Muốn phục hồi phải có giải pháp mạnh hơn giải pháp đã có - Ảnh 1
Muốn phục hồi phải có giải pháp mạnh hơn giải pháp đã có - Ảnh 2
Tăng trưởng GDP quý 3/2021 âm 6,17% giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài. Mức giảm sâu đã khiến tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ còn 1,42%. Vậy theo ông, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt mức nào?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho quý 4/2021 cũng như cả năm 2021. Tăng trưởng GDP ở các kịch bản thứ nhất và thứ hai lần lượt ở các mức 3% và 3,5%; tương ứng với đó, tăng trưởng GDP quý 4/2021 sẽ phải ở các mức 7,06% và 8,84%.

Việc đạt mức tăng trưởng tới 8,84% trong quý 4 là rất khó khả thi, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, công suất hoạt động không đạt được 100% và một lượng lao động không nhỏ đã dịch chuyển về quê…

Vì vậy, tăng trưởng GDP năm nay có thể chỉ đạt 3%, chưa bằng nửa mục tiêu tăng trưởng năm đặt ra trước đó. Và đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp không đạt được mục tiêu tăng trưởng do những tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới nền kinh tế.

Muốn phục hồi phải có giải pháp mạnh hơn giải pháp đã có - Ảnh 3
Là năm thứ hai không đạt mục tiêu tăng trưởng, vậy ông nhìn nhận như thế nào về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới?

Kinh tế thế giới phục hồi nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia phát triển và Trung Quốc. Điều này có lợi cho Việt Nam vì đây đều là những đối tác lớn trong đầu tư và thương mại.

Về tình hình trong nước, đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Vì vậy, muốn phục hồi và đạt được mục tiêu tăng trưởng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đề ra, chúng ta phải nhìn thẳng và đánh giá thực chất hơn những vấn đề của nền kinh tế. Bởi áp lực tăng trưởng dồn vào 4 năm tới là rất lớn khi phải đạt mức tăng trưởng trung bình 7-7,5%/năm. Trong đó, nền kinh tế sẽ phải tăng tốc rất nhanh trong ba năm từ 2022-2024.

Ở các quốc gia phát triển, họ có thể phục hồi rất nhanh cho dù tốc độ tăng GDP giảm, thậm chí âm do Covid-19 nhưng thu nhập của người dân không đổi nên cầu vẫn bùng nổ sau đại dịch.

Việt Nam hoàn toàn khác. Nền kinh tế bị tổn thất trong đại dịch, nhiều ngành tê liệt và hàng triệu lao động bị mất việc làm. Cầu giảm rất mạnh cả trong và sau đại dịch. Vì vậy, năng lực phục hồi của nền kinh tế rất yếu cả về phía cung và cầu.

Không chỉ vậy, đại dịch còn khiến cơ cấu kinh tế, lao động, phân bổ nguồn lực bị đảo lộn rất mạnh, đặc biệt ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hàng trăm nghìn lao động đã dịch chuyển về quê khó có thể trở lại làm việc trong một thời gian ngắn.

Năng lực và nguồn lực đã bị xói mòn nghiêm trọng. Các động lực tăng trưởng chủ yếu (trừ xuất khẩu) đã yếu đi một cách đáng kể. Ba vùng động lực vốn đã mất động lực, nay lại thiệt hại nghiêm trọng.

Vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng xây dựng chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong những năm tới. Trong đó, chương trình này cần phải đánh giá bối cảnh bên trong một cách thẳng thắn để báo động về một viễn cảnh không sáng trong giai đoạn tới.

Muốn phục hồi phải có giải pháp mạnh hơn giải pháp đã có - Ảnh 4
Theo ông, chương trình phục hồi như thế này phải có quy mô như thế nào có thể đưa nền kinh tế từng bước quay trở lại và tăng tốc nhanh trong thời gian tới?

So với giai đoạn 1999 và 2011, dư địa chính sách hiện nay của chúng ta vẫn còn và tốt hơn nhiều. Lạm phát thấp và ổn định. Hệ thống tài chính tuy còn rủi ro nhưng vững và tốt hơn trước. Bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép, chủ yếu là “ta trói ta” chứ không phải là ta không có dư địa.

