Móng Cái và tham vọng "thành phố cửa khẩu quốc tế”
Lộ trình mới cho Móng Cái sau qui hoạch Khu kinh tế cửa khẩu vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
“Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Một cánh cửa mới nhìn ra thế giới” là chủ đề chính của Hội nghị công bố các qui hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh được tổ chức tại thành phố Móng Cái ngày 7/11/2015.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Quảng Ninh, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã được định vị một tầm nhìn mới, tư duy chiến lược mới, quy hoạch phát triển mới, khí thế mới và vì một tương lai mới.
Với lợi thế “mặt tiền” về cả cửa khẩu, cảng, biển, du lịch…Khu kinh tế của khẩu Móng Cái được xác định là 1 trong 2 mũi đột phá trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Ngay từ năm 1996, Móng Cái là cửa khẩu đầu tiên được Chính phủ cho phép áp dụng một số chính sách nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, công nghiệp tại khu vực biên giới.
Năm 2009, Móng Cái được Chính phủ xác định là 1 trung tâm kinh tế của vành đai ven biển vịnh Bắc bộ, là động lực phát triển của vùng Đông Bắc. Trong 5 năm qua, từ 2010 – 2015, tổng giá trị hàng hóa thông qua cửa khẩu Móng Cái đạt 23 tỷ USD, tổng thu ngân sách đạt 5.806 tỷ đồng, luôn trong top dẫn đầu của 7 địa phương có đường biên giới giáp với Trung Quốc.
Lượng du khách qua cửa khẩu trong 5 năm lên đến 3,08 triệu lượt, doanh thu từ du lịch - dịch vụ đạt 2.877 tỷ đồng. Bên cạnh hàng trăm dự án của các nhà đầu tư trong nước, trên địa bàn hiện có 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,106 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt ở mức 3.107 USD…
Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu này sẽ được áp dụng tất cả các chính sách ưu đãi hiện có của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh đối với các dự án đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh như ưu đãi về các loại thuế, tiền thuê đất, mặt nước, huy động vốn, chính sách về xuất nhập cảnh…
Theo ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Ninh, đây thực sự là cơ hội phát triển lớn cho các nhà đầu tư. Nhưng cũng có nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt như: thị trường biên mậu với Trung Quốc không ổn định, dân số ít, lực lượng lao động mỏng, chất lượng chưa cao…
Nhằm hiện thực hóa các qui hoạch này, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Thành phố Móng Cái cho biết, song hành với phát triển kinh tế biên mậu, Móng Cái sẽ tập trung tăng cường sức mạnh nội lực, nâng cao tính chủ động trong phát triển kinh tế.
Trước mắt, tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm, trước hết là giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, tạo quỹ đất sạch, huy động nguồn lực để kiến thiết hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối liên vùng và quốc tế, như: đường ven biển nối Móng Cái - Hải Hà, Khu du lịch cao cấp Trà Cổ - Bình Ngọc - Vĩnh Thực, cáp treo ra đảo Vĩnh Thực...
Thứ hai là phát triển hệ thống cảng nước sâu, mở rộng cảng cạn ICD, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp. Thứ ba là đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong thời gian gần đây, hàng loạt các doanh nghiệp đã và đầu tư vào địa phương này như dự án xây dựng trụ sở văn phòng, khách sạn của Công ty Cổ phần xây dựng Trí Đức, dự án nhà máy sản xuất sợi tại khu công nghiệp Hải Yên, dự án mở cảng cạn km 3+4 Móng Cái của Công ty Cổ phần Thành Đạt....
Tham vọng và cũng là mục tiêu đặt ra, Móng Cái sẽ phát triển trở thành một thành phố cửa khẩu quốc tế, thành trung tâm công nghiệp, cảng biển, tài chính, khu mậu dịch tự do hiện đại...và là cầu nối thúc đẩy hợp tác với các nước Asean và Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu này, vẫn là cả một lộ trình dài trước mắt.