Năm “kiên định”sẽ đưa Vinatex vượt bão  - Ảnh 1
Năm “kiên định”sẽ đưa Vinatex vượt bão  - Ảnh 2

Hai năm khó khăn chưa từng có đối với dệt may dưới tác động của dịch Covid-19 tưởng chừng đã qua. Bước sang năm 2022, các doanh nghiệp trở lại “đường đua” với khí thế hừng hực, nhưng sự đảo chiều quá nhanh của thị trường khiến nhiều doanh nghiệp bị quay trở lại vạch xuất phát. Với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thì thế nào, thưa ông?

Quả thật, những người làm dệt may chưa bao giờ gặp phải tình huống như năm 2022, đầu năm hừng hực khí thế nhưng cuối năm đổi chiều nhanh chóng. Từ trước đến nay, khi thị trường đi vào khó khăn đều có những tín hiệu nhìn thấy và có dấu hiệu báo trước khoảng 6 tháng mới có sự suy giảm.

Đằng này, 6 tháng đầu năm 2022 hết sức rực rỡ, thậm chí tăng trưởng của Vinatex quý 1/2022 hơn 40%, hết quý 2/2022 còn 35% - tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 15 năm trở lại đây, hết quý 2 đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nếu vẫn duy trì được phong độ như 6 tháng đầu năm thì cả năm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận so với năm ngoái sẽ trên 25%, có thể đạt tới 2.000 tỷ đồng.

Nhưng chỉ trong vòng 2 tháng, tình hình xoay chuyển hoàn toàn, bao gồm cả đơn hàng đã cam kết từ tháng 8\9\10 cứ rụng dần. Cứ mỗi ngày, mỗi tuần lãnh đạo doanh nghiệp lại nhận được tin hủy hoặc chậm lại đơn hàng. Không phải giảm 5-10% mà có đơn vị giảm tới 70-80% đơn hàng của quý 3 và 4/2022. Đặc biệt khối doanh nghiệp hàng dệt kim rất thắng lợi, tăng trưởng mạnh trong năm 2021 thì lại bị suy giảm sớm nhất và nặng nhất từ tháng 6/2022.

Không chỉ vậy, áp lực này còn cực lớn với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu khi bước vào giai đoạn giá bán thấp hơn giá thành.Thậm chí có lúc giá bán thành phẩm thấp hơn giá bông nguyên liệu, bởi bông nguyên liệu doanh nghiệp phải mua trước 3-4  tháng, lúc đó giá bông cao. Đến khi làm thành sợi thì cầu về hàng may mặc giảm nên giá vải thấp hơn cả giá bông trong kho.

Nhưng chính vì dự báo được tình hình nên Vinatex đã có những giải pháp tích cực để đảm bảo quý 3 và 4 không phát sinh lỗ mà vẫn có một chút lợi nhuận tăng lên so với kết quả quý 2.

Do đó, năm 2022 lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn vẫn đạt hơn 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ bằng 70% so với lợi nhuận năm 2021. Chỉ tiêu doanh thu hoàn thành và vượt mức tăng trưởng 8% nhưng hiệu quả không tăng tương ứng do thị trường quá khắc nghiệt. Mọi chỉ tiêu kế hoạch của Đại hội đồng cổ đông đều đạt kế hoạch đặt ra. Song có thể đánh giá trong bối cảnh nhiều khó khăn “bủa vây” thì đây là một năm quản trị thành công của chúng tôi.

Năm “kiên định”sẽ đưa Vinatex vượt bão  - Ảnh 3

Hai sắc màu thị trường đầu năm-cuối năm khác nhau hoàn toàn. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa của sự đảo chiều này?

Tôi cho rằng lý do lớn nhất của việc đảo chiều này đó là sự khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng về dự báo việc làm và kinh tế không sáng sủa. Sự gia tăng phi mã của giá nguyên nhiên liệu làm tất cả người tiêu dùng trên thế giới có xu thế phải tiết kiệm để chuẩn bị cho một thời gian khó, nhất là mùa đông ở các xứ lạnh.

Cùng với đó là lạm phát rất cao ở các nước làm cho tâm lý tiêu dùng đột ngột thay đổi theo chiều hướng hoảng sợ dù việc làm chưa thiếu, thất nghiệp chưa tăng. Yếu tố lãi suất ngân hàng tăng làm người tiêu dùng có sở thích gửi tiết kiệm tốt hơn chi tiêu. Thay vì trước đây gửi tiết kiệm được 1% thì nay lên 4%, đây là “ước mơ” ở Mỹ 40 năm mới xuất hiện một lần.

Ngoài ra, hiện tượng quá mua của quý 1/2022 cũng khiến đơn hàng giảm mạnh ở các quý sau. Hầu hết các dự báo đều nhận định, thế giới đã quay trở lại những ngày tươi sáng, cộng với kinh nghiệm của năm 2021 là giao hàng rất chậm nên người mua có xu thế đặt nhiều lên để bù thời gian giao chậm.