Cán cân đối ngoại giữ vững, dự trữ ngoại tệ trên 100 tỷ USD, tăng gấp 4-5 lần so với thời kỳ trước. Dư địa chính sách còn hay không chủ yếu do chúng ta quan niệm. Tại thời điểm này, chúng ta phải chi mạnh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Về chính sách tiền tệ, ngoài chính sách giảm lãi suất, chúng ta có thể mở cung tiền, tăng tín dụng và có gói tín dụng đặc biệt.

Muốn phục hồi phải có giải pháp mạnh hơn giải pháp đã có - Ảnh 5
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Chương trình phục hồi và đẩy nhanh phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023. Vậy theo ông, chương trình này nên tập trung vào những điểm nào?

Tôi cho rằng có mấy điểm cần lưu ý. Đó là tiếp tục tổ chức sản xuất, cuộc sống xã hội và quản lý nhà nước an toàn, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Nhưng sinh kế và sinh mạng là hai mặt của một vấn đề, bổ sung, củng cố cho nhau, không thể tách rời.

Đồng thời nhanh chóng phục hồi lại, củng cố vững chắc các động lực tăng trưởng của nền kinh tế vì nhiều động lực đã suy yếu. Và phải sử dụng nguồn lực đúng mục đích, đúng đối tượng, và hiệu quả.

Giải pháp cần cụ thể, khả thi và có thể thực hiện được ngay và nhanh trong thời hạn đã định. Trong bối cảnh đặc biệt, có thể tính tới giải pháp phi truyền thống.

Chương trình phục hồi cần đưa ra mục tiêu cụ thể hơn. Trong đó một số chỉ tiêu phải cao hơn mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2021-2025. Như vậy mới đạt được mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Muốn phục hồi phải có giải pháp mạnh hơn giải pháp đã có - Ảnh 6
Dự thảo hiện nay đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế. Ông đánh giá như thế nào?

Dự thảo đưa ra quá nhiều giải pháp (78 giải pháp chia thành 8 nhóm) nhưng lại chưa cụ thể và khả thi, chưa tập trung vào một chương trình có thời hạn 2-3 năm.

Quan điểm của tôi là giải pháp viết ra trong chương trình phục hồi này không trùng lặp với các chính sách, kế hoạch, chương trình đã có mà cần mạnh hơn, cao hơn giải pháp đã có và tập trung vào 5 nhóm chính.

Thứ nhất, tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế thông qua tập trung tìm kiếm, cung ứng đủ vaccine; ban hành quy định về kiểm soát an toàn dịch bệnh và tăng cường năng lực cho hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vượt qua đại dịch với việc hỗ trợ thanh khoản, giảm hoặc bỏ những chi phí dù doanh nghiệp không kinh doanh cũng phải trả như phí kiểm định xe, phí đường bộ… hỗ trợ phí phòng chống dịch, chuyển từ hoãn, giãn các khoản thuế sang miễn thuế trong 1-2 năm sau đại dịch, miễn phí công đoàn trong ba năm và có chương trình tín dụng đặc biệt cho một số ngành bị tê liệt như du lịch, hàng không…

Thứ ba, triển khai chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Thứ tư, đẩy mạnh chương trình hỗ an sinh xã hội và đào tạo lại lao động.

Thứ năm, kiên trì cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng ta có nhiều nghị quyết và các chương trình cải cách thủ tục hành chính nhưng nhiều năm nay chỉ có thành tích trên báo cáo chứ không có hiệu lực trong cuộc sống.

Vì vậy, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, kiên trì mở rộng quyền tự do kinh doanh, cải cách hành chính tư pháp và đặc biệt là cải cách luật lệ phân bổ và sử dụng nguồn lực nhất là Luật Đất đai và sớm xây dựng khung khổ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đây là lĩnh vực mới chúng ta đang khiếm khuyết về thể chế cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để phát triển đội ngũ startup, thu hút nhân tài, vốn đầu tư mạo hiểm…

Muốn phục hồi phải có giải pháp mạnh hơn giải pháp đã có - Ảnh 7