Hồ Ba Bể phấn đấu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030
Quy hoạch nhằm hướng tới phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể gắn với phát triển du lịch bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030 và trung tâm du lịch trọng điểm của toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ...

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 1407/QĐ-TTg quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể. Đây là cơ sở giúp phát huy hiệu quả giá trị di sản Hồ Ba Bể, hướng tới mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030.
Mục tiêu quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ các giá trị đặc sắc, nổi bật của Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Quy hoạch nhằm hướng tới phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể gắn với phát triển du lịch bền vững, hình thành thương hiệu du lịch đặc sắc của địa phương; hình thành tuyến kết nối du lịch - di sản liên vùng với các khu, điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc, hướng tới mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030 và trung tâm du lịch trọng điểm của toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ…
Nội dung quy hoạch gồm: quy hoạch phân vùng chức năng; quy hoạch tổ chức tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan di tích; quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật...
Trong đó, quy hoạch tổ chức tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan di tích sẽ tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan của khu vực quy hoạch với mục tiêu lấy Hồ Ba Bể làm hạt nhân, xác lập thành 4 không gian chức năng chính:
Không gian phía Bắc: khai thác giá trị nổi bật về cảnh quan sông nước, thác, hang động tự nhiên, văn hóa bản địa và đầu mối kết nối Hồ Ba Bể với khu vực Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) dọc theo sông Năng.
Không gian phía Nam: cửa ngõ phía Nam của di tích; hình thành không gian bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc bản địa; khai thác các giá trị cảnh quan, sinh thái, văn hóa cộng đồng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ dọc sông Lèng;
Không gian phía Đông: cửa ngõ phía Đông của di tích; hình thành trung tâm đón tiếp, điều hành, khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, nghỉ dưỡng gắn với Vườn quốc gia Ba Bể.
Không gian phía Tây: không gian bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa người Mông, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sinh thái.
Các không gian trên được kết nối theo các trục liên kết chính có trục liên kết sinh thái tự nhiên Hồ Ba Bể; liên kết theo trục giao thông Quốc lộ 3C (đường 254 hiện tại); tuyến Khang Ninh - Na Hang; tuyến Nam Mẫu - Quảng Khê.
Ngoài ra, khu vực di tích được quy hoạch phát triển thành 19 phân khu chức năng, bảo đảm lồng ghép với các định hướng quy hoạch xây dựng, làm cơ sở triển khai những dự án thành phần.
Đồng thời cũng định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Trong đó, đối với thị trường khách du lịch: khách du lịch trong nước sẽ là thị trường chủ đạo, hướng đến tăng dần tỷ trọng khách du lịch quốc tế; chú trọng khai thác các phân khúc khách chi trả cao và có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khai thác các giá trị nổi bật về cảnh quan, địa chất: Thung lũng đá thạch nhũ (Động Hua Mạ và khu vực ven sông Lèng), Làng nhà sàn (khu vực Pác Ngòi), vùng đất ngập nước (khu vực suối Cốc Tộc), Rừng cao nguyên (khu vực Khau Qua), Sông nước (khu vực sông Năng) và Thác nước (khu vực thác Đầu Đẳng); khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc người Tày, Mông, Dao, Nùng.
Các loại hình du lịch chính gồm: Du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tín ngưỡng...