Nhưng đến khi hàng về thì cầu thị trường quay đầu, khiến dự trữ tồn kho tăng đột biến. Trong điều kiện bình thường tồn kho chỉ là 2 tháng nhưng giờ tăng lên tới 4-5 tháng chưa hết. Điều này khiến các nhà mua phải cắt ngay các đơn hàng tiếp theo nếu không muốn tồn kho không có chỗ chứa. Đây là những nguyên nhân khiến nhà mua phải cắt giảm ngay đơn hàng trên toàn chuỗi cung ứng.

Năm “kiên định”sẽ đưa Vinatex vượt bão  - Ảnh 4

Dù khó khăn nhưng chưa đơn vị nào của Tập đoàn phải cắt giảm lao động, doanh thu vượt 8% kế hoạch, lợi nhuận vượt 24% kế hoạch, thu nhập bình quân của người lao động tăng 15% so với năm 2021, đảm bảo tháng lương thứ 13 cho người lao động... Bí quyết ở đây là gì, thưa ông?

Dự báo là yếu tố có đóng góp quan trọng trong phản ứng quản trị của Tập đoàn. Thậm chí chúng tôi dự báo sớm được khả năng cắt đơn hàng của các đối tác, mặc dù họ đã đặt hàng. Dự báo đưa ra sớm 2-3 tuần thì doanh nghiệp có thể xoay xở được đơn hàng bù đắp vào đơn hàng bị cắt.

Chính vì vậy, đến giờ phút này các đơn vị thành viên của Vinatex chưa phải cắt giảm lao động dù giảm giờ làm khá nhiều. Ở những tháng đỉnh cao chính vụ, thông thường một tháng công nhân tăng ca khoảng 40 giờ, làm việc khoảng 58 giờ/tuần, thì năm nay không có tăng ca, tăng giờ, vẫn có doanh nghiệp giữ được 48, 44, 40 giờ làm việc trong tuần. Vì có những dự báo sớm nên doanh nghiệp ít bị động hơn, chủ động sắp xếp được khu vực nghỉ, khu vực làm, tránh tình trạng không có đơn hàng phải cho cả nhà máy nghỉ.

Mặt khác, dự báo cũng giúp lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra quyết định tối ưu nhất, thực hiện được mục tiêu giữ việc làm cho người lao động. Vì thế, hết 9 tháng 2022, lương bình quân của Vinatex tăng 12% so với bình quân năm trước, đạt 9,2 triệu đồng/tháng, tăng 6-7% so với năm ngoái. Nếu quý IV không khó khăn, lương bình quân người lao động dự kiến tiệm cận 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài sản phẩm dự báo về nhu cầu, Vinatex có thêm sản phẩm dự báo về tồn kho của các nhà cung cấp lớn trên thế giới để thấy được từng thời điểm họ tồn kho, giải tồn thế nào, khi nào họ đặt hàng lại…

Khi đã dự báo tốt, phải có công cụ vận hành dự báo. 3 năm qua Vinatex rất tích cực đi vào quản trị thống nhất trên một nền tảng chung để thấu hiểu nhau, chia sẻ tài nguyên, hỗ trợ liên thông trong chuỗi cung ứng.

Năm “kiên định”sẽ đưa Vinatex vượt bão  - Ảnh 5

Giống như Singapore trước đây có người Mã, người Ấn, người Hoa nên ông Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính của Singapore. Chính vì thế cả nước Singapore học nói tiếng Anh và từ đấy họ phát triển rất mạnh. Với Vinatex cũng vậy, chúng tôi không nói tiếng May 10, Việt Tiến hay Phong Phú mà chúng tôi chấp nhận chọn một tiếng nói chung mới. Cho nên 3 năm qua Vinatex đã nỗ lực xây dựng ngôn ngữ chung này.

Trong quá trình xây dựng ngôn ngữ chung đó, Vinatex sử dụng 2 công cụ chính là đào tạo và số hóa. Chúng tôi coi mỗi đơn vị là một trường phái võ khác nhau, vì vậy Vinatex “dạy” lại theo võ của Vinatex. Mỗi năm bình quân Vinatex có 1.000 cán bộ cấp trung trở lên được đào tạo theo mẫu quản trị cấp cao. 150 cán bộ có trình độ đại học dưới 30 tuổi (lớp tài năng trẻ) được học trong một năm, hơn 400 cán bộ cấp trung (giám đốc cấp nhà máy) được đào tạo. Bên cạnh đó, hệ thống trường đại học của Vinatex đào tạo các lớp chuyền trưởng, tổ trưởng cho các đơn vị trên một chương trình khung chung để chuẩn hóa quản trị.

Công cụ số hóa và phần mềm hoá của Tập đoàn đi từ nội tại và khớp với nhu cầu thực tế nên có tính ứng dụng cao. Ngành tạo ra hiệu quả nhưng cũng phải bỏ ra nhiều vốn là ngành sợi nên được số hoá trước. Tiếp theo là số hoá quản trị trên công ty mẹ, số hoá hệ tài chính của công ty mẹ để giải quyết công việc dưới một cách thông suốt.

