14:00 10/01/2023

Doanh nghiệp dệt may 2023: Đẩy mạnh xanh hóa, số hóa

Lưu Hà

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các doanh nghiệp trong ngành trải qua năm 2022 với nhiều biến động, nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may vẫn đạt mục tiêu đề ra. Tuy vậy, trong quý 4/2022, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đơn giá cũng sụt giảm. Thêm một khó khăn khác, khách hàng đặt hàng tại các doanh nghiệp đưa ra mức giá chỉ bằng 30 - 40% mức giá thông thường. Trừ một số doanh nghiệp có khách hàng truyền thống lâu dài thì doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất. Dự báo năm 2023, thị trường trong nước và thế giới vẫn phải đối mặt nhiều thách thức về lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng cao...

ĐƠN HÀNG GIẢM MẠNH

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây của Fitch Solutions cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng năm 2022 tăng 2,5%, nhưng dự báo năm 2023 sẽ giảm 0,9%. Với việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu là phục vụ xuất khẩu, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đơn hàng các tháng cuối năm nay và quý 1/2023 giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng và giảm lao động. Nhiều công ty cũng cho biết, giá trị đơn hàng giảm do chịu áp lực giảm giá từ các nhà bán lẻ nước ngoài. Bên cạnh hiện tượng giãn hủy đơn hàng, điều kiện kinh doanh khó khăn khiến các doanh nghiệp dự báo phải đối mặt với rủi ro chậm thanh toán từ đối tác, ảnh hưởng đến dòng tiền, thậm chí là phát sinh nợ xấu. Trong khi sức cầu tại thị trường đầu ra suy yếu, nhiều doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn trước biến động tỷ giá, lãi suất thời gian gần đây.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết nửa cuối năm 2022, lạm phát tăng tại một số thị trường xuất khẩu quan trọng khiến sức mua hàng dệt may có xu hướng giảm. Theo ông Việt, thị trường hàng may mặc dự báo trầm lắng kéo dài sang quý 2 năm 2023. Ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Việt Tiến, cũng dự báo năm 2023, tình hình sẽ không cải thiện nhiều. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nên song hành đẩy mạnh cả hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa.

Đại diện Công ty May Tinh Lợi chia sẻ, lượng đơn đặt hàng vào quý 1/2023 của công ty giảm 20-30%. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động của nhà máy và đời sống người lao động, doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp như tìm kiếm đơn hàng tại thị trường nội địa.

Thị trường hàng may mặc được nhiều doanh nghiệp dự báo trầm lắng kéo dài sang quý 2 năm 2023.
Thị trường hàng may mặc được nhiều doanh nghiệp dự báo trầm lắng kéo dài sang quý 2 năm 2023.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công (Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM), dự báo tình hình sản xuất đầu năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn. Hiện, đơn hàng đã nhận chỉ đáp ứng khoảng 85% năng lực sản xuất của công ty. Kế hoạch quý 1/2023 công ty mong muốn đạt 38 triệu USD, nhưng đến nay mới được 36 triệu USD, giảm 7%. Hiện, công ty chấp nhận những đơn hàng giá gia công thấp, thậm chí lỗ để duy trì lượng khách hàng, tạo việc làm cho người lao động.

Dù thị trường nội địa năm 2022 đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp dệt may, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nhận định sang năm 2023 khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng đã đạt được, do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm mạnh trong quý 4/2022 và có xu hướng tiếp tục giảm ít nhất đến hết quý 1/2023. Trong khi đó, việc mở rộng mạng lưới phân phối rất tốn chi phí. Xu hướng cắt giảm số lượng cửa hàng để đưa ra giá tốt nhất cho người tiêu dùng trong năm 2022 sẽ tiếp tục là giải pháp của một số doanh nghiệp trong năm 2023...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 2 phát hành ngày 9-1-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp dệt may 2023: Đẩy mạnh xanh hóa, số hóa - Ảnh 1