồng. Công ty đề nghị tòa án xem xét quyền lợi của các cổ đông hiện tại và các bên liên quan cũng như quyền lợi của các hội viên đầu tư vào sân golf.
Theo đại diện Ngân hàng BIDV, hiện khoản tín dụng trung – dài hạn của Công ty Tân Thành đã quá hạn. Do đó, ngân hàng đề nghị tòa án căn cứ vào các quy định pháp luật xác nhận bên nhận thế chấp là bên thứ ba ngay tình.
Còn tại khu đất 43ha, cơ quan điều tra đã tạm giữ 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Tân Phú.
Theo cáo trạng, vì vụ lợi, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo chuyển nhượng trái phép khu đất 43ha và 30% vốn góp của PRT tại Công ty Tân Phú sang Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương – con rể ông Minh nắm quyền điều hành, gây thất thoát cho nhà nước số tiền hơn 984 tỷ đồng.
Trong thương vụ “thâu tóm” đất vàng, Công ty Âu Lạc đã ký hợp đồng hợp tác với PRT để thành lập Công ty Tân Phú (tỷ lệ vốn góp PRT 30% - Âu Lạc 70%)nhằm thực hiện dự án tại khu đất 43ha. Mặc dù PRT chưa chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú và chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp song bị cáo Dương đã đàm phán, thỏa thuận với bà Nguyễn Thị Kim Oanh.
Theo đó, hai bên thỏa thuận sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TPHCM. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 14/3/2018, chủ sở hữu Công ty Tân Phú là Công ty Kim Oanh.
Cáo trạng cũng ghi rằng bà Kim Oanh không biết, không liên quan đến hành vi chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha. Việc bà Oanh chuyển tiền thanh toán theo thỏa thuận, vay và cho vay với bị cáo Nguyễn Đại Dương không liên quan đến hành vi làm trái của bị cáo Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm thuộc Tỉnh ủy Bình Dương.
Trình bày tại tòa, đại diện Công ty Tân Phú cho biết, công ty đang chuẩn bị các thủ tục san lấp đường, thiết kế… để triển khai dự án. Với tư cách là chủ sở hữu Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh mong muốn được xem xét là bên thứ ba ngay tình. Trong trường hợp phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất chênh lệch tăng thêm, công ty mong muốn được nộp và đề nghị cơ quan chức năng cho phép công ty tiếp tục thực hiện dự án.
Đại diện công ty cũng đề nghị xin nhận lại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cơ quan điều tra thu giữ.
Liên quan đến 2 khu đất này, các bị cáo thuộc UBND tỉnh Bình Dương thực hiện hành vi trái pháp luật khi áp đơn giá đất năm 2006 để tính thu tiền sử dụng đất năm 2012 cho PRT. Trong đó, số tiền chênh lệch lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tính riêng tại khu đất 43ha, PRT chỉ nộp hơn 5 tỷ đồng trong khi giá trị khu đất là hơn 106 tỷ đồng; còn khu đất 145ha, giá thu thực tế là 654 tỷ đồng, còn PRT chỉ nộp 24,4 tỷ đồng.
Như vậy, trong trường hợp được cơ quan tố tụng chấp nhận, số tiền chênh lệch Công ty Tân Phú phải nộp bổ sung là khoảng 100 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, PRT đã nộp lại hơn 125,6 tỷ đồng. Gia đình bị cáo Nguyễn Văn Minh và Công ty Âu Lạc nộp lại hơn 126,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả tại khu đất 43ha. Năm 2021, PRT nộp hơn 200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước để bổ sung tiền sử dụng 2 khu đất trên.