Hai công cụ này nhằm giải quyết mục tiêu là xây dựng ngôn ngữ và văn hóa chung của Vinatex. Nếu không nói ngôn ngữ chung thì sẽ không dám đứng ra làm đầu mối nhận trọn vẹn một đơn hàng nào, vì không chắc đơn vị kia có làm đúng ý mình hay không. Giải pháp này sẽ theo Vinatex đến năm 2030 để trở thành chuỗi cung ứng trọn vẹn về sản xuất.

Năm “kiên định”sẽ đưa Vinatex vượt bão  - Ảnh 6

Những thách thức mà doanh nghiệp ngành dệt may nói chung, Vinatex nói riêng, sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, theo ông, là gì?

Thách thức lớn nhất thời gian tới là chưa nhìn thấy thời điểm có sự phục hồi của nhu cầu thị trường. Sự phục hồi này đòi hỏi phải giải quyết được nguyên nhân sâu xa của đợt suy giảm tổng cầu vừa qua là tâm lý tiêu dùng. Chỉ bao giờ người dân ở các khu vực tiêu thụ lớn cảm nhận thế giới an toàn trở lại, tổng cầu mới vực lên.

Rất khó dự báo thời điểm nào phục hồi để có giải pháp phân bố nguồn lực chống chọi đến thời điểm đó. Nếu nghĩ rằng khó khăn dài, kìm hãm lại mọi hoạt động thì có thể mất cơ hội. Nếu cho rằng khó khăn ngắn, dùng hết dự trữ mà chưa hết khó khăn thì doanh nghiệp sẽ lâm vào khủng hoảng.

Trong các mô hình, với dệt may mô hình tốt nhất là hết tháng 6/2023 thì hết suy giảm hiện nay, nhưng tổng cầu thế giới vẫn thấp hơn năm 2020. Phương án tốt nhất là bằng, phương án khả thi là hết tháng 9 cầu vẫn giảm trên thế giới là 5%. Phương án xấu là hết năm vẫn xấu như thế này thì cầu giảm 10%.

Dù chưa đoán được nhưng cũng thấy không nhanh, ít nhất phải từ 6-9 tháng nữa của năm 2023, dệt may vẫn trong tình trạng trầm lắng này. Tất nhiên, lần đầu tiên chúng ta có thể hy vọng nhu cầu thị trường thế giới ở dạng sóng. Có thể đến tháng 6 bùng lên đợt sóng trong 2-3 tháng, xong lại xuống. Dài hạn có thể chưa có tín hiệu tốt, nhưng đón được sóng có thể vẫn có hiệu quả.

Năm “kiên định”sẽ đưa Vinatex vượt bão  - Ảnh 7

Như ông từng nói rất nhiều lần “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, Vinatex sẽ có những hướng đi như thế nào trong thời gian tới?

Năm 2023, trong điều kiện tổng cầu giảm, Vinatex phấn đấu doanh thu tăng 4-5%, hiệu quả duy trì mức tương đương năm 2022. Đây là mục tiêu cực kỳ thách thức trong bối cảnh chưa “sáng”.

Thực tế hơn, mục tiêu này không phải là ưu tiên số một mà như thời Covid-19, mục tiêu của Vinatex là giữ được vị trí trong chuỗi cung ứng và giữ được lao động có kỹ năng cao, và còn bao nhiêu sẽ hưởng từng đó, hiệu quả bằng khoảng 85-90% của năm 2022 là con số hiện thực hơn. Vì vậy thông điệp của Vinatex năm 2023 là 5 chữ “kiên định”.

Thứ nhất, kiên định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi chỉ nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu với tư cách thành viên chính thức thì mức độ bấp bênh, sụt giảm trước những biến động của thị trường sẽ luôn thấp hơn ngoài chuỗi.

Thứ hai, kiên định xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để Vinatex trở thành một điểm đến cung cấp từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác. Xu thế của thế giới hiện nay là khách hàng muốn tiếp xúc với những đối tác có thể làm từ đầu đến cuối và cắt đi các khâu trung gian. Nếu có hệ thống sản xuất hoàn chỉnh thì Vinatex sẽ có một bước tiến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ ba, kiên định thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội, sản xuất xanh vì đây sẽ là những yếu tố phi tài chính để lựa chọn những đối tác bền vững hơn, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường trong sản xuất bền vững.

Thứ tư, kiên định về chuyển đổi số và tự động hóa vì đây cũng sẽ là xu thế trong tương lai của các thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, kiên định trong phát triển nguồn nhân lực và con người để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số và giao dịch số.

Đây sẽ là năm giải pháp xuyên suốt, cốt lõi trong chỉ đạo của Vinatex đối với các đơn vị thành viên. Vinatex sẽ bước đi một cách chủ động hơn, không còn hoang mang trước những “bất định” mà đã sẵn sàng những giải pháp ứng phó với điều kiện sản xuất kinh doanh không tích cực.

Năm “kiên định”sẽ đưa Vinatex vượt bão  - Ảnh 8

VnEconomy 24/01/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Năm “kiên định”sẽ đưa Vinatex vượt bão  - Ảnh 9